Những hiểu lầm thường gặp về HIV/AIDS
Mặc dù HIV/AIDS đã được phát hiện rất nhiều năm và được nói đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông nhưng đến nay vẫn có không ít người hiểu sai về nó. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thắng - phụ trách chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, thuộc Dự án Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam - nêu ra một số ngộ nhận khá phổ biến:
Nhiễm HIV nghĩa là suy kiệt và lở loét
(Ảnh: Yardflex.com) |
Muỗi đốt làm lây HIV
Nhiều người nghĩ rằng muỗi đã hút máu mang HIV có thể truyền virus này khi đốt người khác. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nghiên cứu hay nguồn thông tin chính thức nào khẳng định rằng HIV có thể bị lây qua đường... muỗi.
Người nhiễm HIV nên có bát đĩa cốc tách riêng
Người nhiễm HIV và những người khác có thể dùng chung bộ bát đĩa, cốc chén và các đồ dùng khác. Tuy nhiên, việc uống chung cốc chén đã dùng mà chưa rửa thì không nên ngay cả giữa những người bình thường với nhau.
Trong trường hợp người nhiễm HIV bị chảy máu răng miệng và làm dây lên cốc, người khác có tổn thương miệng nếu lại dùng chiếc cốc này và uống đúng vào chỗ có máu thì có thể nhiễm bệnh.
Quan hệ tình dục đường miệng và hậu môn không làm lây HIV
Thực ra, việc quan hệ tình dục bằng đường miệng có nguy cơ làm lây HIV, bởi virus này có trong dịch sinh dục (tinh dịch, chất nhờn âm đạo), trong khi niêm mạc lưỡi, miệng, nướu rất dễ bị tổn thương, tạo cửa vào cho virus.
Hôn nhau có làm lây HIV? Còn tùy thuộc vào hôn thế nào và trong miệng có tổn thương không. Nếu hôn sâu, niêm mạc lưỡi, miệng có tổn thương thì cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với máu mang virus. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao. |
Trẻ sinh từ mẹ có HIV chắc chắc nhiễm virus này
Không đúng. Ngay cả khi không can thiệp gì, nguy cơ nhiễm HIV của những đứa trẻ này cũng chỉ là 30-40%. Nếu người mẹ được điều trị bằng thuốc kháng virus khi mang thai, nguy cơ này có thể giảm còn 10%, thậm chí thấp hơn. Từ mẹ, virus HIV truyền sang con ngay từ thời kỳ bào thai (qua bánh rau), hoặc khi vượt cạn (do tiếp xúc với máu và dịch ở đường sinh dục), hay khi đã ra đời (qua sữa).
Hai người nhiễm HIV "yêu" nhau sẽ không cần bao cao su
HIV có rất nhiều chủng. Trong đôi bạn tình nhiễm HIV, có thể một người nhiễm chủng này, người khác nhiễm chủng kia. Việc không đeo bao sẽ khiến họ nhiễm thêm chủng virus HIV khác, làm cơ thể chuyển sang giai đoạn AIDS nhanh hơn.
Ngoài ra khi không có bao cao su, đôi bạn tình cũng truyền cho nhau các bệnh lây qua đường tình dục khác như viêm gan B, giang mai, lậu… Chúng làm cho cơ thể đã suy giảm miễn dịch của họ nhanh kiệt quệ hơn do phải chiến đấu với nhiều bệnh.
Thụt rửa ngay sau khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV sẽ không sợ lây
Không có cơ sở khoa học nào để chứng minh điều này. Thậm chí việc thụt rửa không đúng cách còn làm sây sát âm đạo, khiến virus HIV xâm nhập dễ dàng hơn.
Nhiễm HIV thời kỳ cửa sổ sẽ không thể lây cho người khác
Giai đoạn cửa sổ là thời gian virus đã xâm nhập vào người, nhưng cơ thể chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể xét nghiệm thấy. Phải 3-6 tháng sau khi virus đã vào người, thì xét nghiệm mới phát hiện được. Như vậy, trong giai đoạn cửa sổ, virus thực tế đã có trong cơ thể nên vẫn có thể truyền cho người khác.
Hải Hà