500 tỷ đồng phát triển công nghiệp hóa dược
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động sản xuất được thuốc chữa bệnh ở trong nước. Chính phủ vừa đồng ý đầu tư 500 tỷ đồng cho giai đoạn đầu của "Chương trình phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020".
Theo "Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020", giai đoạn 5 năm đầu, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (R-D), hỗ trợ sản xuất thử sản phẩm ở quy mô pilot (dự án P), đào tạo nhân lực...
Số còn lại đầu tư chiều sâu để cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá và xây dựng mới các phòng thí nghiệm chuyên ngành hoá dược.
Việt Nam sẽ chủ động sản xuất thuốc trong nước |
Chương trình này đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Từ nay đến 2010, sẽ nghiên cứu tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất ở trong nước, triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm hóa dược ở quy mô pilot, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn then chốt của chương trình. Trong đó, đẩy mạnh việc sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước.
Đến 2020, tiến tới chủ động sản xuất được thuốc chữa bệnh ở trong nước.
Đáng lưu ý, chương trình sẽ đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý tại các trường đại học trong và ngoài nước, đáp ứng đủ nguồn nhân lực có chất lượng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hoá dược ở nước ta.
Cụ thể, đến năm 2010, sẽ đào tạo mới được 50 - 60 tiến sĩ, 200 - 300 thạc sĩ, 300 - 500 kỹ thuật viên và đào tạo lại 50 cán bộ khoa học công nghệ có trình độ từ cử nhân trở lên.
Hà Yên
Tải file 500 tỷ đồng phát triển công nghiệp hóa dược tại đây