"Trái tim của thế giới" đang đập ở đâu?
Framingham là một thị trấn như bao thị trấn khác, đi dọc trục đường chính người ta chỉ nhìn thấy những ngôi nhà một – hai tầng, những cây xăng, nhà hàng và các cửa hàng cửa hiệu nhỏ. Hoàn toàn không có gì nổi bật, nhưng 67.000 người dân nơi đây đã viết lên một câu chuyện huyền thoại và sẽ còn viết tiếp.
Phòng thí nghiệm khoa học khổng lồ - thị trấn Framingham, gần Boston bang Massachusetts – Hoa Kỳ (Ảnh: Bild, TP) |
Những kết luận khoa học như: Thuốc lá có hại cho tim mạch, cholesterol làm cho tim bị trì trệ ... hầu như là tất cả những gì liên quan đến các bệnh về tim mạch của con người, về những rủi ro mà các căn bệnh này mang lại đều được phát đi từ nơi đây - thị trấn Framingham.
Năm 1948, 15.000 dân của thị trấn nhỏ bé này đã tham gia vào nghiên cứu về tim mạch của thế giới. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu của mình ngay sau khi Đại chiến thế giới thứ 2 kết thúc. Đã có 5.209 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 62 được khám bệnh, tương đương với gần 50% người trưởng thành của Framingham lúc đó.
Ngoài thế hệ cha ông đã từng đóng góp vào nghiên cứu y học này từ những ngày đầu đầu tiên, đến nay đã có thêm nhiều thế hệ con, cháu, chắt của họ cũng lần lượt tham gia vào quá trình nghiên cứu tại đây. Hiện tại có trên 9.000 người đang trực tiếp tham gia vào nghiên cứu tại “phòng thí nhiệm khổng lồ” này.
Cứ từ 2 đến 4 năm họ lại được khám kiểm tra rất kỹ lưỡng tại bệnh viện. Các thành viên của thế hệ đầu tiên đã tham gia vào quá trình nghiên cứu đến nay vẫn còn 450 người, người cao tuổi nhất là một phụ nữ thọ 103 tuổi. Họ thường xuyên nhận được những sự thăm hỏi về sức khoẻ từ các bác sĩ.
Một cái tên khá quen thuộc mà các nhà khoa học không thể nào quên là: Mckeown. Dòng họ này hiện có 6 thành viên thuộc ba thế hệ đang tham gia vào nghiên cứu y học tại đây. Ông Richard Mckeown, người con trưởng của dòng họ đã tham gia từ năm 1971 đến nay cho hay: “Chúng tôi không hề phải thanh toán bất cứ một đồng chi phí nào. Cái mà chúng tôi nhận được là việc khám bệnh miễn phí. Đổi lại, các nhà khoa học muốn biết cái gì có thể làm tổn hại đến tim: Thói quen ăn uống, thể thao, huyết áp, cholesterol hay thuốc lá...”.
Bà Betty, em gái của ông Richard Mckeown nhớ lại: “Thậm chí có lần các bác sĩ còn hỏi về loại nước gội đầu mà tôi đã dùng”.
Một người đàn ông làm nghề trắc địa, 66 tuổi đã được các bác sĩ tim mạch tại đây cứu sống, họ đã phát hiện ra hàm lượng cholesterol của ông ta cao quá giới hạn cho phép – Đó là nguy cơ gây tử vong cao nhất trong các chứng bệnh về tim mạch.
Mckeown quả thực là một dòng họ nổi tiếng tại Framingham, những người con trai của ông Riochard là Michael (34 tuổi) và Keith (31 tuổi) là thế hệ thứ ba trong đại gai đình Mckeown đã tham gia vào nghiên cứu này từ 2002, họ cùng có chung một mối lo ngại.
Một người dân đang đo lưu lượng đỉnh của phổi (Ảnh: Bild, TP) |
Sở dĩ Framingham được lựa chọn làm nơi nghiên cứu lâu dài vì tại đây trong thập niên 20 của thế kỷ trước đã diễn ra một nghiên cứu hàng đầu thế giới về căn bệnh lao phổi. Kể từ đó, địa danh thuộc bang Massachusetts này như là một nơi lý tưởng dành cho các công trình nghiên cứu khoa học vĩ đại.
