Cánh hoa xuân: vị thuốc quý
Hoa đào là hoa của người miền Bắc trong ngày Tết. Hoa đào có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, chữa thủy thũng, bí đại tiện, chữa viêm thận, chống táo bón cho trẻ em, trị ho gà. Ngày dùng 3–5g. Hoa đào có giá trị chữa bệnh khi đã bảo quản tốt trong một năm, để lâu hoặc bảo quản không tốt kém tác dụng.
Hoa hồng nhung, ngày thường vẫn được ưa chuộng, ngày Tết càng cao giá trong bình hoa đón giao thừa. Dùng hoa hồng nhung hãm nước uống như chè, có tác dụng chống mệt mỏi. Nếu bị viêm họng dùng nước hãm hoa hồng nhung súc mệng vừa mau khỏi bệnh, lại thơm miệng.
Hoa hồng bạch, hấp với đường phèn hoặc mật ong (thậm chí đường đắng), trị ho cho trẻ nhỏ, rất hiệu nghiệm.
Hoa cúc chỉ, màu vàng nhạt, hương thơm nhẹ, hoặc màu vàng đậm, hương thơm hắc. Có tác dụng hạ nhiệt, hạ huyết áp, làm sáng mắt, giải độc, chữa chứng hoa mắt váng đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt. Hãm hoa cúc chỉ, lấy nước uống dài ngày, giúp cơ thể chống lão hóa, tăng tuổi thọ.
Cúc bách nhật, hoa lâu tàn, dùng trị ho, đặc biệt trị chứng ho gà ở trẻ nhỏ; trẻ em đầy bụng, sốt cao mê sảng, tiểu tiện khó.
Hoa cẩm chướng hương, màu đỏ, nếu cảm mạo, uống nước hãm sẽ ra mồ hôi, dịu ho, chữa cảm cúm rất tốt.
Hoa cẩm chướng gấm, dùng rễ cây hoa này đun uống để hạ nhiệt, lợi tiểu, nhất là phụ nữ bị tắc kinh, dùng rất tốt.
Hoa náng trắng, dùng nước ép nhỏ vào tai, chữa đau tai, lá hơ nóng đắp bóp chỗ đau, bong gân khi ngã, xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi.
Hoa đất, dùng làm thuốc bổ, nhất là ngày Tết uống nước hoa đất sẽ kích thích ăn ngon miệng, chóng hồi phục sức khỏe, nhất là nếu bị nhức mỏi chân tay sẽ khỏi ngay; phụ nữ sau khi sinh, nên dùng để mau hồi phục. Thường ngâm rượu để uống: Một phần hoa đất, năm phần rượu (rượu 40 độ), ngâm khoảng 40 ngày mới nên dùng. Rượu có màu đỏ rất đẹp trong ngày xuân, tuy hơi chát, và hơi đắng, có thể thêm mật ong hoặc đường cho dễ uống.
Hoa phấn, trẻ em thường lấy hoa đỏ nghiền nát, bôi vào má để hóa trang có đôi má hồng, phấn tong quả trắng, mịm xoa mặt là loại phấn xoa tốt nhất.
Nhân năm Canh Dần, nói thêm về một cây thuốc mang tên hổ.
Lưỡi hổ, (Aloe). Có hai tác dụng: 1. dùng với liều lượng nhỏ (0,05–0,10g) là loại thuốc: Bổ, giúp sự tiêu hóa - nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột. 2. Liều cao, lưỡi hổ là vị thuốc tẩy mạnh, song tác dụng chậm, gây xung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già. Cấm dùng cho người lòi dom, người tỳ vị hư nhược và phụ nữ có thai.
Mừng xuân, đón Tết, chơi hoa, hái lộc là tập tục đẹp của người Việt Nam, những đóa hoa xuân, tô điểm ngày Tết, ấm áp mùa xuân, lại cho ta những vị thuốc tốt có giá trị, đó là sự ban tặng đầu năm của thiên nhiên.