Những thí nghiệm điên rồ
Phải thừa nhận rằng, thí nghiệm và thử nghiệm là một bước bắt buộc quan trọng không thể bỏ qua trong việc đưa nhân loại tiến lên những tầm cao mới. Thế nhưng cũng có không ít thí nghiệm mà sau đó người ta mới nhận ra rằng nó thật điên rồ và ngớ ngẩn. Không những nó không giúp ích gì cho sự phát triển của khoa học mà có khi còn để lại những hậu quả nặng nề...
(Ảnh minh họa: Onlinecolleges)
Đầu ông này cắm cổ bà kia
Thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước là thời kỳ vàng son của khoa học. Con người lúc đó đã bắt đầu những chuyến thám hiểm không gian, xem tivi và được nhìn thấy mô hình xoắn đôi đầy quyến rũ của các chuỗi ADN. Năm 1954, ca cấy ghép nội tạng (một quả thận) đầu tiên ở người thành công đã mở ra nhiều hy vọng cho kỹ thuật cấy ghép. Nhưng có lẽ do quá huyễn hoặc vào thành công của mình, các nhà giải phẫu đã nghĩ ngay đến việc ghép... đầu người.
Trước đó đã có hàng trăm con chó và khỉ phải "hy sinh" làm vật thí nghiệm bởi con người luôn bị lôi cuốn bởi ý tưởng giành lại sự sống sau khi bị hành hình bằng máy chém và cũng đã có một vài ca thành công. Tuy nhiên, từ thành công trên động vật đến thành công với cơ thể người còn cả một khoảng cách lớn. Để thực hiện ý tưởng ghép đầu người - mà sau này nhiều tờ báo gọi đó là "hão huyền" và "điên rồ", năm 1985, Viện nghiên cứu Y học ở Kyev (Nga) đã tiến hành ghép đầu một học giả xuất chúng bị ung thư xương giai đoạn cuối ghép vào cổ một tên côn đồ khét tiếng bị hành quyết. Sự kiện này gây tranh cãi lớn trong giới khoa học.
“Yêu” ngoài không gian
Những thí nghiệm ngoài không gian thường khá kỳ lạ, từ việc làm nổ tung những con tinh tinh tội nghiệp khi đưa chúng vào quỹ đạo đến việc chế tạo những bữa ăn siêu nhẹ, siêu nhỏ... và sex ngoài không gian. Năm 2000, nhà thiên văn học Pháp Pierre Kohler đã làm xôn xao các tờ báo khi ông tiết lộ trong cuốn sách của mình - "The Last Mission" - rằng NASA đã nghiên cứu tính khả thi của việc áp dụng 10 tư thế "yêu" trong môi trường trọng lực yếu trên tàu con thoi vào năm 1996. Không chịu kém cạnh, người Nga cũng được cho là đã thực thi các thử nghiệm liên quan đến các "cách thức ghép đôi con người" trên không gian.
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường ngoài không gian đến hệ thống sinh sản của con người có lẽ không có gì mới lạ. Ngay từ những chuyến du hành đầu tiên, người ta đã có những hoài nghi về việc các chuyến bay lên quỹ đạo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học Nga đặc biệt chú ý đến việc mang thai của phi hành gia nữ Valentina Tereshkova vào năm 1964. Sau khi trở về từ quỹ đạo, Tereshkova đã cưới đồng nghiệp của mình là Andreyan Nikolayev và không lâu sau đó đã thụ thai em bé đầu tiên của thế giới có bố mẹ từng bay vào không gian. Đứa con gái của họ đã rất khỏe mạnh.
Rất nhiều tiền đã được chi cho thí nghiệm ngớ ngẩn này nhưng công trình của các nhà khoa học lại chẳng mang lại bao nhiêu lợi ích cho con người. Thế cho nên, giới báo chí mới gọi đó là công trình "ném tiền qua cửa sổ tàu vũ trụ".
