Việt Nam hợp tác hạt nhân với châu Âu
Trong thông cáo được đại diện phái đoàn EU tại Hà Nội đưa ra hôm qua sau một cuộc họp hai bên, Ủy ban châu Âu sẽ hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một khung an toàn hạt nhân tại Việt Nam. Hai bên cũng bàn về một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo sẽ được triển khai cho Cục An toàn Bức xạ hạt nhân Việt Nam.
Khu vực được quy hoạch xây dựng nhà máy điện
hạt nhân Ninh Thuận ở Vĩnh Tường. (Ảnh: Sơn Ninh)
Hans Blix, nguyên tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna, phát biểu về sự cần thiết đối với sự hợp tác quốc tế.
"Một tai nạn hạt nhân ở một nơi nào đó sẽ có sự tác động trên khắp mọi nơi. Do vậy, khi một quốc gia bắt đầu thực hiện các dự án hạt nhân, điều quan trọng là khung pháp lý liên quan cần phải được thiết lập chặt chẽ", Hans Blix nhấn mạnh.
Theo ông Hans Blix, trao đổi thông tin là một phần quan trọng trong quá trình này. Dự án hợp tác an toàn hạt nhân giữa châu Âu và Việt Nam có giá trị 2 triệu euro và sẽ được thực hiện trong 3 năm.
Tại Việt Nam, điện hạt nhân đang được đánh giá là nguồn năng lượng tốt để đáp ứng nhu cầu điện của cả nước. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000MW. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2020. Dự kiến, năm 2015 sẽ triển khai tiếp nhà máy điện Ninh Thuận 2. Nhà máy điện Ninh Thuận 1 sẽ do phía Nga xây dựng.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã gửi đi đào tạo cán bộ điện hạt nhân tại các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Pháp.