Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết
Tên VIỆC LÀM BỀN VỮNG TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Lĩnh vực Kinh tế học
Tác giả Ths Triệu Đức Hạnh Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nhà xuất bản / Tạp chí Tạp chí Kinh tế và Phát triển Tập 161 Năm 2010
Số hiệu ISSN/ISBN 1859-0012
Tóm tắt nội dung

VIỆC LÀM BỀN VỮNG  TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

 

Ths Triệu Đức Hạnh

Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

 

Việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo các hệ lụy là lạm phát tăng cao, thất nghiệp tràn lan ảnh hướng tới mọi mặt trong xã hội. Việt Nam là một nước nông nghiệp với tỷ lệ lao động  trong khu vực kinh tế phi chính thức lớn, không ổn định (95,7% không có hợp đồng lao động)[1]. Hơn lúc nào hết, việc làm bền vững đang là vấn đề cấp bách và thiết thực.

  1. 1.     Khái niệm việc làm bền vững

Đặc điểm cơ bản của việc làm là luôn luôn thay đổi và đổi mới về hình thức bên ngoài và đặc điểm bên trong nhưng ý nghĩa của việc làm trong đời sống con người không thay đổi. Dù ở nền văn hóa nào và ở trình độ đến đâu chăng nữa thì con người luôn có nhu cầu về việc làm. Người lao động luôn luôn tìm kiếm công việc một công việc phù hợp với khả năng và được hưởng các thành quả của lao động một cách công bằng.

  Việc làm thông qua công việc cụ thể là sự lý giải tài năng của mỗi con người, là phương tiện để con người hòa nhập vào xã hội.

Công việc chính là nơi phô bày mâu thuẫn giữa giá trị, nguyện vọng của người lao động so với thành quả lao động mà người đó được hưởng. Vì cuộc sống mưu sinh, công việc có thể khiến người lao động bỏ qua một số vấn đề liên quan đến bản thân  thậm chí đánh đổi cả tự do, ý chí và nhân phẩm.

  Năm 1999, tại hội nghị quốc tế lao động của Tổ chức Lao động thế giới ILO, theo đề nghị của tổng giám đốc ILO, hội nghị đã duyệt thông qua một chương trình đặc biệt để cải tổ ILO với các mục tiêu trong đó  “tập trung sức mạnh của ILO vào giải quyết việc làm bền vững và xem như đó là yêu cầu cấp bách trong thời kỳ mới”[8].

Năm 2001, hội thảo quốc tế lao động của ILO đã cụ thể hóa “việc làm bền vững” thông qua các chương trình hành động cụ thể trong bối cảnh thay đổi của kinh tế thế giới.

Theo tài liệu của Tổ chức lao động thế giới ILO thì việc làm bền vững được  sử dụng với khái niệm như sau:

 

Stt

Quốc gia 

Ngôn ngữ địa phương 

Dịch sang tiếng Anh 

1

China

Ti mian De Gong Zuo

Decent Work

2

India

Uthkrishtha Kam

Decent Work

3

Philippines

Marangal Na Hanapbuhay

Dignified Work

4

Thailand

Ngan Tee Mee Khun Kha

Valuable Work

5

VietNam

Việc Làm Bền Vững

Sustainable Work

 

Theo ILO, việc làm bền vững là cơ hội cho nam giới và nữ giới có được việc làm bền vững và năng suất trong điều kiện tự do, bình đẳng, và nhân phẩm được tôn trọng. mục tiêu chính của ILO ngày nay là tạo cơ hội cho nam và nữ có được việc làm bền vững và năng suất trong điều kiện tự do, công bằng, an toàn và tôn trọng giá trị nhân phẩm.

Theo Wikepedia thì việc làm bền vững là công việc tạo cơ hội cho cả nam và nữ được làm việc tự do, bình đẳng, an toàn và toàn vẹn nhân phẩm[6].

“Việc làm bền vững chính là những khát vọng của con người trong cuộc sống lao động của họ về cơ hội và thu nhập, quyền lợi, tiếng nói và sự thừa nhận; sự ổn định gia đình và phát triển cá nhân; sự công bằng và bình đẳng như nhau. Phản ánh mối quan tâm của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, những người sẽ cùng nhau tạo ra một sự hợp nhất về đối thoại ba bên”[8] .

Theo Tổng giám đốc ILO Juan Somavia  thì việc làm bền vững là kết quả của sự nỗ lực giảm nghèo, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng tới đạt được sự công bằng trong lao động. Chiến lược hành động của ILO là thông qua các chương trình cụ thể để phát triển việc làm bền vững với tiêu chí là định hướng cho các chính sách kinh tế - xã hội của các nước dựa trên sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và sự tham gia của nhiều phía trong xu thế hội  nhập  kinh tế toàn cầu.

2. Các yếu tố cấu thành việc làm bền vững. 

Theo tài liệu hội thảo về việc làm bền vững của ILO tổ chức tại ChiangMai Thailand năm 2007  thì việc làm bền vững là việc làm có hiệu quả với các biểu hiện cụ thể như sau[4]:

- Làm việc với đầy đủ quyền con người với đúng trình độ cá nhân.

- Làm việc với các điều kiện chấp nhận được, bình đẳng, có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cá nhân.

- Làm việc có bảo trợ xã hội, an toàn tại nơi làm việc hướng tới chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các rủi ro

- Làm việc có đối thoại xã hội thông qua tự do hiệp hội, tự do phát ngôn, được tham gia đối thoại cởi mở  giữa chính phủ, người sử dụng lao động và công nhân. Được tham gia xây dựng các chính sách, chiến lược.