Nhưng "siêu" chiến binh
"Chiến binh không ngủ" là một trong những dự án lớn được Lầu Năm góc triển khai từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Theo đó, để tạo ra những chiến binh không ngủ cả ngày lẫn đêm trong các trận chiến kéo dài, Cục Kế hoạch nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho thử nghiệm modafinil - một loại thuốc có tác dụng kích thích trung khu thần kinh, khiến con người có thể thức liên tục trong 40 giờ liền. Không chỉ có vậy, cơ quan này còn tài trợ cho việc nghiên cứu nhiều biện pháp chống buồn ngủ khác thường như dùng điện từ trường kích thích đại não và tiêu trừ mỏi mệt.
Bên cạnh đó, để tạo cho các chiến binh khả năng tự bảo vệ trong điều kiện môi trường ác liệt, không bị lây bệnh truyền nhiễm, chống lại được những tác động của vũ khí sinh hóa và chịu được độ cao lẫn nhiệt độ cao, Lầu Năm góc còn thử nghiệm một dự án tạo ra bộ áo giáp cho cơ thể. Nếu thành công, các chiến binh sẽ có một số khả năng siêu phàm như bay ở trên cao như chim, lặn sâu dưới nước như sư tử biển...
Tuy nhiên, ước mơ của Lầu Năm góc chưa kịp hoàn thiện thì đã kịp tạo ra không ít binh sĩ bị bệnh tâm thần và stress vì những thí nghiệm điên rồ kể trên.
Vaccin phòng chống vũ khí sinh học
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lục quân Mỹ đã huy động tổng cộng 2.300 người tham gia thí nghiệm vaccin phòng chống vũ khí sinh học. Sau khi được tiêm loại vaccin này, những người tham gia thí nghiệm nhớ lại khi đó họ đã phải chịu những cơn đau dữ dội kéo dài mấy ngày liền như thể bị ai đó bẻ gãy cột sống, kèm theo là những cơn sốt nóng, sốt lạnh. Các tài liệu mật cũng cho thấy, thí nghiệm trên được tiến hành ở bang Maryland từ năm 1954 tới năm 1973 và đã có nhiều người thiệt mạng.
Tiêm chất phóng xạ vào cơ thể
Khi Chiến tranh Thế giới thứ II sắp kết thúc, các nhà khoa học rất muốn tìm hiểu sâu hơn mức độ nguy hại của các nguyên tố phóng xạ đối với cơ thể người. Ngày 10/4/1945, người ta đã tiêm plutôni vào cơ thể một nạn nhân bị thương do tai nạn ôtô để nghiên cứu cơ chế loại bỏ chất phóng xạ của cơ thể người. Sau này, hơn 400 cuộc thí nghiệm tương tự cũng đã được tiến hành, gồm cả các thí nghiệm trị liệu phóng xạ đối với bệnh nhân ung thư, với lượng phóng xạ đưa vào cơ thể người khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thống kê được đã có bao nhiêu người trở thành nạn nhân của thí nghiệm này.
Cưỡi xe tên lửa
Trước khi sử dụng tên lửa đẩy đưa du thuyền và người vào vũ trụ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã nghiên cứu chế tạo một loại xe trượt giảm áp, có tốc độ lên tới hàng trăm km/giờ. Tham gia vào thí nghiệm với xe trượt giảm áp bắt đầu từ năm 1954 là Đại tá, bác sĩ ngoại khoa John Stamp. Khi tốc độ đạt 1.010km/giờ, Stamp đã phải chịu áp lực tương đương với 35 lần sức hút của trái đất. Hậu quả là Stamp đã bị thương tổn khắp người, không chỉ là việc gãy mất mấy dẻ xương sườn, dập xương cổ tay, bay cả "hàng tiền đạo", mà còn bị vỡ mạch máu ở mắt và chấn động não.
Phun chất độc thần kinh
Mối đe dọa của chiến tranh sinh hóa đã khiến Lầu Năm Góc cho thực thi Kế hoạch 112 vào những năm 1960, 1970. Một trong những nội dung của nó là phun các loại chất độc thần kinh như Sarin, VX lên hàng ngàn, hàng vạn binh sĩ hải quân nhằm kiểm tra trình tự làm sạch độc tố và các biện pháp bảo đảm an toàn. Năm 2002, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công khai chi tiết kế hoạch này. Sau đó, Cục quản lý quân nhân về hưu đã cho điều tra về khả năng bị thương tật của các quân nhân tham gia thí nghiệm này.