Điều trị đột quỵ bằng nước bọt dơi
Nước bọt của dơi quỷ có thể trở thành một liệu pháp hữu hiệu để vượt qua cửa sổ điều trị bệnh đột quỵ. (Ảnh: c-big-brown-bat)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, nước bọt của dơi quỷ có thể trở thành một liệu pháp hữu hiệu để vượt qua “cửa sổ điều trị” bệnh đột quỵ, giúp bệnh nhân tránh được các di chứng hoặc tử vong.
Trong 2 cuộc thử nghiệm vừa qua, tiến sĩ Anthony Furlan, phó giám đốc Trung tâm Mạch máu não của bệnh viện Cleveland, nhận thấy chất Desmoteplase, một protein hoạt tính trong nước bọt của loài dơi quỷ, có khả năng làm tan các huyết khối gây đột quỵ.
Hiện nay, không có một loại thuốc trị đặc hiệu nào dành cho những bệnh nhân – vì những lý do nào đó – không được điều trị kịp thời trong “cửa sổ điều trị” 3 giờ theo tiêu chuẩn.
“Cửa sổ điều trị” (treatment window), còn được ví như “thời gian vàng”, là khoảng thời gian tốt nhất để can thiệp bằng các biện pháp y khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị mong muốn. Trong thời gian này, nếu bệnh nhân được dùng thuốc đặc hiệu kịp thời, thì khả năng hồi phục là rất lớn.
Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh đột quỵ là những yếu tố quan trọng quyết định khả năng hồi phục sau này của bệnh nhân.
Để hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực trong thời gian cửa sổ điều trị là 3 tiếng đồng hồ kể từ khi đột quỵ bắt đầu.
Đột quỵ, tức tai biến mạch máu não, là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều di chứng hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tại Mỹ, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây bại liệt ở người lớn.
Vì thế, với công dụng của Desmoteplase, các chuyên gia hy vọng vượt qua được giới hạn của cửa sổ điều trị, giúp các bác sĩ hạn chế những hậu quả do đột quỵ gây ra.
HIện nay, tiến sĩ Anthony và các cộng sự đang xác định xem những đối tượng bệnh nhân nào thích hợp cho việc điều trị bằng Desmoteplase.
Minh Quang