Tử thi ở Haiti có tăng nguy cơ bệnh tật?
Trên đường phố Haiti, người sống đang vất vả tìm miếng ăn, nước uống, áo mặc, thuốc chữa bệnh và nơi trú thân. Trong khi đó, chết không hẳn là hết. Nhiều nạn nhân của trận động đất kinh hoàng đang được chôn cất vội vàng trong các hố chôn tập thể.
Ước tính số người thiệt mạng dao động từ 50.000 đến ít nhất 200.000. Xác chết chất ven đường, mắc kẹt trong đống đổ nát hoặc nằm tại hố chôn sơ sài. Nhiều người sợ rằng, những tử thi này có thể khiến dịch bệnh lây lan.
Nguy cơ không đáng kể
Nỗi lo bệnh tật lây lan từ xác chết có thể bắt nguồn từ những đại dịch trong quá khứ, ví dụ nhiều người từng thiệt mạng vì bệnh tả. Tuy nhiên, động đất, lũ lụt, hỏa hoạn gây ra thương vong, đuối nước, bỏng... không phải là bệnh tật. Nghiên cứu của Oliver Morgan tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) chỉ ra rằng, xác người chết vì thiên tai không gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
“Nguy cơ lây lan bệnh dịch từ người chết hoàn toàn không đáng kể, trừ khi dân chúng mắc bệnh gì đó. Nhiều người hiểu sai vấn đề nên gây lãng phí nguồn lực”, Nicholas Young, Giám đốc điều hành Hội Chữ thập đỏ Anh và là ủy viên quản trị của tổ chức gây quỹ mang tên Ủy ban ứng cứu thảm họa, nhận định.
Xác người chết mạnh khỏe không phát tán mầm bệnh. Người xử lý tử thi đối mặt nguy cơ lây nhiễm thấp và có thể giảm thiểu bằng các biện pháp vệ sinh cơ bản.
Bịt mũi và miệng khi đi ngang xác người chết vì động đất ở Haiti. Ảnh: AP
“Nhiều người cho rằng, xác chết phải được chôn cất, phân hủy càng nhanh càng tốt. Tử thi thường được đẩy xuống hố mà không qua bất kỳ công đoạn nhận dạng nào. Vì thế, người ta không thể thống kê chính xác số người chết cũng như nhận dạng người thân gặp nạn”, ông Young nói.
Tổ chức từ thiện mang tên Ủy ban ứng cứu thảm họa đã xây dựng bản hướng dẫn quản lý tử thi ở vùng gặp thảm họa dựa trên tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm thực tế từ vụ sóng thần châu Á năm 2004, lũ lụt Haiti năm 2004, bão Katrina ở Mỹ, động đất tại Pakistan và Ấn Độ trong những năm gần đây.
Không cần hóa chất khử độc
Bản hướng dẫn cung cấp thông tin dễ hiểu, dễ nhớ để người bình thường có mặt tại hiện trường có thể xử lý việc thu gom, nhận dạng, lưu giữ và chôn cất người chết một cách dễ dàng.
Trong trường hợp cần thiết, có thể làm lễ mai táng tạm thời. Tuy nhiên, không khuyến khích việc sử dụng chất ăn da để “tẩy uế” tử thi vì những chất này không đem lại hiệu quả gì mà lại khiến việc nhận dạng người chết thêm khó khăn.
Bản hướng dẫn viết rằng, người sống có khả năng lây bệnh cao hơn người thiệt mạng. Trên thực tế, người may mắn thoát chết thường thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện sinh hoạt hợp vệ sinh nên họ dễ mắc bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng khi xử lý người chết vì lúc còn sống, họ có thể là bệnh nhân lao, tiêu chảy, AIDS, viêm gan B hoặc C. Người tiếp xúc với tử thi phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo găng tay, rửa tay... vì bệnh lao, tiêu chảy, viêm gan B và viêm gan C có thể tồn tại trong người chết 2 ngày, tiến sĩ Egbert Sondorp, giảng viên Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, nói.
Ở tử thi, HIV có thể sống 6 ngày. Ngoài ra, còn có nguy cơ từ việc uống nước nhiễm bẩn, đặc biệt là nhiễm chất thải của người chết cũng như người sống.
Tại sao người ta lại vội vã chôn cất tử thi, trong khi bản hướng dẫn chính thức nói rằng không cần làm như vậy?
Một trong những lý do được đưa ra là mùi, vì xác chết đang phân hủy bốc mùi khó chịu. “Xét về mặt tâm lý, hầu hết mọi người tránh tiếp xúc với tử thi. Ngoài ra, người ta nhanh chóng tổ chức mai táng để chó và các động vật khác không thể ăn xác chết”, tiến sĩ Sondorp nói.
Phong tục tập quán, tôn giáo cũng có thể là một nguyên nhân. Người theo đạo Hồi và đạo Do Thái thích người chết được chôn cất trong vòng 24 giờ.
Tuy bản năng con người là nhanh chóng chôn cất xác chết vì tử thi sẽ sớm bốc mùi và trông khó coi, nhưng cần có phương pháp xử lý phù hợp để bảo đảm tâm lý cũng như quyền lợi của thân nhân người quá cố, Ute Hofmeister, cố vấn pháp y của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nói.
Họ hàng nạn nhân cần biết điều gì đã xảy ra: họ chết như thế nào và được chôn cất ở đâu. Ngoài ra, việc xác định chính xác người chết có tầm quan trọng về mặt pháp lý vì vấn đề thừa kế và bảo hiểm có thể tác động đến cả gia đình trong nhiều năm.