Tạo ra gan người từ tế bào gốc
>>> Hàn Quốc sử dụng tế bào gốc trị bệnh Huntington
Một nhà khoa học đang làm việc với tế bào gốc - (Ảnh: AFP)
Theo tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 8/6, nhóm nghiên cứu do giáo sư Hideki Taniguchi tại ĐH Yokohama City dẫn đầu đã phát triển các tế bào gốc đa năng (iPS) thành những “tế bào tiền thân”, sau đó cấy vào cơ thể một con chuột.
Các tế bào này sau đó đã phát triển thành một lá gan, tuy nhỏ chỉ 5mm nhưng hoạt động với đầy đủ chức năng của gan người: nó có thể sản sinh ra các protein và phân giải thuốc.
Nghiên cứu đột phá này mở cơ hội tạo ra các cơ quan người, vốn là vấn đề đau đầu của các bác sĩ do họ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nội tạng của người hiến cho các ca cấy ghép.
Yomiuri Shimbun nhận định nghiên cứu trên có thể “là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lâm sàng”, nhưng nó sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi được ứng dụng trong y học.
Tế bào gốc thường được lấy từ phôi thai người, và vấn đề này hiện vẫn đang gây tranh cãi về mặt đạo đức, trong khi các iPS có thể lấy từ người trưởng thành.
Các iPS có tiềm năng phát triển thành bất kỳ dạng mô nào của cơ thể, được khám phá vào năm 2006 trong hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ của các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản.