Tìm kiếm theo cụm từ

  Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo (Bài 2)

Quy định tài chính hiện nay buộc nhà khoa học phải viết nội dung nghiên cứu theo hướng đối phó để được duyệt đề tài và thuận lợi cho việc quyết toán kinh phí. Theo cách đó, đề tài nghiên cứu khó đi được vào cuộc sống.

Bài 2. Nghiên cứu KH: Muốn giải ngân được, phải viết chuyên đề

 

Tại một buổi hội thảo về các chương trình khoa học - công nghệ do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức, TS Trần Du Lịch, Viện Kinh tế TP.HCM nói: một chuyên đề 12 triệu đồng, phải viết được 35 trang. Làm khoa học mà tính trang, tính chuyên đề, viết xong nộp nghiệm thu rồi không biết có ai quan tâm đến nữa không.
 
“Cứ theo quy định kiểu này nên có người đã ví von, nhà khoa học là người có công biến giấy trắng thành giấy lộn”, TS Lịch chua chát. 

 Trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học phải chia thành nhiều chuyên đề để được giải ngân. Ảnh minh họa. Trong ảnh: Nghiên cứu máy uốn thép bằng từ. (Ảnh: T.N)


Nhùng nhằng chuyên đề

Tất cả các vấn đề này đều từ Thông tư 44 liên Bộ Tài chính và Bộ KH-CN, ra ngày 7.5.2007, hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đang được áp dụng cho các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 

Đối với đề tài loại 1 chỉ có tám triệu đồng/chuyên đề. Đây là loại chuyên đề có tính lý thuyết, thu thập và xử lý các thông tin, tư liệu đã có. Các luận điểm khoa học đã chứng minh được khai thác từ các tài liệu, sách báo, công trình khoa học của người đi trước. Đối với chuyên đề loại 2, kinh phí duyệt 12 triệu đồng cho một chuyên đề. 

Chuyên đề loại 2 là loại có nghiên cứu lý thuyết kết hợp triển khai thực nghiệm. Cụ thể qua: điều tra, phỏng vấn, khảo cứu, khảo nghiệm trong thực tế nhằm đối chứng, so sánh, phân tích, đánh giá để chứng minh luận điểm khoa học.

Chính điều này đã làm khó người nghiên cứu. Ảnh minh họa. Trong ảnh:  Nghiên cứu chế tạo máy gặt đập liên hợp. (Ảnh: T.N)


Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc Gia TP.HCM tâm sự: các đề tài do ICDREC thường có kinh phí lớn, do tính khó thực hiện, cần công sức của nhiều người, nhiều công đoạn. Một đề tài được duyệt vài tỉ đồng, ông và nhóm nghiên cứu phải nghĩ ra mấy trăm chuyên đề mới xong. 

Làm khó người nghiên cứu

Để vượt qua cửa xét duyệt để cấp kinh phí nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài buộc phải “lách” thì mới xong với bộ phận tài chính. 

Năm 2008 PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện khoa học Vật liệu TP.HCM, được Sở KH-CN tỉnh Bình Dương mời thực hiện đề tài “Xác định hệ phân loại sinh thái học, các hoạt tính sinh học của bọ đậu đen và tổng hợp thuốc sinh học an toàn đề tiêu diệt chúng”.

Ban đầu, PGS.TS Hồ Sơn Lâm đề xuất kinh phí 350 triệu đồng. Sở KH-CN tỉnh Bình Dương nói kinh phí như vậy làm không đủ, ông nâng lên các tiêu chuẩn và tăng lên tổng kinh phí cần có 473 triệu đồng. 

Nghiên cứu thiết bị đo nháy mắt tại ĐH Quốc tế. (Ảnh: Thái Ngọc)


Thế nhưng sau khi xét duyệt, Sở KH-CN chỉ chấp nhận còn... 323 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, số tiền này qua Sở Tài chính thẩm định chỉ chấp nhận chi cho đề tài hơn 290 triệu đồng. Với khoản tiền được phê duyệt này ngoài chi cho các khoản viết đề cương, làm báo cáo, chi cho việc thành lập hội đồng và trả cho phản biện, hóa chất… còn lại, PGS-TS Hồ Sơn Lâm phải chia làm 13 chuyên đề để hợp thức hóa việc giải ngân số tiền hơn 290 triệu đồng này. 

Theo nhiều nhà khoa học, đã đến lúc việc quản lý khoa học nên theo cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng bài báo khoa học đối với nghiên cứu cơ bản. Sản phẩm cụ thể có thể ứng dụng được vào thực tiễn, hoặc sản phẩm, công nghệ được bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng. Việc quy định chuyên đề trong đề tài buộc nhà khoa học nghĩ ra kết quả cái mà mình chưa nghiên cứu xem ra không hợp lý chút nào.  

Bài 3: Nghiên cứu một đằng, nhu cầu một nẻo.

Thái Ngọc

Theo baodatviet.vn

Tải file Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo (Bài 2) tại đây