Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3S (RS, GIS, GPS) trong quản lý rủi ro thiên tai tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam
Cơ quan chủ trì Đại học Khoa học
Cơ quan thực hiện Đại học Khoa học
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Tài nguyên-Môi trường
Chủ nhiệm(*) Kiều Quốc Lập
Ngày bắt đầu 01/2021
Ngày kết thúc 12/2022

Tổng quan

1.Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Ở Việt Nam quản lý rủi ro thiên tai (RRTT) đã được lồng ghép vào trong nhiều chiến lược và kế hoạch phát triển, bao gồm chiến lược giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Chính phủ chỉ đạo thành lập các ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp từ trung ương đến địa phương. Hiện nay đã có Cục phòng, chống thiên tai trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là đơn vị đầu mối để tham gia thực hiện Công ước khung về BĐKH (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, và Cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) được Thủ tướng chính phủ thông qua nhằm giải quyết tác động của BĐKH và sự cần thiết phải giảm nhẹ và thích nghi với các tác động của BĐKH. Trong những năm gần đây chủ đề nghiên cứu về RRTT và BĐKH được nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân quan tâm nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu được tập hợp trong các báo cáo, tài liệu, sổ tay hướng dẫn,... Tiêu biểu như: Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý RRTT và các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 [1]; Tài liệu kỹ thuật về Quản lý rủi ro và thích ứng với BĐKH (năm 2011) [2],  Tài liệu hướng dẫn đánh giá RRTT dựa vào cộng đồng (năm 2014) [3] của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sổ tay hướng dẫn “Quản lý RRTT và thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng” (2012) của tổ chức Oxfarm [6].

Đặc biệt là các công trình nghiên cứu có liên quan đến RRTT và BĐKH như: Nghiên cứu đặc điểm diễn biến của hiện tượng rét hại khu vực Tây Bắc và khả năng dự báo của Dương Văn Khảm và Trần Hồng Thái, (2011) [7] đã chỉ ra được nguyên nhân, đặc điểm và dự báo xu thế biến đổi của hiện tượng rét hại tại một số tỉnh Tây Bắc của nước ta. Nghiên cứu của Lã Thanh Hà (2009) về điều tra, khảo sát phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam [8]. Nghiên cứu của Vũ Thanh Hằng, Phan Văn Tân (2010) về dao động và biến đổi của hiện tượng rét đậm, rét hại ở Việt Nam [9]. Nghiên cứu Nguyễn Văn Thắng, và Trần Thục ( 2011) về BĐKH và tác động ở Việt Nam [10],…

Các công trình nghiên cứu nên trên đã làm rõ được hiện tượng, đánh giá được các thiệt hại do thiên tai và BĐKH gây ra. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới dừng lại ở mức độ khái quát, chưa phân tích sâu được bản chất của từng hiện tượng gắn với một lãnh thổ cụ thể. Các nghiên cứu chưa làm rõ được mối quan hệ giữa RRTT và BĐKH. Các giải pháp quản lý RRTT thường tập trung giải quyết các hiện tượng, đưa ra các biện pháp khắc phục tác động của thiên tai mang lại, chưa đưa ra được các mô hình quản lý RRTT trong bối cảnh BĐKH. Đặc biệt, khu vực miền núi phía Bắc còn thiếu các nghiên cứu điển hình, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu nhằm phân tích bản chất của RRTT đặt trong bối cảnh của BĐKH của khu vực miền núi, do đó còn thiếu các mô hình quản lý RRTT phù hợp. Chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến mô hình ứng dụng công nghệ 3S (RS, GIS, GPS) trong quản lý rủi ro thiên tai.

