Sinh đôi: Nên vui hay nên buồn?
Sinh đôi luôn là một hiện tượng bất thường. Xưa kia, người ta cho rằng đó là ý muốn của quỷ dữ. Song các bậc cha mẹ lại cho rằng sinh đôi là niềm vui nhân đôi.
Có nhiều "huyền thoại" khác nhau về sinh đôi. (Ảnh: Corbis).
Huyền thoại 1: Sinh đôi có nguyên nhân di truyền và thông thường mỗi thế hệ lặp lại một lần.
Điều này đúng vì sinh đôi có tiền đề là di truyền. Cũng có những dòng họ chỉ đẻ sinh đôi có một lần duy nhất và điều này không bao giờ lặp lại nữa. Cũng có khi sinh đôi lại xảy ra ngay thế hệ sau. Sinh đôi cùng trứng càng hiếm khi lặp lại hơn.
Huyền thoại 2: Trẻ sinh đôi có cùng bộ gen và nhiễm sắc thể.
Có hai loại sinh đôi. Sinh đôi khác trứng (hai trứng cùng rụng và kết hợp với 2 tinh trùng, để đồng thời thành phôi, còn gọi là sinh đôi lưỡng hợp tử) thì 2 trẻ sinh đôi giống nhau có mức độ như những anh chị em ruột khác. Còn sinh đôi cùng trứng (trứng đã thụ tinh thành phôi lại từ phân thành hai) thì hai trẻ sinh đôi có cùng mã di truyền. Tuy nhiên, vân tay của chúng vẫn khác nhau.
Huyền thoại 3: Trẻ sinh đôi luôn luôn bị sinh sớm.
Không nhất thiết. Nhưng thường là như vậy. Trung bình các trẻ sinh đôi ra đời sau 40 tuần. Theo các bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm, thời gian mang bầu của các bà mẹ song thai là 37 tuần.
Huyền thoại 4: Khi bà mẹ song thai sinh, chỉ nên mổ.
Thực ra tỷ lệ mổ sinh cả hai trường hợp đơn thai và song thai là như nhau. Chuyện mổ sinh chỉ nên đề cập đến trong các trường hợp sinh ba hoặc sinh tư vì những trường hợp này sinh tự nhiên có nguy cơ cao. Bất cứ một phụ nữ bình thường cũng đều đủ sức khoẻ để sinh hai con liên tiếp.
Huyền thoại 5: Trẻ em sinh đôi đơn hợp tử (cùng trứng) giống nhau đến mức không thể phân biệt được.
Nếu quan sát kỹ, vẫn tìm ra những điểm khác nhau. Một cái nốt ruồi chẳng hạn và còn nhiều điều khác nữa. Có thể phân biệt bằng nụ cười, giọng nói, sự biểu cảm trên nét mặt…
Huyền thoại 6: Trẻ sinh đôi thường khác nhau về tính cách. Ví như đứa này lầm lì thì đứa kia lại hoạt bát?
Không nhất thiết. Sự giống nhau hay khác nhau chỉ như các anh em ruột bình thường mà thôi. Song có một thực tế là chúng không muốn bị mọi người coi là giống nhau và luôn luôn muốn khẳng định sự “độc lập” của mình.
Huyền thoại 7: Thường trong 2 đứa trẻ sinh đôi, đứa lớn (ra đời trước) bao giờ cũng chỉ huy, đứa nhỏ chỉ bắt chước, làm theo.
Điều này phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ. Nếu bố mẹ bảo đứa nào là anh (hay chị) thì nó sẽ cố gắng có cách ứng xử thích hợp với “địa vị” của mình. Khổng có căn cứ gì khác để xác định đứa nào là anh/chị và em. Ra đời chỉ hơn kém nhau vài phút chẳng có ý nghĩa gì.
Huyền thoại 8: Khi lớn lên, tốt nhất là không để chúng học cùng lớp.
Nhiều bậc phụ huynh cũng cố tách những đứa con sinh đôi ra học ở các lớp khác nhau hoặc cùng lớp thì không để chúng ngồi cạnh nhau. Tuy nhiên, để tiện việc cho mình, các thầy cô giáo không muốn xáo trộn.Thực ra, khi từ nhỏ chúng đã sống bên nhau như hình với bóng, tách chúng ra có thể làm chúng bị stress mà chưa chắc có lợi gì.
Các nhà tâm lý trẻ em đều cho rằng lúc mới đi học, nên cho chúng vào cùng một lớp. Sau này, khi chúng lớn, có tính độc lập thì để chúng tự chọn cùng hay khác lớp.
Huyền thoại 9: Trẻ em sinh đôi có một thứ linh cảm đặc biệt để “liên hệ” với nhau khi ở cách xa nhau.
Về nguyên tắc, những người thân thiết với nhau, sống chung lâu với nhau thường “cảm thông” những suy nghĩ của nhau: chồng với vợ, cha mẹ với con cái, anh chị em ruột. Anh chị em sinh đôi sống bên nhau càng gần gũi nhau hơn, nên cảm nhận về nhau càng sâu sắc hơn. Một trong hai trẻ khi xa nhau hoàn toàn có thể “cảm nhận” được sự rủi ro, chấn thương, ốm đau...) của đứa kia, đôi khi có thể đọc được suy nghĩ của nhau nữa. Đừng ngạc nhiên khi chúng suy nghĩ giống nhau. Tuy vậy, nếu từ bé, chúng được nuôi dưỡng cách biệt nhau, thì người ta không quan sát thấy hiện tượng này.