Tìm kiếm theo cụm từ

  Phòng ngừa nguy hiểm từ các hóa chất nguy hại

Hóa chất cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy môi trường sinh thái... Vấn đề bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động và môi trường, tránh ảnh hưởng nguy hại trong việc sử dụng hóa chất ngày c

Thận trọng khi dùng acid sulfuric

Thận trọng khi dùng acid sulfuric
(Ảnh: corrosion-doctors.org)

Biện pháp tốt nhất trong việc ngăn chặn các rủi ro phát sinh từ việc sử dụng các hóa chất nguy hiểm là loại trừ khỏi môi trường làm việc những hóa chất đó. Tuy nhiên, điều này không phải luôn thực hiện được. Điều quan trọng tiếp theo là cách ly nguồn phát sinh các hóa chất nguy hiểm, hoặc tăng thêm các thiết bị thông gió và dùng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Nguyên tắc thứ nhất: Loại bỏ các chất hoặc các quá trình độc hại, nguy hiểm hoặc thay thế chúng bằng các chất hoặc các quá trình khác ít nguy hiểm hơn hoặc không còn nguy hiểm nữa.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác hại của hóa chất độc hại đến con người và môi trường là tránh sử dụng các hóa chất độc hại nếu có sẵn nhiều chất thay thế ít độc hại, ít nguy hiểm hơn. Việc lựa chọn các hóa chất phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thiết kế hoặc lập kế hoạch sản xuất.

Sau đây là một vài thí dụ của việc ứng dụng nguyên tắc này:

Thay thế các hóa chất nguy hiểm: như sử dụng sơn hoặc keo tan trong nước thay thế cho sơn hoặc keo tan trong dung môi hữu cơ; hoặc dùng triclometan làm tác nhân tẩy nhờn thay cho triclo-etylen và dùng những hóa chất có điểm bốc cháy cao thay thế những hóa chất có điểm bốc cháy thấp.

Thay thế quy trình: Thay thế việc sơn phun bằng phương pháp sơn tĩnh diện hoặc sơn nhúng. Áp dụng phương pháp nạp nguyên liệu bằng máy thay cho việc nạp nguyên liệu thủ công.

Nguyên tắc thứ hai: Cách ly nguồn phát sinh hóa chất nguy hiểm với người lao động bằng các khoảng cách an toàn hoặc che chắn nguồn hóa chất nguy hiểm nhằm ngăn cách mọi nguy cơ liên quan tới hóa chất đối với người lao động.

Một quá trình sản xuất lý tưởng là ở đó người lao động được hạn chế tới mức thấp nhất mọi cơ hội tiếp xúc với hóa chất. Có thể đạt được điều này bằng cách bao che toàn bộ máy móc, những điểm phát sinh bụi của băng chuyền hoặc bao che quá trình sản xuất các chất ăn mòn để hạn chế sự lan tỏa hơi, khí độc hại, nguy hiểm tới môi trường làm việc.

Cũng có thể giảm sự tiếp xúc với các hóa chất độc hại bằng việc di chuyển các quy trình và công đoạn sản xuất các hóa chất này tới vị trí an toàn, cách xa người lao động trong nhà máy hoặc xây tường cách ly chúng ra khỏi quá trình sản xuất có điều kiên làm việc bình thường khác, chẳng hạn như cách ly quá trình phun sơn với các quá trình sản xuất khác trong nhà máy bằng các bức tường hoặc rào chắn... Bên cạnh đó, cần phải cách ly hóa chất dễ cháy nổ với các nguồn nhiệt, như thuốc nổ phải được đặt ở xa các máy mài, máy cưa...

Nguyên tắc thứ ba: Sử dụng hệ thống thông gió thích hợp để di chuyển hoặc làm giảm nồng độ độc hại trong không khí chẳng hạn như khói, khí, bụi...

Trong trường hợp hóa chất dễ bay hơi, việc thông gió được xem như là một hình thức kiểm soát tốt nhất sau việc thay thế hoặc bao che. Nhờ các thiết bị thông gió thích hợp, người ta có thể ngăn không cho bụi, hơi, khí độc thoát ra từ quá trình sản xuất xâm nhập vào khu vục hít thở của người lao động và chuyển chúng bằng các ống dẫn tới bộ phận xử lý như: xyclo, thiết bị lắng, thiết bị lọc tĩnh điện... để khử độc trước khi thải ra ngoài môi trường.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà người ta có thể bố trí hệ thống thông gió cục bộ ngay tại nơi phát sinh hơi, khí độc hay hệ thống thông gió chung cho toàn nhà máy hoặc áp dụng kết hợp cả hai hệ thống. Cần lưu ý rằng: để hệ thống thông gió hoạt động có hiệu quả, chúng phải được bảo dưỡng thường xuyên.

Nguyên tắc thứ tư: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhằm ngăn ngừa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Phần lớn các nguy cơ từ sử dụng hóa chất có thể kiểm soát được bằng các biện pháp kỹ thuật kể trên. Nhưng trong trường hợp các biện pháp đó chưa loại trừ hết được các mối hiểm nguy thì người lao động phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Phương tiện này chỉ góp phần làm sạch không khí bị nhiễm hóa chất độc hại trước khi vào cơ thể chứ nó không làm giảm hoặc khử chất độc có trong môi trường chung quanh. Do đó, khi sử dụng các phương tiện bảo vệ đã hư hỏng hoặc không đúng chủng loại có nghĩa là ta vẫn tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nguy hiểm. Vì vậy, không được coi phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp đầu tiên để kiểm soát nụ ro mà chỉ được coi là biện pháp hỗ trợ thêm cho các biện pháp kiểm soát kỹ thuật. Với các nguy cơ cháy, nổ thì thực sự chưa có trang thiết bị nào bảo đảm an toàn cho người lao động. Sau đây là một vài kiểu loại trang thiết bị bảo vệ cá nhân:

Mặt nạ phòng độc: thường được áp dụng cho những nơi phải tiến hành kiểm soát tạm thời trước khi tiến hành các biện pháp kiểm soát kỹ thuật hoặc những nơi không thực hiện được những kiểm tra về kỹ thuật hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Bảo vệ mắt: Tổn thương về mắt có thể đo bị bụi, các hạt kim loại, đá mầu, thủy tinh, than..., các chất lỏng độc bắn vào mắt; bị hơi, khí độc xông lên mắt và cũng có thể do bị các tia bức xạ nhiệt, tia hồng ngoại, tia tử ngoại... chiếu vào mắt. Để ngăn ngừa các tai nạn và bệnh về mắt có thể sử dụng các loại kính an toàn, các loại mặt nạ cầm tay hoặc mũ mặt nạ liền với đầu... tùy từng trường hợp cụ thể.

Quần áo, găng tay, giày ủng: Một điều cần phải hết sức lưu ý là vật liệu làm những trang thiết bị này phải có khả năng chống được các hóa chất tương ứng.

Thạc sĩ LÝ NGỌC MINH

Tải file Phòng ngừa nguy hiểm từ các hóa chất nguy hại tại đây