Các tài liệu tham khảo trong nước có liên quan:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2015. Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Nội 2/2015.
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2011. Tài liệu kỹ thuật: Quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Nội 8/2011.
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2014. Tài liệu hướng dẫn đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Hà Nội 10/2014.
  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ.
  1. CARE, 2013. Phòng chống rét ở người tại khu vực miền núi phía bắc: Tài liệu Phòng chống rét ở người, Tổ chức CARE Quốc Tế tại Việt Nam.
  2. DMC, Oxfarm, 2014. Sổ tay hướng dẫn “Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”. Hà Nội 7/2014.
  3. Dương Văn Khảm, Trần Hồng Thái, 2011. Nghiên cứu đặc điểm diễn biến của hiện tượng rét hại khu vực Tây Bắc và khả năng dự báo, Tạp chí Khí tượng Thủy văn, số 604,4/2011, trang 43-48.
  4. Lã Thanh Hà, 2009. Điều tra, khảo sát phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam - Giai đoạn 1, Dự án cấp Bộ, Bộ TN&MT.
  5. Vũ Thanh Hằng, Phạm Thị Lê Hằng, Phan Văn Tân, 2010. Dao động và biến đổi của hiện tượng rét đậm, rét hại ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 26, số 3, tr 29-34.
  6. Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Trọng Hiệu, Trần Thục, 2011. Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam, Nhà xuất bản KHCN, Hà Nội.
  7. Trần Thục, Lã Thanh Hà, 2012. Giáo trình Lũ quét: Khái niệm cơ bản và phương pháp nghiên cứu. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
  8.  Cao Đình Triều, Lê Văn Dũng, Nguyễn Hữu Tuyên, 2008. Rủi ro và rủi ro thiên tai thiên nhiên khu vực đứt gãy sông Hồng, Tạp chí Địa chất, số 260, 9-10, tr. 20-30.

2. Ngoài nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài trên thế giới, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Vấn đề quản lý RRTT luôn là những vấn đề nóng rất được thế giới quan tâm. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tác động của BĐKH ngày càng sâu rộng đến đời sống con người. Chính phủ các nước đã có sự hợp tác, tổ chức hàng loạt các hội nghị, chương trình nghị định thư, hiệp định, ủy ban liên chính phủ bàn về hiểm họa thiên tai và ứng phó với BĐKH. Trên phương diện nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị và các nhà khoa học cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề RRTT và BĐKH.

Tháng  01  năm  2005,  một  vài  tuần  sau hiểm  họa  sóng  thần ở Ấn  Độ  Dương  đã  cướp  đi  sinh mạng của hơn 250.000 người, chính phủ của 168 quốc gia đã họp tại Kobe, Nhật Bản, để tham gia Hội nghị Quốc tế về giảm nhẹ thiên tai lần thứ hai [24]. Hội nghị đã thông qua Khung hành động Hyogo giai đoạn 2005 – 2015 về: “Xây dựng khả năng hồi phục cho các quốc gia và cộng đồng chịu thiên tai”. Đây là một chiến lược toàn cầu với mục tiêu giảm nhẹ RRTT. Hội nghị đã đề  ra  Kế  hoạch  10  năm nhằm giảm nhẹ thiệt hại, và đưa hoạt động giảm nhẹ rủi ro thành một phần quan trọng trong chính sách và chương trình phát triển của các chính phủ thành viên, các tổ chức khu  vực, quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Vào tháng 07/2005, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức có hiệu lực, sau khi được 10 nước thành viên trong khối phê chuẩn. AADMER đã thiết lập  một khung quản lý thiên tai của khu vực. Cơ chế đó bao gồm các điều khoản: Phòng ngừa và giảm nhẹ RRTT, xác định, giám sát và đánh giá RRTT, chuẩn bị ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai, cũng như hợp tác và nghiên cứu cơ chế hợp tác, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục xuất, nhập cảnh [13].

