Phát hiện gien gây đói
Những người béo phì có thể hy vọng chữa được chứng "háu ăn" sau khi một nhóm các nhà khoa học Pháp và Thuỵ Sĩ vừa xác định được một loại gien gây đói. Gien này có tên "Per 2", hoạt động rất "tích cực" trong toàn bộ cơ thể, kể cả ở não, có nhiệm vụ thu thập những tín hiệu đói, thèm ăn dù chưa đến bữa.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Fribourg (Thuỵ Sĩ) và Trường Louis Pasteur (Pháp) được công bố trên tạp chí "Sinh học ứng dụng" (Curent Biology) ra ngày 31/10. Thí nghiệm được tiến hành trên cơ thể chuột, cho thấy những con chuột mang gien "Per 2" đã được biến đổi không hề có cảm giác đói cho đến khi chúng nhìn thấy thức ăn, trong khi những con chuột mang gien "Per 2" thì lùng sục đi tìm thức ăn dù chưa đến giờ ăn.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục công trình nghiên cứu của mình nhằm tìm ra cách thức làm giảm hoạt tính của gien này, thậm chí loại bỏ gien "Per 2". Phát hiện về mối liên quan giữa giờ ăn và cảm giác đói này hứa hẹn mở ra hướng điều trị hiệu quả không chỉ chứng béo phì, mà cả rối loạn giấc ngủ, trầm cảm thậm chí cả chứng nghiện rượu.