Nga sẽ xây căn cứ trên mặt trăng?
Cơ quan Không gian Liên bang Nga Roscosmos cũng đang tham vấn NASA và ESA về khả năng bố trí các trạm không gian có người lái trên quỹ đạo mặt trăng, báo Nga Ria Novosti đưa tin.
Phác họa tưởng tượng của giới khoa học về một căn cứ nghiên cứu có người ở trên Mặt trăng.
“Ngày càng nhiều nghiên cứu ủng hộ cho giả thuyết rằng con người có thể sống một thời gian dài trên hoặc quanh mặt trăng”, Giám đốc Roscosmos – ông Vladimir Popovkin chia sẻ trên Ria Novosti. “Ngày nay, chúng ta biết được là tại hai cực của mặt trăng có nước”, vì thế các bên đang “bắt đầu thảo luận về việc nên thám hiểm mặt trăng cùng nhau ra sao”.
Trong giai đoạn chạy đà, Nga đã thử khảo sát một hệ thống “vận tải có người lái” lên mặt trăng, Popovskin tiết lộ. Việc xây dựng được căn cứ trên mặt trăng sẽ bổ sung cho các kế hoạch hiện có về thám hiểm mặt trăng bằng robot hiện hành của nước này. Nga hy vọng sẽ có thể phóng hai con tàu không người lái là Luna Glob và Luna Resource lên mặt trăng vào năm 2020.
Theo LiveScience, việc hợp tác ba bên giữa Nga, NASA và ESA trong một dự án không gian quan trọng không phải là chưa từng diễn ra. Họ từng chung lưng cùng nhau trong hơn một thập kỷ để xây dựng và vận hành trạm ISS.
Có thể nói, 2011 là một năm đầy khó khăn đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Nga. Con tàu trị giá 165 triệu USD Phobos-Grunt mà nước này thiết kế để thám hiểm mặt trăng Phobos của sao Hỏa đã mắc kẹt trong quỹ đạo Trái đất ngay sau khi phóng và rơi trở lại Trái đất hôm 16/1 vừa qua. Hiện các quan chức của Roscosmos vẫn chưa dám chắc nguyên nhân gây ra sự cố cho tàu là gì, dù có đưa ra một số phỏng đoán về việc bị phá hoại từ bên ngoài.
Tuy vậy, Phobos-Grunt chỉ là một trong 5 thất bại lớn của chương trình không gian Nga trong năm 2011. Nga còn có 3 lần phóng vệ tinh thất bại khác và tàu chở hàng Progress 44 không người lái bị đâm xuống đất ngay sau khi phóng.