Lắp đặt hệ thống cảnh báo cá mập ở Bình Định
Bà Mai Thị Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết, hệ thống thử nghiệm này có 3 cụm ngư cụ, mỗi cụm dài 400 mét gồm 200 mét lưới và 10 câu đơn xen kẽ nhau có trang bị phao, đèn tín hiệu để người tắm biển nhận biết. Hệ thống lắp đặt từ vùng biển khu vực khách sạn Hoàng Gia đến Công viên Thiếu nhi, TP Quy Nhơn. Đây là khu vực người dân, du khách thường xuyên tắm biển và từng có cá mập xuất hiện tấn công người.
Cá mập sa lưới ngư dân ở vùng
biển Quy Nhơn năm 2011. (Ảnh: Trí Tín)
Theo thống kê của tỉnh Bình Định, từ năm 2009 đến 2011, tại vùng biển Quy Nhơn có ít nhất 10 vụ cá mập, cá nhám tấn công người tắm biển. Năm 2010, Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu đề tài “Thiết kế và thử nghiệm ngư cụ phòng tránh cá nhám (cá mập) tại vùng biển Bình Định”. Đề tài này đưa ra giải pháp dùng 3 hệ thống lưới - câu để ngăn chặn cá mập tấn công người.
Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, Chủ nhiệm đề tài cho biết dự kiến cuối tháng 4 tới, đề tài này sẽ được Bộ Khoa học - Công nghệ nghiệm thu và chính thức thực hiện.
Ông Tuấn phân tích, cá dữ tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn do kết hợp từ nhiều yếu tố như vịnh Quy Nhơn có luồng biển nước sâu; việc phát triển nhiều các loại chà cá, chà tôm hùm, lồng lưới (bóng Thái), rạn nhân tạo… sát bãi tắm đã tạo điều kiện về môi trường, con mồi cho cá mập vào gần bờ sinh sống. Khoảng thời gian cá mập liên tục tấn công người trùng khớp với thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Có thể thời tiết đã làm thay đổi tập tính của cá mập, làm cho chúng trở nên hung dữ hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp tăng khả năng phòng ngừa hiện tượng cá mập tấn công người tắm biển trong thời gian trước mắt. Trong đó chú trọng giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; giảm số chà cá, chà tôm, lưới lồng… quá gần bờ.
Có khoảng 23 loài cá dữ có khả năng xuất hiện ở vùng biển Quy Nhơn. Trong đó, ba loài có thể đã tấn công người tắm biển gồm: cá mập sọc trắng, cá mập mắt to, cá mập thâm.
Từ năm 2009 đến năm 2011, có ít nhất 10 vụ cá mập
tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn. (Ảnh: Trí Tín)
Cùng với việc nghiên cứu hệ thống lưới - câu, các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang còn khuyến cáo một số giải pháp để người dân tránh bị cá mập tấn công, như: không tắm biển lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tắm ở vùng nước đục, người có vết thương chảy máu không nên tắm, không mặc trang phục hoặc đeo trang sức lấp lánh, không bơi gần đàn cá nhỏ, không bơi gần khu neo đậu tàu thuyền...
Các chuyên gia cho biết hiện nay tại Việt Nam, nhiều vùng biển đã không còn cá mập. Đây cũng là tình trạng phổ biến trên thế giới. Chính vì vậy, việc bảo tồn cá mập đang là mục tiêu của nhiều tổ chức quốc tế để loài này không bị tuyệt chủng. Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta sử dụng cá mập như là một nguồn tài nguyên để phát triển du lịch biển. Vấn đề là làm sao vừa khai thác được cá mập cho phát triển du lịch vừa không nguy hiểm cho người. Muốn khai thác cá mập để phát triển kinh tế - xã hội, con người phải hiểu về chúng. Trong khi đó, ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này.
Nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang, vịnh Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, Bình Định là vùng đa dạng loài của liên bộ cá nhám (11 loài), cá mập trắng lớn và cá mập sọc trắng. Riêng cá mập sọc trắng, thời gian qua vào gần bờ vịnh Quy Nhơn được ghi nhận có cấu trúc quần thể nhiều kích thước khác nhau và cả cá đang mang thai.
Tải file Lắp đặt hệ thống cảnh báo cá mập ở Bình Định tại đây