Sống tới 1.000 tuổi, giấc mơ không xa vời
Sống trường thọ là mục tiêu mà con người luôn hướng tới. Giới khoa học đã không ngừng nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc "trường sinh”. Và họ tin rằng tuổi thọ con người có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 10 trong tương lai.
Tăng gấp 10 lần?
Tiến sĩ J.Prakash, một bác sĩ gốc Ấn sinh sống ở Anh, cho biết ông đã đảo ngược được tiến trình lão hóa bằng cách tiêm vào cơ thể mình và vợ loại hormone tăng trưởng giúp cải thiện trí nhớ và xóa nếp nhăn. Ông đang có kế hoạch mở bệnh viện tư cung cấp các phương pháp chống lão hóa. Từ lâu, trẻ mãi không già là ước mơ cháy bỏng của nhiều nhà tỉ phú, những người sẵn sàng bỏ một phần gia tài để được ướp xác sau khi qua đời với hy vọng những tiến bộ khoa học trong tương lai sẽ giúp họ có thể quay trở lại dương gian. Điều này nghe có vẻ viển vông nhưng với đà phát triển của khoa học hiện nay, các nhà khoa học tin rằng con người có thể sống đến 200, 300, 1.000 tuổi và thậm chí lâu hơn nữa.
Tín hiệu lạc quan
Cụ ông người Puerto Rico E.Del Toro, 115 tuổi, biểu tượng về sự trường thọ của con người (Ảnh: cbsnews.com) |
Các khoa học gia lý giải rằng y học ngày càng tiến bộ sẽ giúp con người đẩy lùi bệnh tật, nâng cao thể chất lẫn trí tuệ, vượt qua những hạn chế về sinh học mà con người hiện phải đối mặt. Bằng chứng là tuổi thọ nhân loại đã tăng đáng kể trong thế kỷ qua khi các điều kiện chăm sóc y tế và mức sống được cải thiện. Tuổi thọ trung bình của thế hệ những người sinh năm 1901 là 45 tuổi đối với nam và 49 tuổi đối với nữ. Những con số này trở nên hết sức "bé nhỏ" vào thời đại hiện nay. Theo tính toán, thế hệ sinh năm 2.000 sẽ có tuổi thọ trung bình lần lượt là 75 và 80 đối với nam và nữ. P.Healey, một khoa học gia tham dự hội nghị kể trên, đặt vấn đề: "Nếu chúng ta tiếp tục có nhiều tiến bộ trong y học và khoa học thì tại sao tuổi thọ của chúng ta không thể kéo dài hơn trong 100 năm tới?".
Những tiến bộ trong y học
Ông Healey cũng nói thêm rằng: "Thông qua các cuộc nghiên cứu tế bào gốc, chúng ta đã biết được cách các mô có thể tái tạo. Chẳng hạn, chuột được tiêm một loại tế bào gốc có thể tự mọc đuôi lại nếu nó chẳng may bị mất đuôi. Thử hình dung công nghệ đó được áp dụng ở con người, nếu có bị thương hoặc sở hữu một quả tim không khỏe, con người cũng có thể tự tái tạo những gì mình cần. Cũng đã có cả việc cấy ốc tai điện tử giúp chúng ta nghe được. Các nhà khoa học cũng đang chế tạo các loại thiết bị giúp tăng cường trí thông minh và giúp tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng. Và có cả những loại thuốc giúp cải thiện trí nhớ".
Theo tiến sĩ Fitzpatrick của Tạp chí y khoa Lancet, cuộc đấu tranh để cải thiện điều kiện con người không thể chỉ được xem là vấn đề khoa học hoặc kỹ thuật mà đó còn là vấn đề xã hội. "Vấn đề chính không phải là chúng ta sẽ sống thọ hơn bao lâu mà là chúng ta có thể đạt được gì và xã hội con người có thể phát triển như thế nào nếu có cuộc sống kéo dài hơn và khỏe mạnh hơn", Fitzpatrick lập luận