Dễ say rượu là do gene
Các nhà khoa học vừa phát hiện một gene khiến chất cồ
Các nhà khoa học vừa phát hiện một gene khiến chất cồn lên não người rất nhanh, dẫn tới việc một số người nhanh bị say khi uống rượu.
Ảnh minh họa.
Khi uống rượu, bia một số cá nhân bị say nhanh hơn so với những người khác. Telegraph cho biết, các nhà khoa học của Đại học North Carolina tại Mỹ mời 237 sinh viên trong trường tham gia một nghiên cứu để xem khả năng uống chất cồn có liên quan tới cấu trúc gene hay không. Những sinh viên tham gia nghiên cứu có cha hoặc mẹ nghiện rượu, nhưng bản thân họ không nghiện.
Nhóm nghiên cứu đưa cho các sinh viên một cốc dung dịch hỗn hợp gồm chất cồn và nước giải khát có ga. Nồng độ cồn trong hỗn hợp tương đương ba ly rượu vang. Cứ sau khi các sinh viên uống một cốc, nhóm nghiên cứu lại hỏi để xem họ cảm thấy say, tỉnh táo hay buồn ngủ.
Kết quả phân tích gene của những người say sớm nhất cho thấy, tất cả họ đều mang một gene có tên CYP2E1. Gene này nằm trong nhiễm sắc thể số 10 và khiến cho chất cồn lên não rất nhanh. Những người uống được nhiều rượu không có gene CYP2E1.
“Chúng tôi tìm thấy một gene có khả năng ngăn chặn con người trở thành kẻ nghiện rượu. Điều đáng chú ý của là tác động của gene đó khá mạnh”, giáo sư Kirk Wilhelmsen, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Wilhelmsen nói thêm rằng nghiện rượu là hội chứng cực kỳ phức tạp và con người có thể nghiện rượu bởi nhiều nguyên nhân. Vì thế không mang gene CYP2E1 có thể chỉ là một trong những nguyên nhân ấy.
Do những người mang CYP2E1 dễ bị say hơn khi uống rượu, bia nên họ khó trở thành kẻ nghiện chất có cồn hơn so với những người không mang gene. Nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 10 tới 20% dân số thế giới mang một phiên bản nào đó của CYP2E1.