Khỉ có gene chống bệnh thế kỷ
SIV có mối quan hệ chặt chẽ với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Bệnh AIDS do HIV gây nên được gọi là "căn bệnh thế kỷ". Nhiều nhà khoa học tin rằng loài người nhiễm SIV từ các động vật linh trưởng vào đầu thế kỷ 20. Nhưng cũng có một giả thuyết khác cho rằng cả người và động vật linh trưởng đều nhiễm SIV từ một nguồn thứ ba.
AFP đưa tin các nhà khoa học của Đại học Harvard tại Mỹ tiêm vắc-xin cho một đàn khỉ rhesus rồi để chúng phơi nhiễm nhiều lần với SIV trong hai tuần. Một nửa số khỉ nhiễm virus, song một nửa không nhiễm. Khi xem xét những con không nhiễm, nhóm chuyên gia nhận thấy chúng đều sở hữu một gene trội có tên TRIM5.
Những con khỉ rhesus. Ảnh: mostinterestingfacts.com.
Giáo sư Norman Letvin, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng phát hiện này có thể giúp giới khoa học phát triển loại vắc-xin chống AIDS tốt hơn dành cho người.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rất có thể con người cũng có những gene chống bệnh AIDS giống như TRIM5, song tính trạng của chúng chỉ biểu hiện ở một số người. Trong cơ thể những người khác, chúng là gene lặn. Vì thế chúng tôi không chỉ nghiên cứu khả năng chế vắc-xin chống AIDS hiệu quả hơn, mà còn nghĩ tới việc lập bản đồ gene của những người mà các gene chống AIDS biểu hiện tính trạng", Letvin nói.
Một vắc-xin chống AIDS từng được thử nghiệm tại Thái Lan, song nó chỉ giảm được 31,2% nguy cơ nhiễm bệnh. Theo Letvin, điều đáng buồn là tác dụng chống AIDS của vắc-xin này giảm dần sau ba năm.