Triển vọng ghép phổi lợn vào cơ thể người
Đây là sự đột phá của các nhà khoa học và bác sĩ làm việc tại Bệnh viện St Vincent's Melbourne. Trước đó, họ thử nghiệm kết hợp máu người với phổi lợn chưa qua xử lý, nhưng khi đi vào phổi lợn thì máu người bị đông kết, không thể lưu thông.
Giờ đây, các nhà khoa học có thể làm cho máu người đi qua phổi lợn, sau đó dùng bộ thông gió và bơm hơi giúp phổi của động vật hoạt động, thực hiện chức năng hô hấp.
Từ năm 1989 đến nay, giáo sư Tony D'Apice không ngừng nghiên cứu cấy ghép cơ quan của lợn vào cơ thể người. Ông cho biết, lần thí nghiệm này đã loại bỏ phản ứng ở tạng động vật đối với máu người.
Glenn Westall, trưởng dự án thí nghiệm này, cũng cho biết, khi đi vào phổi, máu không có oxy, nhưng khi đi ra nó mang theo oxy, đây chính là cơ chế hoạt động của phổi. Theo bác sĩ Westall, đây là một bước đột phá quan trọng dù nhiều vấn đề khác đang chờ họ giải quyết.
Kết quả nghiên cứu dự án này sẽ được công bố trong Hội nghị quốc tế về cấy ghép cơ quan động vật tại Vancouver (Canada) vào tháng 8 năm nay.
Tuy kết quả nghiên cứu có triển vọng, nhưng phó giáo sư xã hội học Nicholas Tonti-Filippini, bày tỏ lo ngại: “Việc ghép tạng này có thể khiến cho con người mắc phải những căn bệnh của động vật. Hơn nữa, về mặt đạo đức rất khó chấp nhận như vậy. Cho dù mọi người có gọi họ như thế nào, thì đây chỉ là sản phẩm lai tạp. Điều này còn liên quan đến việc xã hội có chấp nhận tình trạng một bộ phận trên cơ thể người là của động vật hay không?”