“Người cây” ở Indonesia
Căn bệnh kinh hoàng của anh Dede có lẽ xuất hiện từ sau lần phẫu thuật đầu gối cách đây 20 năm. Những chiếc “rễ cây” đầu tiên bắt đầu mọc ở cánh tay và cẳng chân, sau đó lan dần ra khắp người, cứng, khô, tua tủa một cách đáng sợ.
Cho đến khi cả 2 bàn tay phủ kín vẩy sừng, Dede bị đuổi việc; vợ anh vì ghê sợ căn bệnh cũng bỏ chồng ra đi. Một mình người đàn ông 35 tuổi với đôi tay “rễ cây” phải tự xoay xở nuôi 2 đứa con ăn học, chấp nhận thực tế rằng một ngày nào đó anh sẽ vĩnh viễn ra đi bởi căn bệnh vô phương cứu chữa.
Để có tiền nuôi sống cả gia đình, Dede nhận lời mời tham dự các buổi diễn “người quái dị” ở địa phương, phơi mặt ra trước ánh mắt tò mò pha lẫn ghê sợ của hàng nghìn khán giả. Mặc dù biết rõ gia cảnh nghèo khó của 3 cha con nhưng người dân làng chài nơi anh sinh sống vẫn không thể gần gũi, làm quen với người đàn ông mang trên mình những chiếc “rễ cây” gớm guốc. Nhiều người thậm chí còn ghẻ lạnh và xua đuổi.
Dede lo sợ căn bệnh sẽ di truyền sang cho 2 cô con gái. (Ảnh: Telegraph)
May thay, sự xuất hiện của Tiến sĩ Anthony Gaspari đã đem lại cho anh dân chài xấu số le lói những tia hy vọng. Đến từ trường ĐH Maryland, vị chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu các bệnh về da liễu này khẳng định: căn bệnh của Dede là do virus HPV (virus u nhú ở người) gây ra.
Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp - HPV thường xuất hiện trên cơ thể người dưới dạng mụn cơm, mụn cóc. Tuy nhiên trường hợp của Dede thì rắc rối hơn nhiều: một gen “lỗi” hiếm gặp đã tàn phá hệ miễn dịch, khiến cho cơ thể anh không thể kháng cự lại hay dung hòa được với những chiếc u nhú.
Hậu quả, virus HPV đã thừa cơ thao túng toàn bộ quy trình sinh sản tế bào da, yêu cầu bộ máy này phải sản xuất ra một lượng lớn chất vẩy sừng khô và cứng trên tay chân người bệnh. Việc này diễn ra liên tục, ồ ạt đến mức ngay chính thân chủ cũng không thể kiểm soát.
Ở những xét nghiệm ban đầu, Tiến sĩ Gaspari đã nghi ngờ Dede nhiễm virus HIV (gây bệnh AIDS) bởi nồng độ bạch cầu trong máu ở mức quá thấp, tuy nhiên sau này kiểm tra lại, ông mới hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hệ miễn dịch của Dede yếu kém ngoài sức tưởng tượng. Bố mẹ, anh chị em trong gia đình Dede không ai mắc chứng bệnh quái ác này.
Tiến sĩ Gaspari tình nguyện chữa bệnh cho Dede (Ảnh: Telegraph)
Nói chuyện với phóng viên kênh Discovery, Gaspari cho biết tình trạng mọc vẩy sừng của người đàn ông Indonesia có thể cải thiện bằng việc uống một dạng vitamin A tổng hợp mỗi ngày.
“Anh ấy không thể trở lại giống người bình thường nhưng vitamin A sẽ giúp kiểm soát tốc độ phát triển của bệnh, dần dần bóc tách vẩy sừng đã có trên cơ thể. Nếu may mắn, trong vòng 3 đến 6 tháng nữa Dede sẽ sử dụng được hai tay để làm công việc nhẹ nhàng”.
Những chiếc rễ cứng, sần sùi và có “tuổi thọ” cao nhất trên tay chân Dede sẽ phải sử dụng dao kéo phẫu thuật để tách bỏ.
Tiến sĩ Gaspari hy vọng toàn bộ số thuốc cần thiết để điều trị bệnh cho Dede sẽ được các hãng dược phẩm lớn tài trợ. Ông cũng đang cố gắng kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ kinh phí đưa bệnh nhân đặc biệt này sang Mỹ để chữa chạy tốt hơn.
Hai bàn tay của Dede hệt hai khối rễ cây tua tủa (Ảnh: Telegraph)
Hải Minh