Bệnh lậu sắp vô phương cứu chữa?
>>> Bệnh lậu làm gia tăng nguy cơ ung thư
Hiện WHO đang thúc giục các chính phủ và ngành y tế tăng cường theo dõi diễn tiến kháng thuốc của vi khuẩn bệnh lậu, một căn bệnh có thể khiến cho bệnh nhân bị viêm nhiễm, vô sinh, sinh quái thai và trong các ca nặng, có thể gây tử vong lúc sinh nở. Những đứa trẻ sinh ra khi mẹ mắc bệnh lậu sẽ có nguy cơ viêm mắt tới 50% mà hậu quả nặng nhất là bị mù.
Chỉ trong vòng 1-2 năm tới, lậu sẽ trở thành bệnh không thể cứu chữa?
“Vi khuẩn này đang không đáp ứng với mọi loại thuốc kháng sinh mà chúng tôi sử dụng”, Bác sĩ Manjula Lusti-Narasimhan thuộc Ban các bệnh STDs của WHO cho biết. Ngay cả nhóm kháng sinh cephalosporins, vốn được cho là phòng tuyến điều trị cuối cùng của y học hiện nay, cũng không phải là ngoại lệ.
“Chỉ trong vòng một hai năm nữa, nó sẽ có thể kháng lại mọi lựa chọn điều trị mà chúng ta có trong tay”.
Trước đây, bệnh lậu có thể chữa khỏi dễ dàng nhờ penicillin. Đây là căn bệnh STDs phổ biến thứ hai chỉ sau Chlamydia, một căn bệnh nhiễm khuẩn mới xuất hiện trên thế giới. Theo ước tính của WHO, có khoảng 106 triệu người bị mắc bệnh lậu mỗi năm trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, vi khuẩn lậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh STD khác như HIV.
“Đây không phải là vấn đề của riêng châu Âu hay châu Phi, mà là vấn đề của cả hành tinh”, bác sĩ Lusti-Narasimhan cho biết.
Các nhà khoa học tin rằng, chính việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách, kết hợp với khả năng thích nghi đáng ngạc nhiên của vi khuẩn lậu đã khiến cho căn bệnh này sắp trở thành “siêu vi khuẩn”. Chúng đã đột biến gene theo hướng khỏe hơn, nhờn kháng sinh hơn, sau đó nhanh chóng truyền bá gene này ra đồng loại.
Thực ra nhờn thuốc là vấn đề mà mọi loại kháng sinh đều gặp phải theo thời gian, song vi khuẩn lậu đã cho thấy khả năng thích ứng của chúng là siêu tốc. Chúng có khả năng thu nhặt các DNA ưu việt từ vi khuẩn khác cực nhanh, WHO cho biết.