Nghiên cứu trị bệnh bằng côn trùng
Ngày 6/1, ông Đinh Thanh Hà, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Uỷ viên Ban tổ chức Hội thảo “Côn trùng trong Y học Cổ truyền (lần thứ Nhất)” cho biết, đã có hơn 200 y bác sĩ, nhà khoa học, giảng viên các viện, trường đại học khu vực phía Bắc tham gia hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến quý.
Hội thảo trên vừa diễn ra gần đây tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đông trùng hạ thảo Asaria sp. (Ảnh: TS. Đái Huy Ban) |
Tại hội thảo trên, TS Lê Xuân Huệ (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) đã công bố những nghiên cứu bước đầu về bò cạp (scorpionoides) ở Việt Nam.
Kinh nghiệm dân gian sử dụng bò cạp ngâm rượu uống nhằm tăng cường sức khoẻ hoặc xoa bóp đỡ nhức mỏi, tan bầm. Bò cạp phối hợp địa long, cam thảo sẽ chữa đau đầu, thiên đầu thống rất tốt. Bò cạp có nhiều ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy, bò cạp và nọc bò cạp bao gồm protein toàn phần và tiểu phần có tác dụng lên màng tế bào, màng thần kinh, các yếu tố làm tăng cường hay giảm quá trình đông máu.
Một nghiên cứu khác thuộc về BS. Trần Thị Hồng Thuý (Viện Y học cổ truyền Quân đội) với loài địa long (Pheretima asiatica Michaelsen) – dân gian gọi là giun đất. Qua thử nghiệm độc tính của địa long trên chuột nhắt trắng, BS Trần Thị Hồng Thúy đã tìm ra tác dụng dược lý của địa long trong điều trị tăng huyết áp. Từ đó, nghiên cứu hiệu lực điều trị của địa long trên bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ và vừa mà không gây phản ứng phụ.
Đáng chú ý là, TS Đái Huy Ban cùng các đồng nghiệp Trần Đinh Toại, Lưu Tham Mưu (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã công bố nghiên cứu về một loài Đông trùng hạ thảo Asaria sp.
Theo nghiên cứu, Đông trùng hạ thảo Asaria sp có 17 axid amin, trong đó, aspartic và glumatic có hàm lượng rất cao. Từ lâu, Đông trùng hạ thảo được coi là thuốc bổ như nhân sâm mà ngày xưa, chỉ vua chúa mới được sử dụng. Hiện nay, nghiên cứu y học cho biết Đông trùng hạ thảo có tác dụng bổ dưỡng, chữa lao phổi, viêm phế quản, nâng cao hệ miễn dịch, ổn định huyết áp và gia tăng tình dục.
Địa long Pheretima robusta |
Vẫn theo ông Đinh Thanh Hà, những vấn đề nêu trong hội thảo nhằm hướng tới một chương trình nghiên cứu về côn trùng trong y học cổ truyền, là những vấn đề chưa từng được nghiên cứu có hệ thống.
Việc hình thành chương trình này sẽ tập hợp được một lực lượng nghiên cứu ở các đơn vị khác nhau, nhằm trong một thời gian không lâu sẽ nâng cao đáng kể việc bảo tồn, phát triển và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên côn trùng ở nước ta phục vụ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng – Ông Đinh Thanh Hà cho biết.
Từ đó, sẽ lập đề cương nghiên cứu khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát triển côn trùng trong y học cổ truyền”, đề tài cấp Nhà nước đang chờ duyệt. Đề tài do Viện Y học Cổ truyền Quân đội và nhiều viện, trường bắt tay thực hiện từ năm 2008 – 2013.
Để phục vụ thêm cho nghiên cứu và ứng dụng, một khu sinh thái nuôi trồng, nghiên cứu côn trùng sẽ được lập tại Ba Vì, Sơn Tây trong năm 2008.
Hiện nay, cơ sở vật chất, nhân lực và những phương pháp thực hiện những kế hoạch này đã sẵn sàng.
Tiêu bản Đông trùng hạ thảo mới phát hiện ở Tuyên Quang tháng 3/2007 (Ảnh: Đ.H. Ban) |
Vinh Giang