21 năm sống với quả tim bị 4 chứng bệnh
Ngày 16/1, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, sau 21 năm chung sống với quả tim bị bốn chứng bệnh, hay "tứ chứng Fallot", quả tim của anh M.T.H đã được phẫu thuật để trở lại như bình thường.
Bệnh nhân M.T.H quê ở Thái Bình, hiện đang làm công nhân ở TP.HCM, đã đến khám tại Khoa Ngoại Tim mạch BV ĐH Y Dược hồi đầu tháng 1/2007. Bệnh nhân H bị "tứ chứng Fallot" hay còn gọi bệnh tim "tím" nên ngay khi vừa sinh ra đã có làn da hoàn toàn bị tím tái. Bệnh nhân M.T.H đang được chăm sóc hậu phẫu.
"Tứ chứng Fallot" là một trong những bệnh tim bẩm sinh rất hay gặp tại các khoa mổ tim lớn như Viện Tim, BV Chợ Rẫy...
(Ảnh: H.Cát)
Tứ chứng đó bao gồm: lỗ thông liên thất lớn; động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất ngay chỗ thông (nằm vắt lên trên giữa vách ngăn đôi quả tim); hẹp đường ra ở tâm thất phải (máu không thể ra ngoài để lên phổi); và thất phải bị dày lên do phải tận lực co bóp để tống máu đi do hẹp đường ra ở tâm thất phải.
Hẹp đường ra ở tâm thất phải (hẹp động mạch phổi) làm máu lên phổi ít. Toàn cơ thể thiếu oxy, nên da trở nên tím tái, xanh ngắt. Ngoài ra, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất ngay chỗ thông nên máu đen trong thất phải trộn lẫn với máu đỏ đi đến mọi cơ quan trong cơ thể.
Ngày 11/1, các bác sĩ Khoa Ngoại Tim mạch BV ĐH Y Dược đã dùng kỹ thuật phẫu thuật mới để điều trị quả tim bị tứ chứng này. Bằng kỹ thuật này các bác sĩ không cắt mở thất phải, mà giữ lại được vòng van động mạch phổi. Trước đây, sau khi mổ qua vòng van và mở thất phải, thất phải sẽ có sẹo và co bóp yếu đi.
Thay vào đó, các bác sĩ đã tiến hành mở động mạch phổi và nhĩ phải. Qua 2 chỗ mở đó, các bác sĩ lấy màng tim để đóng lỗ thông, đồng thời lấy màng tim để vá rộng đường ra thất phải, sau khi cắt hết cơ gây hẹp.
Ngay trong cuộc mổ, da dẻ của bệnh nhân M.T.H đã trở nên hồng hào.
Theo BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng phân Khoa Ngoại Tim mạch, tuy kỹ thuật này khó hơn nhưng có thể bảo tồn được sự co bóp của quả tim.
Hương Cát