Đề phòng cúm A phát triển mạnh
Vào những tháng cuối năm 2006, số người mắc cúm A phát triển mạnh nhưng chưa phát hiện ca nào dương tính với cúm A/H5N1.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm ở người chiều 3/1, TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, nếu như 9 tháng đầu năm số ca mắc cúm tập trung chủ yếu ở tuýp B thì những tháng cuối năm số người mắc cúm lại chủ yếu là tuýp A.
Bệnh nhân cúm A/H5N1 trong mùa cúm 2005. |
Hiện công tác phòng chống dịch vẫn đang được Bộ Y tế cùng các ban ngành đẩy mạnh trên toàn quốc.
Tại cuộc họp trên, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức thông báo, 4 ca nghi nhiễm cúm gia cầm tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/H5N1. Hiện các bệnh nhân vẫn đang được theo dõi nhưng sức khoẻ tiến triển rất tốt.
TS. Nguyễn Huy Nga cho biết thêm, Bộ Y tế vừa thành lập 5 đội cấp cứu lưu động trực thuộc Cục Y tế dự phòng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có dịch cúm A/H5N1 bất thường.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu kho dự trữ thuốc của các tỉnh phải có đủ hoá chất, thuốc khử trùng, máy thở, cán bộ y bác sĩ... sẵn sàng ứng phó cho các huyện, xã, phường đề phòng dịch cúm ở người bùng phát.
Bộ Y tế cũng thông báo, vào ngày 7/1 tới, một cuộc diễn tập phòng chống cúm A/H5N1 ở người sẽ diễn ra tại thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến sẽ đến kiểm tra công tác phòng chồng dịch tại một số địa phương Hà Nội, TP.HCM và Thừa Thiên Huế.
Như vậy, từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện đến nay Việt Nam đã ghi nhận 93 ca mắc, trong đó 42 ca tử vong.
Trong khi đó, ngày 2/1, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn số 02/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1 ở người trên địa bàn thành phố. Nội dung công văn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường kế hoạch chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc hoặc nghi nhiễm vi rút cúm A/H5N1 trên người.
Công văn đã được gởi đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, các trung tâm y tế quận huyện và cả các bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, ngày 29/12/2006, trong công văn số 7801/SYT-NVY, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, TP.HCM đang phải đối diện với nguy cơ xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở người do tiếp xúc với nguồn gia cầm và sản phẩm gia cầm mắc bệnh xâm nhập vào thành phố hoặc tiếp xúc với người bệnh đến từ các vùng có dịch.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các bệnh viện xây dựng kế hoạch sẵn sàng phòng chống dịch cúm A/H5N1 ở người, đặc biệt chú ý thiết lập khu vực điều trị cách ly tại các trung tâm Y tế quận huyện và các khu cách ly kiểm dịch tại cộng đồng.
Lệ Hà-H.Cát