WHO cảnh báo không chặn được cúm A/H1N1
"Như những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay, với hơn 100 nước thông báo có dịch, sự tiếp tục lây lan trên toàn thế giới là không thể ngăn chặn được", Tiến sĩ Chan nói.
Bà nhấn mạnh, đa số bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ và hồi phục hoàn toàn chỉ trong vòng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ như phụ nữ mang thai và những người có sẵn các vấn đề về sức khỏe cần được theo dõi chặt chẽ bởi vì nếu bị cúm, các đối tượng này có nguy cơ bị biến chứng cao hơn.
"Một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta là giúp cho người dân hiểu rõ khi nào họ không cần phải lo lắng sợ hãi và khi nào họ phải nhập viện gấp", trích lời Tổng giám đốc WHO.
Hội nghị ở Cancun diễn ra trong 2 ngày với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và chuyên gia đến từ 50 nước nhằm thảo luận các chiến lược chống cúm A/H1N1. Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi có báo động đầu tiên về dịch bệnh này và từ đó tới nay, H1N1 đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia, nhiễm bệnh cho hơn 70.000 người và cướp đi sinh mạng của hơn 300 bệnh nhân trên toàn thế giới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan. (Ảnh: AP) |
Lo lắng gia tăng khi mùa cúm vào đỉnh điểm đã buộc nhiều nước thuộc khu vực Nam Mỹ phải ban bố tình trạng y tế khẩn cấp. Paraguay vừa thông báo ca tử vong đầu tiên trong khi ở Argentia, các trường học yêu cầu học sinh ở nhà còn phụ nữ mang thai được phép nghỉ làm 2 tuần để phòng bệnh.
Các đại biểu hy vọng, hội nghị ở Cancun sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, góp phần hạn chế tốc độ lây lan của dịch cúm trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người quan ngại rằng các hãng dược phẩm vẫn chưa thể bào chế được một loại vaccine hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Nhật Bản vừa thông báo bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên kháng thuốc Tamiflu ở nước này. Đó là một phụ nữ ở Osaka và người này đang hồi phục sau khi chuyển sang dùng thuốc Ralenza. Đây là trường hợp thứ 2 kháng lại Tamiflu trong vòng chưa đầy một tuần qua. Ca trước đó là ở Đan Mạch, là nữ giới và Ralenza cũng tỏ ra hiệu quả với bệnh nhân này.