Tháng 10 năm 2010, Hội nghị bộ trưởng các quốc gia Châu Á về giảm nhẹ RRTT (ACDM) lần thứ 4 được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, với chủ đề bao trùm là “Giảm nhẹ RRTT để thích ứng với BĐKH”. Lộ trình và chương trình  hành động khu vực Icheon tập trung vào việc xúc tiến một giải pháp quản lý RRTT toàn diện, hướng đến việc thiết lập một hệ thống quản lý RRTT và khí hậu linh hoạt, đóng góp cho phát triển ổn định tại cấp khu vực, cấp quốc gia, vùng lãnh thổ và cấp cộng đồng vào năm 2020.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí  hậu (IPPC) được thành lập năm 1988 bởi Tổ chức khí tượng thế giới và Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) [18]. Năm 1992, Công ước khung về BĐKH của Liên hợp quốc (UNFCCC) được thành lập, làm nền tảng cho hoạt động đối phó toàn cầu trong lĩnh vực BĐKH. Nghị  định  thư  Kyoto là hiệp định quốc tế có liên quan với UNFCCC, được thống nhất  tại COP3 năm 1997 với sự tham gia của 192 quốc gia. Nghị định thư được đưa ra tại Kyoto ngày 11 tháng 12 năm 1997 và có hiệu lực từ ngày 16 tháng 02 năm 2005. Các quy định chi tiết về thực hiện Nghị định thư được đưa ra tại COP7 ở  Marrakesh  năm 2001,  và được gọi  là  “Hiệp định Marrakech” [17].

Về phương diện nghiên cứu, trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề RRTT. Tiêu biểu có các công trình nghiên cứu của Schipper L và Pelling M (2006) về RRTT, BĐKH và phát triển bền vững [23]. Nghiên cứu của McElwee (2009) về BĐKH và các giải pháp ứng phó tại khu vực Đông Nam Á [22]. Nghiên cứu của Allen K (2013) đánh giá các thiệt hại thiên tai do tác động của BĐKH tại Philipines [15]. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt các tác giả như: Few R, Osbahr H, Bouwer L.M, Viner D, Hewitt K, Hulme M, Kelly P.M, Nicholls R.J.,... với các công trình nghiên cứu về thiên tai và BĐKH.

Các nghiên cứu kể trên đã đề cập đến nhiều phương diện của RRTT. Nhiều nghiên cứu tập trung giải thích cơ chế hình thành thiên tai, đưa ra các mô hình quản lý RRTT. Tuy nhiên, do tính phức tạp của các loại hình RRTT, tính đặc thù của thiên tai theo lãnh thổ nên không thể đưa ra các mô hình chung để quản lý RRTT. Các nghiên về mối quan hệ giữa RRTT và BĐKH còn hạn chế, thiếu cơ sở lý luận. Phạm vi nghiên cứu thường tập trung vào các lãnh thổ có quy mô rộng, mang tính chiến lược. Khi áp dụng các mô hình quản lý RRTT vào lãnh thổ nhỏ, đặc biệt là khu vực miền núi có những đặc thù về tự nhiên và kinh tế xã hội sẽ không phù hợp. Trong những năm gần đây, dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về RRTT và BĐKH trên thế giới có xu hướng kết nối các nhà khoa học, các vùng lãnh thổ, tập trung giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, trên phạm vi khu vực.

Các tài liệu tham khảo nước ngoài có liên quan:

  1. ACDM, 2005. ASEAN Agreement on Disaster Management and Emergency Response,  viewed 1/15/2016: http://www.aseansec.org/17579.htm
  2. Albino, V., Balice, A., Dangelico, R.M. 2013. Environmental Strategies and Green Procuct Development, an Overview on Sustainability-Driven Companies, Business Strategy and the Environment. Vol.18, pp.83-96.
  3. Allen K, 2013. Vulnerability reduction and the community-based approach: a Philippines  study, in Pelling, Natural Disasters and Development in a Globalizing World, Routledge, London, UK.
  4. CCFSC, 2005. National Report on Disasters in Vietnam, Vietnam Central  Committee for Flood and Storm Control, Working paper, the World Conference on Disaster Reduction, 18-22 January 2005, Kobe-Hyogo, Japan.
  5. DFID (Department for International Development), 2005. Disaster Risk  Reduction: A Development Concern. DFID, London.
  6.  IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change), 2015. Climate Change 2015, Cambridge University Press, Cambridge, UK.
  7. Gladwin, T.N., Kennelly, J.J., Krause, T, 2015. Shifting Paradigms For Sustainable Development: Implications for Management Theory and Research, Academy of Management Review. Vol.20, No.4, pp.874-907.
  8. Li, N., A. Toppinen, 2015. Corporate Responsibility and Sustainable Competitive Advantage in Forest-based Industry: Complementary or Conflicting Goals, Forest Policy and Economics. Vol.13, pp.113-123.
  9. Napolby, M.E, 2016. Environmental management in development: the evolution of paradigms", Ecological Economics. 23(3): 193–213.
  10. McElwee, 2009. The Social Dimensions of Adaptation to Climate Change in  Thailand, The  World Bank, Discussion Paper number 17.
  11. Schipper L and Pelling M, 2006. Disaster risk, climate change and international  development: scope for, and challenges to, integration, Disasters 30, 19-38.
  12. The Hyogo Framework for Action 2005-2015.Building the Resilience of Nations and Communities to Disasters  www.unisdr.org/wcdr/intergover.
  13. WCED, 1987. Development and International Co-operation Environment. United Nations, General Assembly document A/42/427.