Cụ bà Rita Mckeown (87 tuổi), người thuộc thế hệ đầu tiên của dòng họ Mckeown đã trở thành “con thỏ thí nghiệm” trong nghiên cứu này từ năm 1948. Trước đó bà hoàn toàn không có hiểu biết gì về những rủi ro của bệnh tim mạch. Bà nói: “Sau Đại chiến thế giới thứ 2, chúng tôi không hề am hiểu gì về những căn bệnh của tim mạch”. Nó cũng chẳng được ai quan tâm. Việc ăn uống, cholesterol, huyết áp cao... rất ít người đả động đến.
Tuyệt đại đa số chúng ta đều muốn hưởng thụ. Điều này đồng nghĩa với việc ăn uống tuỳ thích. Cụ Rita Mckeown nhớ lại và nói: “Đó là những bữa sáng có hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm trứng rán với mỡ động vật, bánh mì phết nhiều bơ, cà phê với váng sữa. Tương tự như vậy, vào các bữa trưa và bữa tối người ta thường ăn thịt với nước sốt béo và những đồ ăn cao đạm khác và sau đó là hút thuốc cùng với việc nhâm nhi cà phê”.
Thực đơn như vậy thật là không tốt cho tim mạch. Cụ Rita còn cho biết thêm: “Tôi là người từng hút thuốc lá và suýt nữa phải bỏ mạng vì nghiện thuốc. Nhưng chỉ có sự may mắn tuyệt với thì tôi mới vượt qua được căn bệnh ung thư phổi và sống cho đến ngày nay”.
Trong một cuộc kiểm tra thuộc khuôn khổ của nghiên cứu về tim mạch, các bác sĩ đã phát hiện ra những vết đen ở phổi của cụ Rita. Cụ hồ hởi cho biết thêm: “Tôi vô cùng biết ơn các nhà khoa học vì họ đã sinh ra tôi một lần nữa”.
Rất nhiều người đã không có được sự may mắn như cụ Rita, họ mãi mãi ra đi ở tuổi 50, 60 hay 70. mà thủ phạm chính ở đây là căn bệnh nhồi máu cơ tim quái ác. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có khoảng gần 25% nam giới trên 55 tuổi bị chết vì chứng bệnh này.
Bác sĩ Daniel Levy (51 tuổi) - người phụ trách nghiên cứu y học tại Framingham từ năm 1984 đến nay cho biết: “Đó là một đại dịch. Chúng tôi chỉ có thể làm được một vài điều nhỏ nhoi. Chúng tôi biết rằng, các căn bệnh về tim mạch luôn chiếm tỷ lệ cao trong những căn bệnh gây tử vong.
Bác sĩ Daniel Levy (Ảnh: bu.edu) |
Bác sĩ Daniel Levy nhớ lại: Về huyết áp thì nghiên cứu tại Framingham đã rút ra được một qui tắc đơn giản là: 100 cộng với tuổi đời. Theo đó nếu một người 70 tuổi mà có huyết áp lên tới 170 thì mức độ nguy hiểm đến tính mạng sẽ tăng gấp 4 lần so với người bình thường.
Nhìn vào con số thống kê trong 38 năm qua thì tỷ lệ tử vong do bị nghẽn mạch hay nhồi máu cơ tim giảm rất đáng kể. Một trường hợp điển hình là ông Phó Tổng thống Mỹ - Dick Cheney (65 tuổi) đã có 4 lần tim ngừng đập, trong đó lần đầu tiên xảy ra khi ông này mới 37 tuổi.
Hiện tại ông Dick Cheney đang sống cùng với một máy trợ tim và một thiết bị giữ cho nhịp tim của ông được ổn định, tất cả được đặt trong lồng ngực.
Bác sĩ Daniel Levy nói: “Ông ấy đã được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu của chúng tôi. Ông ta đã sống được là nhờ vào thành tựu y học mà các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu tại thị trấn Framingham từ năm 1948 đến nay, nếu không có nó thì có lẽ cũng không có một Phó Tổng thống của ngày hôm nay”.
Lê Quân