Tìm kiếm theo cụm từ

   Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo

Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao nhưng sau khi nghiệm thu xong thì được xếp vào ngăn kéo, chứ không thể triển khai, ứng dụng. Thủ phạm là cơ chế quản lý quan liêu, xa rời nhu cầu thực tế của cuộc sống...

Bài 1: Kỳ tích nghiên cứu xe lăn điện

Một nhóm các nhà khoa học trẻ Viện Khoa học vật liệu đã từng nghiên cứu và sản xuất thành công chiếc xe lăn điện, giá rẻ hơn nhập ngoại. Những tưởng đây sẽ trở thành “đôi chân mới cho người khuyết tật”, thế nhưng sau khi kết thúc đề tài, ngoài 6 chiếc xe được chế tạo trong quá trình nghiên cứu, còn lại chỉ là bộ hồ sơ đề tài được xếp xó. 

Năm 2002, TS Nguyễn Hồng Quyền cùng một nhóm các nhà khoa học trẻ Viện Khoa học Vật liệu đã tiến hành nghiên cứu, cải tiến phần khung xe, bánh lái của chiếc xe lăn tay thông thường và lắp đặt vào chúng động cơ nam châm đất hiếm NdFeB có năng lượng lớn, tạo thành chiếc xe lăn điện rất thuận tiện dành cho người khuyết tật. 

 

Xe lăn điện động cơ nam châm đất hiếm do Viện Khoa học Vật liệu nghiên cứu và chế tạo thành công giờ chỉ còn là... kỷ niệm (Ảnh tư liệu của Viện Khoa học Vật liệu)

Đầu xuôi

Động cơ có công suất chỉ 200W, trọng lượng khoảng 35 kg, điều khiển bằng tay ga và mức tiêu thụ điện khoảng 1,5 KW/100km. Xe có thể chạy với tốc độ tối đa 15 km/giờ và đi được khoảng 20 km thì mới phải nạp điện.  

Theo TS Nguyễn Hồng Quyền, cố vấn khoa học đề tài, chiếc xe lăn điện này có thể giúp người tàn tật tự đi lại mà không cần sự trợ giúp của người khác. Nó có thể kiểm soát tốc độ, điều khiển di chuyển tiến lên, lùi xuống theo yêu cầu. Bên cạnh đó, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc xe lăn điện sản xuất ở nước ngoài. 

Với sự ra đời của chiếc xe lăn điện này, các nhà khoa học của Viện Khoa học vật liệu hy vọng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho những người không may bị tàn tật để họ có thể hòa nhập với cộng đồng. Loại xe này có thể áp dụng trong các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng thương binh, cho những người tàn tật thay cho việc lăn xe bằng tay hay cần người đẩy. 

Hiệu quả của chiếc xe lăn điện động cơ nam châm đất hiếm qua thử nghiệm đã được chứng minh. Tuy nhiên, khi kết thúc đề tài, số lượng xe lăn điện được nhóm nghiên cứu xuất xưởng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

“Bốn chiếc đầu tiên chúng tôi dành tặng một chiếc cho trại điều dưỡng thương binh nặng ở Phú Thọ, một chiếc cho Hội những người tàn tật ở Hà Giang, một học sinh tàn tật ở Thái Bình và một thương binh ở Nghệ An. Sau đó, sản xuất thêm hai chiếc theo đơn đặt hàng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh rồi dừng hẳn” KS Lê Tuấn Minh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Xe lăn điện động cơ nam châm đất hiếm. (Ảnh tư liệu của Viện Khoa học Vật liệu)

Đuôi không lọt

Cũng theo KS Minh, việc không tiếp tục triển khai sản xuất xe lăn điện dành cho người khuyết tật cũng là một điều rất đáng tiếc và bất đắc dĩ. Bởi để làm ra được một chiếc xe lăn điện gồm nhiều công đoạn, nhiều chi tiết lặt vặt, rất tốn thời gian và công sức. 

Do đó, để sản xuất đại trà xe lăn điện, chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, có nhiều vốn đầu tư và người lao động. Còn đối với các nhà khoa học, việc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất không phải là điều dễ dàng chứ chưa nói đến chuyện hình thành các doanh nghiệp khoa học. Hơn nữa việc sử dụng xe lăn điện tại Việt Nam chưa thật sự phổ biến nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Công ty Harima (TP.HCM) chuyên cung cấp xe lăn cho người khuyết tật cho biết, xe lăn điện có giá thành khá cao nên chỉ những người thực sự khá giả, có điều kiện thì mới mua dùng, còn đối với những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn hay các tổ chức từ thiện mua với số lượng nhiều để trao tặng người tàn tật thì thường mua các loại xe lăn tay chứ rất ít khi mua xe lăn điện.

Tham khảo ý kiến của một số tổ chức từ thiện, đơn vị bảo trợ người khuyết tật, nhu cầu sử dụng xe lăn trong xã hội là khá lớn nhưng xe lăn điện thì là điều còn quá xa vời. Ông Đào Trọng Hiếu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mỗi năm tỉnh Vĩnh Phúc dành tặng rất nhiều xe lăn cho người khuyết tật, tuy nhiên chỉ toàn là xe lăn tay chứ chưa trao bất kỳ một chiếc xe lăn điện nào.
 
“Có xe lăn điện thì tốt nhưng hiện nay cũng chưa cần thiết phải sử dụng xe lăn điện do giá thành của xe lăn điện đắt hơn rất nhiều so với xe lăn tay, trong khi số lượng người tàn tật cần được giúp đỡ rất lớn” ông Hiếu chia sẻ.

 

Theo Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) hơn 5 triệu phụ nữ và nam giới Việt Nam là người khuyết tật chiếm khoảng 6% dân số của cả nước. 

Theo Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD), Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người tàn tật với các dạng tật khác nhau, chiếm 6,34% tổng dân số của cả nước. Đây là một bộ phận không tách rời khỏi cộng đồng xã hội và rất cần được trợ giúp.

ảnh: xe lăn điện động cơ nam châm đất hiếm do Viện Khoa học Vật liệu nghiên cứu và chế tạo thành công gườ chỉ còn là... kỷ niệm (Ảnh tư liệu của Viện Khoa học Vật liệu)


Bài 2: Muốn giải ngân được, phải viết chuyên đề

Thanh Lâm - Ngọc Thanh

Theo baodatviet.vn

Tải file Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo tại đây