Tính cấp thiết

Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có điều kiện tự nhiên đa dạng, địa hình núi cao, khí hậu phân hóa phức tạp, giàu tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, đây là khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai tự nhiên, rủi ro sinh thái và tai biến môi trường. Theo kết quả thống kê, trong những năm gần đây khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam thường xuyên xẩy ra các rủi ro thiên tai và tai biến thiên nhiên gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Năm 2004 sạt lở đất ở Bát Xát (Lào Cai) làm hơn 20 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Năm 2008 lũ quét ở Yên Bái, Sơn La và Lai Châu làm 65 người chết, gần 200 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 50 tỷ đồng. Năm 2014 mưa lũ cũng cướp đi sinh mạng của 16 người tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Đợt rét đậm rét hại đầu năm 2016 cũng gây thiệt hại ước tính cho các tỉnh miền núi phía Bắc hàng trăm tỷ đồng, hơn 2000 gia súc bị chết, 4562 ha hoa màu bị phá hủy. Năm 2017, lũ quét và sạt lở đất làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị đổ sập và cuốn trôi, tác động đến 13.246 hộ dân tại một số tỉnh miền núi. Đặc biệt, trong năm 2019, trận lũ quét ngày 3/8/2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa dù chỉ diễn ra trong 15 phút nhưng đã làm 10 người chết và mất tích; 35 nhà sập hoàn toàn; tổng thiệt hại ước tính 120 tỷ đồng.

Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam cũng là nơi tập trung chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng ứng phó với các rủi ro thiên tai còn rất hạn chế. Chính quyền địa phương chưa có những biện pháp thiết thực nhằm dự báo, cảnh báo các rủi ro thiên tai. Các rủi ro thiên tai thường xẩy ra và để lại hậu quả lớn, chủ yếu tập trung tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghiên cứu cơ bản nhằm tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro thiên tai tại khu vực này hầu như chưa có. Công nghệ 3S là công nghệ hiện đại, kết hợp của 3 thành tố là viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và hệ thống định vị toàn cầu. Công nghệ viễn thám (RS) cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh dự báo thời tiết, cung cấp dữ liệu nhằm phân tích các yếu tố địa hình, thổ nhưỡng, dòng chảy, thảm thực vật hình thành nên rủi ro thiên tai. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) hỗ trợ phân tích không gian, thành lập các bản đồ cảnh báo, dự báo rủi ro thiên tai. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép định vị các thiết bị cảm biến, phục vụ công tác dự báo, cảnh báo trực tuyến trên các thiết bị di động. Ứng dụng công nghệ 3S trong quản lý rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam là một vấn đề cơ bản và cấp bách.

Mục tiêu

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3S xây dựng mô hình quản lý rủi ro thiên tai tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam (nghiên cứu thực nghiêm tại 1 địa điểm cụ thể).

- Đề xuất phát triển mô hình nghiên cứu cho khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

Nội dung

- Nội dung 1: Tổng quan cơ sở lý luận và thực tiễn về việc ứng dụng công nghệ 3S trong nghiên cứu rủi ro thiên tai tại khu vực miền núi.

- Nội dung 2: Đánh giá hiện trạng các loại hình rủi ro thiên tai tại khu vực nghiên cứu thực nghiệm;

- Nội dung 3: Xây dựng mô hình nghiên cứu tại khu vực nghiên cứu thực nghiệm;

- Nội dung 4: Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển mô hình nghiên cứu.

