Dự án bảo tồn... loài người
Trần Trung (Theo Ilogi)
Thiên nhiên và môi trường vốn có những nguồn sức mạnh phi thường mà con người không thể nào chế ngự được. Trong quá khứ, thiên tai, dịch họa từng hủy diệt nhiều nền văn minh của nhân loại. Ngày nay, cộng với các mối đe dọa tiềm ẩn như chiến tranh, năng lượng hạt nhân, hiệu ứng nhà kính… khiến con người có thể đứng trước nhiều nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn bởi một thảm họa nào đó. Các nhà khoa học và giới chính khách đang đau đầu với câu hỏi: Làm thế nào để bảo vệ nhân loại khỏi họa diệt vong?
Từ “quỹ gen nhân loại” trên dãy Hymalaya...
Còn nhớ, trong Kinh Thánh có ghi lại việc ông già Noe nhờ được Chúa trời báo mộng về nạn đại hồng thủy sẽ hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất nên đã đóng một con thuyền lớn, đưa lên đó mấy cặp vợ chồng, những cặp con vật và các hạt giống cần thiết. Sau cơn đại hồng thủy, chính từ con thuyền của ông già Noe, sự sống lại hồi sinh trên trái đất.
Ngày nay, có không ít người đang muốn làm cái việc gần giống như ông già Noe đã làm: lưu giữ quỹ gen người. Trong một cuốn sách của nhà khoa học Nga Ernst Muldashev (người đã trực tiếp tổ chức nhiều cuộc thám hiểm khoa học ở dãy Hymalaya) có kể rất nhiều về các vị lạt ma Ấn Độ trong tư thế ép xác. Qua tiếp xúc với các nhà hoạt động tôn giáo phương Đông (Ấn Độ, Nepal) - những người “đặc biệt”, được giao phó nhiệm vụ chăm sóc người ép xác trong dãy Hymalaya, qua đàm thoại với những người nắm được nhiều bí mật của các hang động và nghiên cứu các tài liệu, kinh sách của các tôn giáo, Muldashev được biết, tại các hang động có nhiệt độ ổn định trên dãy Hymalaya, có không ít thân thể đang được lưu giữ ở trạng thái bất động, rắn như đá, sự trao đổi chất hạ xuống mức không, người ta gọi là ép xác.
Xác ướp - Một hình thức bảo tồn gen. |
Tác giả của cuốn sách cũng cho biết thêm, trong lịch sử trái đất 4,6 tỷ năm đến nay đã từng có 5 chủng tộc người có kỹ thuật phát triển rất cao nhưng lần lượt bị tuyệt chủng do chiến tranh. Họ đã sử dụng những loại vũ khí tối tân và chính những thứ vũ khí đó đã phá hủy sự cân bằng của thế giới, gây nên thảm họa toàn cầu phá hủy tất cả. Chúng ta đang là những thành viên của nền văn minh thứ 5. Và quỹ gen nhân loại chính là để đảm bảo cho sự tồn tại của thế giới loài người. Những người ép xác là những nhân vật ưu tú nhất đảm nhiệm vai trò kho lưu trữ gen nhằm phục sinh nhân loại. Vào thời điểm nhân loại xảy ra thảm họa, họ sẽ hồi sinh, truyền bá lối sống vì cái thiện, chống cái ác, dạy tri thức cho con người nhằm điều chỉnh, hướng dẫn và thúc đẩy sự tiến bộ (giả thuyết về sự xuất hiện như các đấng Phật, tiên tri hé mở phần tri thức của không gian thông tin vũ trụ).
Đến khu bảo tồn... loài người
Trên đây là cách mà giới tôn giáo, huyền học đối phó với nguy cơ tuyệt diệt loài người. Còn cách của giới khoa học chính thống thì sao?
