Lò hạt nhân Đà Lạt "chuyển hệ" uranium
"Toàn bộ nhiên liệu có độ giàu 36% được thay thế bằng nhiên liệu có độ giàu 19,75%", tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết.
Về lý thuyết, nhiên liệu có độ giàu cao có thể có nguy cơ lớn được khai thác để chế biến thành nhiên liệu cho vũ khí nguyên tử. Do đó, từ năm 1978, quan ngại vấn đề này, Mỹ là nước đi đầu và kêu gọi các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân thực hiện việc dùng uranium thấp dưới 20%.
Đây là một phần trong nỗ lực chung của ba nước Việt Nam, Nga, Mỹ và cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), nhằm tăng cường sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình, và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn cho thế giới từ nguồn nhiên liệu uranium giàu.
"Với sự kiện trên, Việt Nam đã khẳng định mục tiêu sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, thực hiện trong hành động cam kết quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân", tiến sĩ Điền nói.
Uranium giàu là loại nhiên liệu được sử dụng trong phần lớn các lò phản ứng hạt nhân, trong đó có lò ở Đà Lạt. Uranium giàu còn được chia thành hai loại: độ giàu thấp và độ giàu cao.
Loại nhiên liệu uranium sản xuất ở Nga được dùng từ thập niên 1980 cho đến những năm gần đây tại lò Đà Lạt chứa hàm lượng uranium là 36%, được gọi là uranium độ giàu cao. Còn loại nhiên liệu mới chứa hàm lượng uranium gần 20%, được gọi là uranium độ giàu thấp.