PP nghiên cứu

- Phương pháp thu thập xử lý dữ liệu thống kê: Đây là phương pháp chủ đạo nhằm tổng quan tài liệu và tổng hợp dữ liệu nghiên cứu. Các dữ liệu thống kê liên quan đến RRTT, điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu, diễn biến của các yếu tố thời tiết, khí hậu tại địa bàn nghiên cứu sẽ được thu thập và tiến hành xử lý.

- Phương pháp điều tra khảo sát thực địa: Điều tra khảo sát thực địa là một phương pháp quan trọng không thể thiếu khi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến RRTT. Sau khi đã thu thập và xử lý các dữ liệu nghiên cứu, tác giả tiến hành khảo sát thực địa một số tuyến điểm thường xảy ra thiên tai. Trong quá trình khảo sát tiến hành thu thập các dữ liệu thực tế để kiểm chứng các số liệu thống kê, ngoài ra tiến hành các phương pháp đánh giá nhanh môi trường và phương pháp phỏng vấn.

- Phương pháp đánh giá nhanh môi trường: Kết hợp với phương pháp điều tra khảo sát thực địa, phương pháp đánh giá nhanh môi trường dùng để đánh giá các RRTT trên địa bàn nghiên cứu. Trong đề tài này đánh giá nhanh môi trường chủ yếu dựa vào các yếu tố môi trường quan sát, sử dụng bảng hỏi nhanh.

- Phương pháp chuyên gia: Nghiên cứu quản lý RRTT dựa vào ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học. Đề tài tiến hành điều tra, phỏng vấn một số nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu trên địa bàn nghiên cứu.

- Phương pháp bản đồ, viễn thám và GIS: Đây là phương pháp chủ đạo, ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS tiến hành đánh giá phân tích các loại hình RRTT, xây dựng các bản đồ hiện trạng, bản đồ cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, xây dựng mô hình quản lý RRTT trực tuyến.

13. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU

13.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là một số loại hình RRTT tại khu vực miền núi phía Bắc. Các loại hình RRTT được nghiên cứu, tập trung vào tìm hiểu hiện trạng, giải thích nguyên nhân, dự đoán xu thế diễn biến, từ đó ứng dụng công nghệ 3S xây dựng mô hình quản lý RRTT cho khu vực miền núi phía Bắc.

13.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi về mặt không gian: Giới hạn trong phạm vi không gian lãnh thổ khu vực miền núi phía Bắc. Địa điểm nghiên cứu thực nghiệm giới hạn tại lãnh thổ một huyện miền núi điển hình của khu vực.

- Phạm vi về mặt thời gian: Nghiên cứu về RRTT dựa vào các dữ liệu thống kê, các tài liệu nghiên cứu trong 50 năm gần đây. Thời gian nghiên cứu từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022.

- Phạm vi về mặt nội dung: Có nhiều loại hình RRTT xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, đề tài giới hạn nghiên cứu 2 loại hình RRTT chủ yếu bao gồm lũ quét và trượt lở đất.

14. CÁCH TIẾP CẬN, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

14.1. Cách tiếp cận

- Tiếp cận tổng hợp: RRTT chịu tác động của nhiều yếu tố, có các yếu tố tự nhiên (địa chất, địa mạo, địa hình, lớp phủ thực vật, các yếu tố khí hậu), có các yếu tố kinh tế - xã hội (phương thức canh tác, hoạt động kinh tế, phân bố dân cư, khai thác tài nguyên). Ứng dụng công nghệ 3S trong nghiên cứu quản lý RRTT khu vực miền núi phía Bắc cần phải tiếp cận dựa trên quan điểm tổng hợp, xem xét mối quan hệ tác động tổng hợp của nhiều yếu tố.

- Tiếp cận dựa vào cộng đồng: cách tiếp cận này dựa vào chính cộng đồng địa phương. Trong nghiên cứu này chủ yếu là cộng đồng dân tộc thiểu số. Tiếp cận dựa vào cộng đồng từ khâu khảo sát, điều tra, tham vấn các ý kiến cộng đồng để đưa ra các mô hình quản lý RRTT, cuối cùng đến việc triển khai tập huấn các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ tác động của RRTT cho cộng đồng dân cư.

