Dịch tả và những cuộc đại chiến với con người
Khánh An (Tổng hợp)
* Trong 7 cuộc tấn công của đại dịch tả trong vòng 200 năm qua có tới 6 cuộc diễn ra vào thế kỷ 19.
* Riêng trận đại dịch tả tấn công nước Anh năm 1848-1849 đã làm 70.000 người tử vong.
Trong 7 lần “thư hùng” với đại dịch tả trong khoảng thời gian 2 thế kỷ qua, tính từ khi dịch tả được ghi nhận lần đầu tiên (1817), phần thắng luôn thuộc về con người. Nhưng cái giá phải trả cho chiến thắng là hàng chục triệu sinh mạng.
“Tình yêu thời thổ tả”, tác phẩm nổi tiếng của Garcia Marquez là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời nhất trong lịch sử loài người. Kết cục, đôi tình nhân về sống bên nhau sau 50 năm xa cách. Để được bình yên, họ sống trên một chiếc tàu thủy có treo cờ vàng, dấu hiệu của những người đang mắc bệnh thổ tả. Có lẽ đó là hình ảnh lãng mạn duy nhất của đại dịch tả được ghi nhận, trong khi những ký ức kinh hoàng về thảm họa mà chúng gây ra luôn làm chúng ta nhức nhối mỗi khi nhớ đến.
Những cuộc “oanh tạc”
John Snow - người đầu tiên tìm ra mối liên quan giữa bệnh tả và nguồn nước. (Ảnh: Joyceimages) |
Dịch tả lan rộng ra theo các tuyến vận tải mậu dịch vào nước Nga, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ. Nó trở thành căn bệnh mang tính toàn cầu đầu tiên của nhân loại, hoành hành khắp nơi chỉ trừ... Nam cực.
So với đại dịch hạch ở châu Âu vào thế kỷ 17-18 làm chết 137 triệu người, dịch tả tuy không gây hậu quả lớn bằng nhưng chúng không kém phần kinh hoàng.
Thời kỳ đó các bác sĩ không hề biết đến cơ chế của bệnh tả. Họ chỉ biết rằng, những triệu chứng ban đầu là nôn mửa, xuất huyết, sốt cao, cảm giác lạnh vì mạch đập rất yếu, và tử vong rất nhanh. Bệnh này được đặt tên là bệnh tả châu Á, hay tả co thắt. Các bác sĩ thường điều trị bằng cồn thuốc phiện, rượu mạnh, trích máu nhưng đa phần là thất bại, vì thế số người tử vong rất cao.
Riêng trận đại dịch tả tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 đã làm 70.000 người tử vong. Đại dịch năm 1854 đã cướp đi sinh mạng 1/8 dân số thành phố London chỉ trong một thời gian ngắn.
Cũng trong khoảng thời gian này nước Pháp cũng hứng chịu những tổn thất nặng nề. Năm 1832, gần 40.000 người dân Paris đã mắc dịch tả và phân nửa trong số đó đã bỏ mạng. Thậm chí trong số nạn nhân có cả tể tướng. Năm 1848-1849, một số lượng người tương tự cũng đã chết vì dịch bệnh.
Thời kỳ đó thành phố London có 2,5 triệu người. Thành phố có 200.000 buồng vệ sinh, người dân có thói quen đổ nước thải từ trên tầng xuống và ném rác ra đường. Những chất thải này trôi theo dòng nước và cuối cùng đổ vào sông Thames (thời đó, sông ngòi được coi là hệ thống chứa rác thải) vì thế sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những người khai phá
Đầu tiên, người ta cho rằng bệnh dịch lây qua đường hô hấp vì thế khi đại dịch xảy ra đã có những cuộc di dân lớn. Nhưng điều đó càng làm dịch bệnh lan rộng một cách nhanh chóng.
