Tìm kiếm theo cụm từ

  Mắt sinh học mang lại ánh sáng cho người mù

Tiến sĩ Kristina Narfstrom, bác sĩ thú y chuyên khoa mắt thuộc Trường Đại học Missouri-Columbia (Mỹ), đã đặt những con chip bằng silic vào mắt những con mèo gần như bị mù do một dạng bệnh thoái hóa điểm vàng.

(Ảnh: muhealth.org)
Những con chip này có đường kính 2mm. Bề mặt của mỗi con chip chứa 5.000 diode quang bé xíu phản ứng với ánh sáng, truyền tín hiệu điện qua dây thần kinh mắt lên não.

"Chúng tôi đã đặt những con chip đằng sau mắt, nơi những tế bào cảm thụ bị hỏng để thay thế chúng. Những con chip này cho phép nhìn thấy những xung động ánh sáng thay vì hình ảnh", bà Narfstrom giải thích.

Tiến sĩ Narfstrom khẳng định những con chip này không những kìm hãm sự phát triển của bệnh, mà còn giúp tái tạo các tế bào cảm thụ ánh sáng trong mắt bị hỏng nhờ phát những dòng điện. Những con chip này đã từng mang lại những kết quả đáng khích lệ trong những thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở khoảng 30 người.

Các nghiên cứu hiện nay đang được tiến hành ở loài động vật nhằm cho phép các nhà nghiên cứu cải thiện các mảnh cấy này, cũng như giúp đào tạo các bác sĩ phẫu thuật về kỹ thuật ghép mắt vì cấu tạo mắt của loài mèo cũng tương tự như ở người.

Tiến sĩ Narfstrom hy vọng các nghiên cứu này sẽ cho phép thay thế võng mạc bị hỏng ở người. Bà cho biết phải chờ 2 năm nữa mới biết những con chip có giúp các tế bào võng mạc của những con mèo được ghép có phát triển hay không.


(Ảnh: muhealth.org)

Tải file Mắt sinh học mang lại ánh sáng cho người mù tại đây