Cậu bé không có da
Bọc ngoài thân hình bé là một lớp da rất mỏng manh và dễ rách. "Thằng bé giống như bị bỏng độ 3 vậy", mẹ bé, chị Heather Curtis, 35 tuổi, ở Charlestown (Mỹ) cho biết. "Các bác sĩ có thể nhìn thấy hết tĩnh mạch của nó".
Người ta phải băng kín phần lớn cơ thể bé để tránh nhiễm trùng toàn thân, mỗi ngày phải thay băng một lần và mỗi lần cũng mất hàng tiếng cho việc tháo băng, bôi thuốc mỡ.
Epidermolysis bullosa là một dạng rối loạn da di truyền, đặc trưng bởi những phản ứng mạnh trước các tổn thương nhỏ, khi bị nóng hoặc thậm chí là các vết chà xát, gãi.
Cậu bé bị băng bó để tránh nhiễm trùng toàn thân. (Ảnh: ABC).
Brody mắc bệnh này ở thể loạn dưỡng lặn (bố và mẹ em đều mang gen bệnh, nhưng không biểu hiện ra ngoài), cộng thêm các nốt phồng rộp trong miệng và lưỡi. Bệnh xảy ra với xác suất là một trên một triệu trẻ.
Với những trường hợp nặng nhất, trẻ có thể tử vong chỉ sau một vài ngày hoặc một vài tuần do da không có chức năng bảo vệ. Hoặc chúng bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng. Với những ca nhẹ hơn, trẻ có xu hướng bị các nốt phồng rộp nhiều hơn và các vết ăn mòn trên tay, chân, những chỗ bị chấn thương.
Sau một tháng chào đời, rất nhiều vết mất da trên cơ thể bé Brody vẫn chưa mọc lại.
(Ảnh: DailyMail)
ABC cho biết hiện không có cách chữa trị hiệu quả với tình trạng này, ngoài việc băng bó để tránh các vết thương và nhiễm trùng. Các bậc cha mẹ cũng được khuyến cáo nên kiểm tra tiền hôn nhân để tránh nguy cơ mang gen lặn gây bệnh cho con.
Các bác sĩ không rõ liệu lớp da của bé Brody có mọc trở lại hoàn toàn hay không, nhưng họ vẫn hy vọng một ngày nào đó bé có thể sống bình thường. Cha mẹ bé thì rất lạc quan, vì lớp da của bé đang có xu hướng mọc trở lại, đóng vảy ở các vết thương.