TP.HCM: Thành lập ngân hàng máu cuống rốn
Ngân hàng này sẽ nằm ở trung tâm đô thị mới quận 2, trong một khu phức hợp rộng 25.000m2. Dự kiến, đến quý IV/2007, ngân hàng này sẽ được khánh thành và đưa vào hoạt động.
Nguồn máu cuống rốn sẽ có từ 2 nguồn. Nguồn thứ nhất vận động từ các sản phụ tự nguyện gửi vào ngân hàng để lưu trữ. Nguồn thứ hai là từ các cuống rốn vô danh. Chi phí lưu trữ hiện nay chưa thế tính toán được. Bên cạnh việc trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn và các nguồn khác, ngân hàng này sẽ có đội ngũ nghiên cứu để sử dụng tế bào gốc vào điều trị các bệnh mà thế giới đã áp dụng hay đang nghiên cứu.
Ngoài ra, một phần lưu trữ máu cuống rốn - tế bào gốc vô danh miễn phí sẽ được hiến tặng cho các bệnh nhân nghèo có nhóm miễn dịch phù hợp hoặc cung cấp cho bệnh nhân không có máu cuống rốn - tế bào gốc thân nhân trong gia đình được lưu trữ tại ngân hàng.
Tế bào gốc trong máu cuống rốn chỉ có thể lấy được vào một thời điểm duy nhất là ngay sau khi sanh. Tế bào gốc máu cuống rốn có khả năng phát triển cao so với tế bào gốc tủy xương từ 8 - 10 lần. Đồng thời, do được thu nhận và lưu trữ ngay khi sinh, nên tế bào gốc cuống rốn vẫn giữ nguyên các đặc tính sinh học đặc biệt của nó cho đến khi được sử dụng.
Lưu trữ máu cuống rốn là một hình thức "bảo hiểm sinh học" cho sức khoẻ của bé và các thành viên trong gia đình. (Ảnh: H.Cát) |
Máu cuống rốn, qua công nghệ xử lý mô, thành một chất dịch chứa tế bào gốc. Sau đó, dịch chứa tế bào này sẽ được tiêm truyền như truyền máu hay truyền dịch.
Đối với điều trị bệnh thần kinh, dịch này có thể được bơm vào tuỷ sống... Tuy nhiên, nếu được định hướng tốt, chỉ cần tiêm vào máu, tế bào gốc có thể tự tìm đến các cơ quan để điều trị các tổn thương.
Theo BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng khoa Hiếm muốn BV Từ Dũ, do tế bào cuống rốn còn khá non chưa biệt hoá nhiều về mặt miễn dịch, nên hiệu quả ghép cho người có những yếu tố bất đồng về miễn dịch (HLA) cũng tương đương với người tương đồng HLA.
Từ sau ca đầu tiên điều trị thành công bệnh về máu năm 1989, hiện này thế giới có trên 8.000 trường hợp sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn để điều trị bệnh. Cho đến nay, người ta ghi nhận có 69 bệnh lý khác nhau đã và đang được nghiên cứu để điều trị bằng tế bào gốc máu cuống rốn.
Hiện tại, tế bào gốc máu cuống rốn đã chính thức được sử dụng để điều trị các bệnh lý về máu do di truyền hoặc ung thư... Trong tương lai gần, loại tế bào gốc này có thể được ứng dụng để điều trị các bệnh lý vế não, thần kinh, tim mạch, tiểu đường, gan...
Theo thống kê, Trung Quốc hiện có trên 10 ngân hàng máu cuống rốn, Singapore có 2 ngân hàng, Malaysia 3 trong khi Thái Lan có 1 ngân hàng lưu trữ. Còn tại TP.HCM, BV Huyết học - Truyền máu TP.HCM đã lưu trữ được 1.800 mẫu máu cuống rốn. Tuy nhiên, những mẫu này chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.
Tế bào gốc từ máu cuống rốn, qua công nghệ xử lý mô, sẽ tạo ra các tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào tụy, tế bào gan... (Ảnh tư liệu) |
Tin: Hương Cát - Ảnh: BS. Ngọc Phượng