Châu Phi giảm đói nghèo nhờ... sữa lạc đà
Hai thập kỷ trước, một nhà khoa học Anh đã thuyết phục người dân Mauritania nuôi lạc đà để lấy sữa và đến nay, loại sữa này đã tạo ra những chuyển biến đáng kể cải thiện đời sống của người dân ở quốc gia Tây Bắc Phi này.
Gia đình anh Amadou Gouh bắt đầu nuôi lạc đà trên sa mạc Mauritania từ cách đây không lâu, nhưng anh là người đầu tiên trong gia đình nuôi loài vật này để lấy sữa bán cho trung tâm diệt khuẩn thực phẩm ở địa phương, có tên là Tiviski.
Một nông dân châu Phi đang lấy sữa lạc đà. |
Ở Mauritania, ngày càng có nhiều hộ gia đình kinh doanh giống gia đình anh Amadou Gouh. Theo Chủ tịch của trung tâm Tiviski, có khoảng 1.000 đàn lạc đà được nuôi trên các sa mạc ở quốc gia này để cung cấp sữa cho trung tâm hàng ngày.
Người mang đến ý tưởng kinh doanh sữa lạc đà cho người dân ở Mauritania từ 20 năm trước là một nhà vật lý nguyên tử người Anh, bà Nancy Abeiderrahmane.
Đến Mauritania công tác trong lĩnh vực không có liên quan nào đến nghề nuôi lạc đà lấy sữa, nhưng bà Nancy đã nảy sinh ý tưởng này từ thắc mắc trước thực tế là tại sao người Mauritania luôn phải nhập khẩu sữa trong khi họ có một nguồn cung cấp sữa dồi dào ngay trên các sa mạc rộng lớn.
Ban đầu ý tưởng của bà Nancy còn mới mẻ, nhưng dần dần, người dân ở Mauritania ngày càng thích thú với việc nuôi động vật lấy sữa bán. Năm ngoái, chỉ riêng trung tâm diệt khuẩn Tiviski nhận mua tới 400 nghìn tấn sữa của người dân, với giá khoảng 60 cent một kg.
Tổ chức nông lương LHQ đã coi sữa lạc đà là một loại thực phẩm không chỉ giúp giảm nghèo mà còn có ích cho cả việc giảm tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến ở nhiều khu vực sa mạc ở Châu Phi. Lạc đà rất dễ nuôi và có thể cung cấp sữa trong mọi điều kiện dù khó khăn nhất.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ miễn dịch của lạc đà gần giống với loài người, vì vậy, sữa của lạc đà ít gây dị ứng hay các bệnh về tiêu hóa. Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm từ sữa lạc đà, từ sôcôla, phomát, kem và sữa chua.
Theo Tổ chức nông lương thế giới, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 20 triệu con lạc đà, đa số sống ở Somalia. Nếu hình thức nuôi lạc đà lấy sữa được phát triển hơn ở các nước nghèo như Somalia, thì chắc chắn tình trạng nghèo đói đáng báo động ở các nước này sẽ được cải thiện.
T.V