Hắt hơi cách nào an toàn nhất?
Có lẽ không cách hắt hơi nào kém an toàn hơn cách này.
Có 3 cách thường được áp dụng khi hắt hơi là lấy bàn tay che miệng, dùng khuỷu tay che miệng và dùng khăn tay/khăn giấy che miệng. Và thông thường, cách dùng khăn giấy/khăn tay che miệng được xem là an toàn nhất. Tuy nhiên, trong một thực nghiệm tại Mỹ, người tham gia thử nghiệm sẽ mặc toàn đồ màu trắng, uống các dung dịch màu và dùng chất gây hắt hơi, đứng trên 1 mặt phẳng có tính khoảng cách, kết quả hoàn toàn ngược lại:
Thử nghiệm thứ nhất là dùng bàn tay che miệng khi hắt hơi. Kết quả sau 3 lần hắt hơi gần nhau cho thấy các giọt dịch bắn ra từ mũi (đối tượng thử nghiệm đã uống nước nhuộm màu) vươn xa tới 2,5m với rất nhiều giọt dịch nhỏ. Hình ảnh camera quay chậm chỉ rõ, bàn tay không thể ngăn được luồng hơi và dịch bắn ra, theo hướng lên trên và tỏa ra xung quanh. Tất nhiên là bàn tay thì đầy chất dịch cơ thể.
Thử nghiệm thứ hai là dùng khuỷu tay che miệng khi hắt hơi. Hình ảnh camera quay chậm cho thấy không có luồng hơi hay dịch nào thoát ra khỏi khuỷu tay. Chỉ có 2-3 giọt dịch rơi xuống. Các giọt dịch tập trung ở khuỷu tay và hoàn toàn không có ở bàn tay.
Dùng khuỷu tay che miệng mũi khi hắt hơi sẽ an toàn nhất cho bản thân và mọi người xung quanh.
Thử nghiệm lần thứ 3 là dùng khăn vải che miệng khi hắt hơi. Mặc dù khăn đã được gập lại nhưng các giọt dịch li ti vẫn bắn xuống đất. Nước mũi ngấm qua khăn dính vào tay của người hắt hơi. Bạn hãy tưởng tượng bạn bỏ chiếc khăn này vào túi và rồi lấy tiền lẻ, lấy điện thoại, bút… và tay thì bám vào nắm đấm cửa, lan can cầu thang… thì vi-rút sẽ lây lan nhanh đến mức nào?
Rõ ràng, trong 3 cách trên thì dùng khuỷu tay che miệng khi hắt hơi luôn là an toàn với chính bạn và những người xung quanh, giảm thiểu được sự lây lan của vi-rút trong những giai đoạn chuyển mùa hay đang có dịch.