Năm 1849, một bác sĩ tên John Snow đã đưa ra nhận định đột phá: Dịch tả lây truyền nhanh theo những nguồn nước. Khi đó không ai để ý đến giả thuyết của ông. Ông chịu sự công kích của các công ty khai thác và cung cấp nước của thành phố vì làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.
Dịch tả năm 1892 ở Hamburg. (Ảnh; Wikimedia) |
Qua những đề nghị của John Snow, vào năm 1852, Đạo luật Nước ra đời, yêu cầu tất cả các công ty cấp nước phải lọc nước trước khi bán cho khách hàng. Hệ thống cống thải nước của thành phố được thiết kế khai thông ra biển. Nhờ vậy, môi trường của sông Thames mới được cải thiện. Các đợt dịch tả bị đẩy lùi.
Tương tự ở nước Pháp, khi đó Paris là khu phố tồi tàn, những căn nhà tạm bợ hư nát. Hệ thống nước sinh hoạt rất kém vệ sinh. Nguồn nước sinh hoạt chính của dân Paris được lấy từ sông Seine, là nơi phần lớn cống rãnh đổ ra. Hậu quả của tình trạng mất vệ sinh ấy là các đại dịch tả hoành hành. Nhận thức được điều này, Vua Napoleon III vạch một kế hoạch lớn nhằm cải biến Paris. Paris đã xây dựng được hệ thống cống rãnh thoát nước hiện đại nhất lúc bấy giờ, xóa bỏ được những bãi sình lầy gây dịch tả, cải tạo nguồn nước và môi trường sống cho mọi người.
Vi khuẩn mang hình dấu phẩy
Phải đợi đến năm 1883, người ta mới biết được khuôn mặt của “kẻ giết người” nhờ công trình nghiên cứu của Robert Koch. Heinrich Hermann Robert Koch (1843 – 1910) là một bác sĩ người Đức. Ông là người đã tìm ra trực khuẩn bệnh than, trực khuẩn lao và vi khuẩn bệnh tả (1883). Trước đó (1854) nhà khoa học Ý Pacini đã nhắc đến loại vi khuẩn gây bệnh tả vibrio chorelae khi đại dịch tả tấn công thành Florence.
Heinrich Hermann Robert Koch - bác sĩ tìm ra trực khuẩn bệnh than, trực khuẩn lao và vi khuẩn bệnh tả (1883) - (Ảnh: answers.com) |
Người ta đã biết rõ vi khuẩn hình dấu phẩy gây ra đại họa có nhiều nhất ở trong phân của người bệnh, trong nước thải có chứa phân. Ngoài ra cá, các thực phẩm khác từ nước nhiễm khuẩn nếu không được nấu chín cũng là nguồn gây bệnh.
Chính sự hoành hành dữ dội của dịch tả ở thế kỷ 19 đã dẫn đến một loạt hội nghị về vấn đề vệ sinh trên thế giới tổ chức tại châu Âu về việc phối hợp chính sách và thực hiện quản lý kiểm dịch y tế. Hội quốc liên thành lập Tổ chức y tế vào năm 1920, đó có thể coi là tiền thân của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau này.
Đại dịch tả gần đây nhất được ghi nhận vào năm 1991 tại Peru đã buộc nước này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tuy vậy nó vẫn lan rất nhanh sang các nước khu vực Trung-Nam Mỹ làm cho gần nửa triệu người nhiễm bệnh, trong đó có tới hơn 10.000 người tử vong.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của giao thông đường hàng không, đường bộ, đường biển trong một thế giới hiện đại ngày càng thông suốt, và hơn nữa là sự phân cách giàu-nghèo giữa các nước là một cơ hội cho dịch tả mở cuộc tấn công mới. Tuy nhiên, khoa học phát triển, ý thức cộng đồng thay đổi, thêm vào đó sự liên hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia đã khiến cho dịch tả không thể tung hoành như trước.
Tải file Dịch tả và những cuộc đại chiến với con người tại đây