Tìm kiếm theo cụm từ

  Huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa

Từ bao đời nay, rắn độc luôn là nỗi kinh hoàng cho người dân. Toàn thế giới mỗi năm có 50.000 người tử vong do rắn cắn. Trên thế giới có rất nhiều loại huyết thanh kháng nọc rắn (HTKNR) để chữa cho những bệnh nhân bị rắn cắn, tuy nhiên, rắn độc mang tính đặc trưng về sin

Nỗi lo nọc rắn

Theo các nhà khoa học, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho các loài rắn độc sinh sống. Kết quả khảo sát trong năm 1998 cho thấy cả nước ta mỗi năm có khoảng 30.000 người bị rắn cắn, chủ yếu do 2 họ rắn hổ và rắn lục, bao gồm 9 loài rắn độc: hổ chúa, hổ đất, hổ mang, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, choàm quạp, lục xanh và rắn biển. Trong 9 loại rắn độc này, rắn hổ chúa được xếp hạng nguy hiểm nhất vì chúng có kích thước lớn, chủ động tấn công người, lượng nọc nhả ra rất lớn khiến nạn nhân bị rắn cắn có thể chết tại chỗ…

Đối với các bác sĩ, việc tìm giải pháp cứu chữa người bệnh là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Với số lượng bệnh nhân hàng năm rất cao như thống kê nói trên cho thấy, thuốc nào để điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn là một câu hỏi thường trực đối với nhiều bác sĩ Việt Nam. Mặc dù hầu hết các nước tiên tiến đều có HTKNR hổ chúa đông khô, dự trữ với số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ cấp cứu nạn nhân, nhưng giá thành rất cao, từ 600 tới 1.200 USD/lọ. Hơn nữa, rắn độc mang đặc trưng về sinh học, độc học cho từng vùng địa lý, vì vậy hầu hết các nước trên thế giới đều có trung tâm nghiên cứu chế tạo HTKNR cho chính quốc gia của họ.

Bệnh nhân Phạm Văn Chi (nhập viện ngày 30-5-2007) bị rắn hổ chúa cắn nhiễm độc rất nặng, đã được Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công, hồi phục hoàn toàn. (Ảnh: SGGP)

Năm 2002, hội nghị các chuyên gia hàng đầu thế giới về HTKNR tại Anh đã khẳng định: “Mỗi nước cần sản xuất HTKNR theo chuẩn định của chính quốc gia mình”.

Nói vậy không có nghĩa chúng ta chưa từng nghiên cứu về HTKNR. Lần lại lịch sử, từ hơn 100 năm trước, bác sĩ Calmette đã là người đầu tiên phát minh ra HTKNR hổ đất ngay tại Viện Pasteur Sài Gòn. Đến năm 1990, đơn vị nghiên cứu chế tạo HTKNR trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập và năm 1998, Bộ Y tế cho phép sử dụng 2 loại HTKNR hổ đất và choàm quạp trong điều trị lâm sàng, cấp cứu bệnh nhân bị rắn cắn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng, với 9 loại rắn độc như đã nói ở trên, đặc biệt là với mức độ độc hại của rắn hổ chúa, những công trình khoa học nói trên là chưa đủ. Các bệnh nhân đang rất cần loại HTKNR này.

Khắc tinh” của rắn hổ chúa

Nhằm hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo các loại HTKNR khác phục vụ điều trị, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã cấp kinh phí triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chế tạo HTKNR hổ chúa (King Cobra Antivenom)” từ tháng 6-2001 đến tháng 12-2002 do TS-BS Trịnh Xuân Kiếm làm chủ nhiệm đề tài và Đại học Y Dược TPHCM là đơn vị chủ trì. Đề tài đã đạt được nhiều kết quả thành công, để từ đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển sản xuất và ứng dụng lâm sàng đa trung tâm nhằm xác định tính an toàn và hiệu lực HTKNR hổ chúa” từ tháng 12-2004 đến tháng 7-2007 do TS-BS Trịnh Xuân Kiếm, TS-BS Trần Thúy Hạnh đồng chủ nhiệm đề tài và đơn vị chủ trì là Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội.

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo kháng nguyên nọc đại diện cả hai loài rắn hổ chúa (đen và vàng) có ở khắp miền đất nước, miễn dịch ngựa trong thời gian từ 7-8 tháng, tách plasma, tinh chế HTKNR F (ab’2). Quy trình này đang được áp dụng tại các trung tâm sản xuất HTKNR trên thế giới, đáp ứng quy mô sản xuất nhỏ hoặc vừa, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu, khi nạn nhân bị rắn hổ chúa cắn, cần tiến hành cấp cứu khẩn cấp, lưu ý không nặn bóp, chích rạch hoặc đắp bất cứ thuốc, hóa chất, lá cây cỏ nào vào vết thương. Chỉ cần dấu hiệu sưng nề từ vết cắn lên quá 2 khớp liên tiếp, hoặc xuất hiện triệu chứng nhiễm độc thần kinh (nặng mi mắt, sụp mi, tăng tiết đờm nhớt, khó nói, khó nuốt, nghẹt thở) là phải đặt nội khí quản, đặt đường truyền tĩnh mạch và tiêm HTKNR đặc hiệu với liều 2.000 LD50 (5 lọ), tốc độ 1ml/phút. Theo dõi 60 phút, nếu triệu chứng lâm sàng không cải thiện hoặc cải thiện không rõ sẽ phải tiêm liều nhắc lại cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Trung bình mỗi bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn nhiễm độc nặng cần sử dụng đến 20-30 lọ HTKNR hổ chúa mới có thể cứu sống được bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu đã thử lâm sàng HTKNR hổ chúa tại 2 cơ sở y tế lớn nhất nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả trên 40 bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn, nhiễm độc nặng, sau khi sử dụng HTKNR hổ chúa đã hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ đầu. Phản ứng không mong muốn trong giới hạn cho phép 10%-18%. Kết quả trên đã chứng minh tính an toàn và hiệu lực của HTKNR hổ chúa được chế tạo tại Trung tâm Chống độc quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai. Với những kết quả này, rắn hổ chúa Việt Nam từ nay đã có những “khắc tinh” thực sự.

HỒNG ĐỨC

Tải file Huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa tại đây