Ung thư cổ tử cung - bệnh do nhiễm virus
"Có nhiều tác nhân dẫn đến ung thư, mà nhiễm virus là một trong số đó; chẳng hạn virus H.pylori có thể dẫn đến ung thư dạ dày, và virus HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung" - tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, nói. Ông cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong hai loại ung thư mà phụ nữ Việt Nam hay mắc nhất; trong đó có đến 70-80% số trường hợp là do virus HPV.
Virus HPV tấn công cơ thể. |
HPV - Human papilloma virus - là loại virus gây mụn cơm, mụn cóc và các sùi mào gà (các u nhú) ở da, dương vật, âm hộ, hậu môn..., dẫn đến viêm da lành tính, hoặc viêm cơ quan sinh dục dẫn đến vô sinh. Trong hơn 100 chủng HPV, có 13 chủng dẫn đến ung thư.
Quá trình diễn tiến từ nhiễm virus đến ung thư thường lâu dài, từ loạn sản nhẹ, vừa, nặng đến ung thư tại chỗ (giai đoạn tổn thương có thể phục hồi và chữa khỏi hoàn toàn) đến ung thư xâm lấn (không có khả năng phục hồi). Không phải ai nhiễm các chủng HPV "độc" cũng bị ung thư cổ tử cung. Bệnh này thường xuất hiện khi có thêm các yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, đẻ, nạo hút hay sẩy thai nhiều lần... Những tổn thương này tạo điều kiện cho virus HPV dễ tiếp cận hơn với lớp tế bào đáy cổ tử cung, vốn nằm sâu bên dưới. Sau khi xâm nhập, HPV gây biến đổi các tế bào này. Trải qua nhiều năm, tế bào trở thành ác tính.
Theo điều tra của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, tỷ lệ nhiễm HPV của phụ nữ toàn cầu dao động trong khoảng 9-13%, nghĩa là cứ 10 phụ nữ thì một bị nhiễm HPV. Virus chủ yếu lây qua da và quan hệ tình dục. Như vậy, khi thực hiện quan hệ tình dục không an toàn, người mang virus này đã truyền nguy cơ ung thư sang cho người khác.
Ở Việt Nam, nếu chỉ tính riêng ung thư cổ tử cung thì số người chết vì HPV đã cao hơn nhiều so với HIV. Trong 10 năm qua có khoảng 6.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung, cao gấp đôi số phụ nữ chết vì bệnh AIDS; mặc dù khác với HIV, các tổn thương do HPV, thậm chí ung thư, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên trên thực tế ở Việt Nam, phần lớn bệnh nhân ung thư cổ tử cung chỉ được phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, vài năm trước khi qua đời.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức cho biết, khi ung thư chưa xâm lấn, bệnh nhân hầu như không có dấu hiệu lâm sàng, có thể ra nhiều khí hư hơn bình thường, khám phụ khoa cũng không thấy tổn thương. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ thường xuyên khám phụ khoa đúng định kỳ và làm xét nghiệm tế bào (được khuyến cáo với tất cả những phụ nữ có quan hệ tình dục), bệnh sẽ được phát hiện. Lúc này, khả năng chữa khỏi là 95%.
Khi ung thư đã xâm lấn, các triệu chứng mới rõ rệt như ra khí hư có mùi hôi, ra máu giữa kỳ kinh, sau mãn kinh hay sau giao hợp... Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể đau bụng dưới, đau lưng, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn khoảng 5%.
Theo tiến sĩ Đức, do nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus nên ung thư cổ tử cung có thể dự phòng bằng văcxin, hiện đã được dùng ở nhiều nước với hiệu quả khoảng 70%. Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dự kiến cuối năm nay, văcxin này cũng sẽ được thử nghiệm ở Việt Nam trên một số phụ nữ tuổi 9-26. Ngoài ung thư, văcxin này cũng giúp tránh các tổn thương khác do virus HPV như mụn cóc, sùi mào gà...
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng văcxin không thể thay thế các biện pháp phòng ngừa khác như giữ vệ sinh cơ thể và vệ sinh tình dục, khám phụ khoa định kỳ. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục thường xuyên nên làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo hằng năm hay tối thiểu 3 năm một lần, nhất là với người ngoài 35 tuổi. Với những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao (nhiễm virus HPV, nhiều bạn tình, quan hệ sớm, nạo hút, sinh nở hay sẩy thai nhiều lần...), cần làm xét nghiệm mỗi năm.
Hải Hà