Thần kinh yếu sẽ bị loạn năng bộ máy nhai
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng loạn năng nhai như răng mọc không đều, thoái hóa đốt sống cổ, tật chân cao chân thấp, làm việc ở tư thế không thẳng, thần kinh căng thẳng kéo dài... Y học gọi là bệnh của nhũng người có "cơ địa thần kinh yếu".
Bệnh phổ biến, chiếm 60-70% dân số, thường gặp ở tuổi 18-35, nữ mắc nhiều hơn nam. Tuy nhiên phần lớn người bệnh chưa ý thức về phòng bệnh và chữa bệnh.
Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội do Khoa Phẫu thuật mặt hàm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba thực hiện mới đây cho thấy trên 64% dân số có biểu hiện loạn nhai. Triệu chứng chính của chứng này là người bệnh thấy mỏi hàm, đau miệng khi nhai, cứng khớp vào buổi sáng, không há miệng được to, có tiếng kêu cục vùng thái dương...
Tỷ lệ mắc bệnh ở thành thị cao hơn nông thôn. Bộ máy nhai có các thành phần hoạt động chính là xương hàm, khớp thái dương hàm và các răng trên cung hàm. Sự bất thường ở bộ máy nhai có thêm ảnh hưởng đến toàn cơ thể người bệnh. Hiệu quả nhai sẽ giảm khi có bất thường ở khớp (di lệch, biến dạng đĩa khớp, viêm khớp) hay các răng tiếp khớp với nhau không tốt (mọc lệch, mất răng...). Điều này dẫn đến các cơ nhai phải tăng cường hoạt động để nghiền thức ăn, lâu ngày làm cho cơ nhai mệt, dẫn đến đau cơ và khớp hàm, há miệng hạn chế. Không những thế, bộ máy nhai không tốt khiến việc ăn uống khó khăn hơn.
Bệnh này đặc biệt ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm. Người bị nhẹ thì nhuyễn sụn khớp; người nặng có thể thoái hóa khớp, dính khớp, tiêu các đầu xương, có hiện tượng xơ cứng khớp hàm... hạn chế sự vận động của cơ nhai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu hóa thức ăn của người bệnh. Những nguy cơ gây bệnh chủ yếu là do thói quen hay mút ngón tay, cắn bút, ngủ tỳ tay một bên, chống cằm khi ngồi...
Hiện nay điều trị chứng loạn nhai chủ yếu là dùng thuốc, đeo máng nhai, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, châm cứu. Với những người khi có hiện tượng đau mỏi cơ hàm, nếu đi khám và điều trị ngay thì tỷ lệ thành công là 100%. Khi có hiện tượng đau mỏi cơ, khớp hàm, há miệng khó, nhai thường có tiếng kêu lạo xạo vùng hàm... thì việc chữa trị khó hơn, tỷ lệ thành công thấp, khoảng 10-30%.
Loạn năng bộ máy nhai là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi. Lâu dần sẽ mắc các bệnh về tim mạch và một số bệnh khác có liên quan đến xương khớp. Vì thế khi có biểu hiện một bên hàm lệch, nhai thấy đau hàm thì phải đi khám và điều trị kịp thời.