Muốn ngăn bệnh phát tán, hãy mở cửa sổ
Theo nhóm nghiên cứu, giải pháp rẻ tiền này có thể giúp ngăn chặn sự phát tán của những căn bệnh truyền nhiễm qua không khí như bệnh lao, và trớ trêu thay, những bệnh viện xây theo kiểu truyền thống với các bức tường cao và cửa sổ lớn lại tỏ ra là thiết kế tốt nhất cho điều đó. Chúng hiệu quả hơn những kiểu phòng "cách ly tuyệt đối" hiện đại, với những thiết kế đắt tiền nhằm bơm không khí ô nhiễm ra ngoài.
"Mở cửa sổ và cửa lớn sẽ làm tối đa hóa sự thông gió tự nhiên, nhờ thế nguy cơ lây bệnh qua không khí sẽ thấp hơn nhiều so với các hệ thống thông gió hiện đại", Rod Escombe, từ Đại học Hoàng gia London và cộng sự viết.
"Kiểu bệnh viện truyền thống với trần cao và những cửa sổ lớn mang lại sự bảo vệ tốt nhất. Thông gió tự nhiên kiểu ấy có chi phí thấp và không cần bảo trì", nhóm nghiên cứu viết.
Để tìm hiểu điều này, Escombe và cộng sự đã kiểm tra không khí ở 8 bệnh viện ở Lima, Peru. Họ phát hiện thấy những khu điều trị được xây dựng hơn 50 năm trước, với cửa sổ lớn và trần cao, có độ thông gió tốt hơn những buồng bệnh hiện đại dùng thông gió tự nhiên, và cũng tốt hơn những buồng bệnh được thông gió bằng máy.
Một phòng bệnh tại Lima, Peru. (Ảnh: LiveScience)
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán trong những phòng thông gió bằng máy, 39% người nhạy cảm sẽ nhiễm bệnh sau 24 giờ tiếp xúc với một bệnh nhân mắc lao chưa điều trị, so với tốc độ lây nhiễm 33% ở phòng hiện đại có cửa sổ mở, và 11% ở kiểu phòng xây trước thập kỷ 1950.
Thông tin này là rất quan trọng trước nguy cơ đại dịch cúm của thế giới. "Xu hướng bịt kín trong những không gian nhỏ là sai lầm khi áp dụng vào bệnh viện", Peter Wilson từ Bệnh viện Đại học tổng hợp London phát biểu trong nghiên cứu.
Thuận An