Chắc không ít người đã xem qua bộ phim hành động, viễn tưởng “Aeon Flux” được sản xuất năm 2005, dựa theo loạt phim hoạt hình nổi tiếng của MTV. Bối cảnh phim là trái đất vào năm 2415, 400 năm sau khi loài người bị diệt vong vì một bệnh dịch lạ. Những người may mắn sống sót đang sống trong một thành phố biệt lập, nằm dưới sự cai quản các nhà khoa học. Và họ đang lên kế hoạch làm hồi sinh thế giới. Chuyện không hoàn toàn là viễn tưởng mà chính là ý tưởng của một dự án khoa học độc đáo do một nhóm các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là tiến sĩ toán - lý Ruslan Avramchenko thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, đề xuất.
Nội dung của dự án là: Cách ly một bộ phận dân cư trái đất, bố trí cho họ sinh sống trong một môi trường hoàn toàn khác biệt và có những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm an toàn, đặc biệt là không cho phép tiếp xúc trực tiếp với phần còn lại của nhân loại. Tất cả được thực hiện với mục đích: nếu thảm họa tuyệt diệt có xảy ra thì bộ phận cư dân này sẽ là “kho dự trữ” để tiếp tục nhân giống, phát triển loài người trên trái đất.
Nếu chấp thuận ý tưởng này, mỗi quốc gia cần chọn một khu vực phù hợp (có thể là đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh, một số ý tưởng còn nghĩ đến các hành tinh khác) có đủ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, môi sinh,... cho hoạt động sinh sống của vài ngàn người tình nguyện. Những phần lãnh thổ này phải được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt, tất cả những thứ đưa từ bên ngoài vào đều phải thông qua một quy trình kiểm dịch, thanh trùng hết sức chặt chẽ. Những người tình nguyện tham gia dự án, khi trở thành dân cư của những khu vực đặc biệt này thì buộc phải hy sinh quyền tự do đi lại và một số quyền khác mà pháp luật dành cho phần còn lại của loài người.
Ý tưởng trên đây thoạt nghe có vẻ giống chuyện con thuyền của ông già Noe thời hiện đại. Nhưng nhìn xa hơn, các cộng đồng cư dân nhỏ bé và tách biệt này không chỉ là kho dự trữ phòng khi xảy ra thảm họa. Ngoài mục đích đó, những “khu bảo tồn loài người” này còn có ý nghĩa là một hình mẫu về chuẩn mực văn minh nhân loại. Theo ý tưởng của nhóm tác giả, các khu bảo tồn này dù nằm rải rác ở nhiều quốc gia nhưng đều phải đặt dưới quyền giám sát, điều hành và sự bảo hộ của Liên hợp quốc. Các quốc gia tham gia dự án chỉ thực hiện việc tuyển chọn người tình nguyện và đóng góp một phần kinh phí. Những người tình nguyện vào sinh sống ở những khu “văn minh chuẩn” phải là những đôi vợ chồng trẻ hoặc người độc thân không quá 45 tuổi, tất cả phải đạt các chỉ số cao về sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm lý, trình độ học vấn, văn hóa và nhất thiết phải là chuyên gia tay nghề cao trong một lĩnh vực nào đó. Cần biết rằng, họ sẽ không phải sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, buồn tẻ mà tại những ốc đảo ấy, cuộc sống sẽ được đảm bảo khá sôi động. Họ vẫn được hưởng những quyền lợi vật chất và tinh thần như tất cả các đồng bào của mình ở bên ngoài.
Xem ra thì mọi sự chuẩn bị và đề phòng đều có lý và nên làm khi mà trên khắp thế giới, nơi đâu cũng có thể tìm thấy vũ khí tối tân, nhiều nơi dịch bệnh đang hoành hành và môi trường sống đang ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng... Nếu đúng như những gì nhà khoa học Nga Ernst Muldashev viết trong cuốn sách của mình thì nền văn minh của chúng ta đang sống đây đã xuất hiện khoảng 20.000 năm trước và nó được dự báo là sẽ tuyệt diệt trong khoảng 2.000 năm nữa!