- Tiếp cận trực quan: Thông qua khảo sát thực tế, mô tả, đánh giá nhanh môi trường và phân tích trực quan các đối tượng nghiên cứu. Các mô hình quản lý RRTT dựa trên cơ sở đánh giá trực quan hiện trạng các loại hình RRTT. Kết quả nghiên cứu được hiện thị trên các mô hình cảnh báo (bản đồ, webGIS) trực quan.

- Tiếp cận hệ thống: Đề tài nghiên cứu RRTT trong mối quan hệ thống nhất của hệ thống. Các loại hình RRTT được nghiên cứu trên quan điểm hệ thống, nghiên cứu nguyên nhân, đánh giá các yếu tố phát sinh, dự báo diễn biến của từng loại hình RRTT dựa trên mối quan hệ tương hỗ giữa các yếu tố cấu thành. Đặc biệt khi đề xuất các giải pháp quản lý RRTT phải đặt trong một hệ thống thống nhất, đưa ra các giải pháp toàn diện.

- Tiếp cận trên quan điểm phát triển bền vững: Nghiên cứu quản lý RRTT luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các giải pháp đưa ra không chỉ hướng tới mục tiêu quản lý, giám sát và giảm thiểu các rủi ro hiện tại mà cần hướng tới mục tiêu lâu dài. Nghiên cứu xu thế, dự báo diễn biến của các loại hình RRTT trong bối cảnh BĐKH trong tương lai để đề ra các giải pháp bền vững.

14.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập xử lý dữ liệu thống kê: Đây là phương pháp chủ đạo nhằm tổng quan tài liệu và tổng hợp dữ liệu nghiên cứu. Các dữ liệu thống kê liên quan đến RRTT, điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu, diễn biến của các yếu tố thời tiết, khí hậu tại địa bàn nghiên cứu sẽ được thu thập và tiến hành xử lý.

- Phương pháp điều tra khảo sát thực địa: Điều tra khảo sát thực địa là một phương pháp quan trọng không thể thiếu khi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến RRTT. Sau khi đã thu thập và xử lý các dữ liệu nghiên cứu, tác giả tiến hành khảo sát thực địa một số tuyến điểm thường xảy ra thiên tai. Trong quá trình khảo sát tiến hành thu thập các dữ liệu thực tế để kiểm chứng các số liệu thống kê, ngoài ra tiến hành các phương pháp đánh giá nhanh môi trường và phương pháp phỏng vấn.

- Phương pháp đánh giá nhanh môi trường: Kết hợp với phương pháp điều tra khảo sát thực địa, phương pháp đánh giá nhanh môi trường dùng để đánh giá các RRTT trên địa bàn nghiên cứu. Trong đề tài này đánh giá nhanh môi trường chủ yếu dựa vào các yếu tố môi trường quan sát, sử dụng bảng hỏi nhanh.

- Phương pháp chuyên gia: Nghiên cứu quản lý RRTT dựa vào ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học. Đề tài tiến hành điều tra, phỏng vấn một số nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu trên địa bàn nghiên cứu.

- Phương pháp bản đồ, viễn thám và GIS: Đây là phương pháp chủ đạo, ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS tiến hành đánh giá phân tích các loại hình RRTT, xây dựng các bản đồ hiện trạng, bản đồ cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, xây dựng mô hình quản lý RRTT trực tuyến.

Hiệu quả KTXH

Góp phần phòng tránh rủi ro thiên tai nhằm giảm bớt các thiệt hại về kinh tế xã hội mà thiên tai mang lại; Đồng thời giúp cho việc ổn định cuộc sống của đồng bào, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội trên địa bàn nghiên cứu.

ĐV sử dụng

- Hỗ trợ đơn vị chủ trì trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

- Góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về quản lý rủi ro thiên tai, giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất từ đó giữ vững an ninh quốc phòng tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

STT Tên đơn vị Người đại diện

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*