Theo tài liệu hội thảo năm 2008 về “Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và Chiến lược phát triển việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” đã chỉ ra các khía cạnh để nhận biết việc làm bền vững là: Cơ hội việc làm, làm việc trong điều kiện tự do, việc làm năng suất , bình đẳng trong công việc, an toàn tại nơi làm việc, bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc[1].

Tuyên bố của ILO ở Philadelphia đưa ra thì nghĩa vụ của ILO bao gồm việc mở rộng chương trình “Decent works” để đạt mục đích “Việc làm của người lao động như là nghề nghiệp mà nó có thể mang lại ”.Tuyên bố này khẳng định “quyền của mỗi con người trong điều kiện tự do, nhân phẩm, an toàn kinh tế và công bằng các cơ hội”. Đây chính là nền móng của “Việc làm bền vững”.

Một cách tổng quát, việc làm bền vững được cấu thành và được nhận biết thông qua các khía cạnh sau:

2.1. Các quyền tại nơi làm việc 

2.1.1 Làm việc hiệu quả, làm việc với đúng trình độ cá nhân, bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc

Mong muốn của tất cả mọi người lao động là có công việc ổn định, đảm bảo cuộc sống của cá nhân và gia đình mình, phát huy tối đa khả năng cá nhân để phục vụ gia đình và cộng đồng.

  • · Làm việc hiệu quả là làm việc được trả công xứng đáng đúng công việc, đúng trình độ chuyên môn và được trả lương tối thiểu bằng mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước.
  • · Làm việc đúng với trình độ chuyên môn cá nhân nghĩa là người lao động được làm việc đúng với khả năng, sở trường của mình, tạo điều kiện tối đa để phát huy các tố chất cá nhân của mỗi người. Việc làm phù hợp với sức khỏe và giới tính của người lao động.
  • Bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc nghĩa là người lao động được bảo vệ chống lại những hành vi xâm hại hoặc chà đạp lên nhân phẩm của người khác và của bản thân.

Theo UNESSCO,” “nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi con người” mỗi con người đều có những giá trị nhất định, nhân phẩm chính là những giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân[5].

2.1.2 Làm việc với các điều kiện chấp nhận được, bình đẳng, có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cá nhân.

Điều kiện làm việc là các yếu tố hỗ trợ người lao động để thực hiện công việc của mình. Điều kiện làm việc là yếu tố căn bản quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm người lao động làm ra và sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người lao động.

  • Điều kiện làm việc chấp nhận được bao gồm:

- Thời gian làm việc phù hợp để thỏa mãn cả hai yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Thời gian vừa đủ lớn để tạo ra sản phẩm cho xã hội và dành thời gian hợp lý để người lao động nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

 - Các điều kiện làm việc khác bao gồm không gian làm việc, ánh sáng tại nơi làm việc, quan hệ giao tiếp tại nơi làm việc, các chế độ đãi ngộ khác mà người lao động được hưởng tại nơi làm việc.

  • Bình đẳng trong công việc luôn gắn với khái niệm bình đẳng giới, bình đẳng nam nữ trong phân công và lựa chọn công việc, bình đẳng trong phân phối thu nhập và cơ hội thăng tiến.
  • Có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cá nhân nghĩa là người lao động có điều kiện tu dưỡng bản thân, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển các khả năng cá nhân như thể thao, văn nghệ, nghiên cứu khoa học.

2.1.3 An toàn tại nơi làm việc hướng tới chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các rủi ro.

  • An toàn tại nơi làm việc là vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động. Việc làm bền vững là việc làm không những  an toàn và vệ sinh tại nơi làm việc mà còn hướng tới chăm sóc sức khỏe cho bản thân người lao động để phục vụ tốt công việc, gia đình và xã hội và phòng ngừa các rủi ro có thể diễn ra.

2.1.4 Quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, xóa bỏ sự phân biệt đối xử về nghề nghiệp  tại nơi làm việc

Các quyền tại nơi làm việc chính là biểu hiện cụ thể của việc làm bền vững, hiện nay việc xây dựng và thực thi quyền của người lao động tại nơi làm việc đã được thực hiện trên toàn thế giới: “Những nguyên tắc của nền kinh tế toàn cầu nên trở thành những mục tiêu về nâng cao các quyền, nghề nghiệp, an toàn và cơ hội cho con người, gia đình và các cộng đồng trên toàn thế giới”[8]. Theo Bộ luật Lao động hiện hành thì quyền của người lao động được quy định cụ thể trong thỏa ước lao động tập thể và được xây dựng thực hiện dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai. Việc xây dựng các quyền tại nơi làm việc chính là sự đảm bảo về quyền lợi của người lao động, xoá bỏ sự phân biệt đối xử về nghề nghiệp và bóc lột sức lao động.

  • Tự do hiệp hội

Tự do hiệp hội là biểu hiện cụ thể của việc làm bền vững. Quyền của người lao động và người sử dụng lao động được hình thành và tham gia vào các hiệp hội là một phần không thể thiếu của nội dung tự do hiệp hội và trong môi trường xã hội mở như hiện nay. Đây là nền tảng của quyền công dân của người lao động và là cơ sở để xây dựng khung chương trình  phát triển kinh tế  xã hội. Tự do hiệp hội là sự thừa nhận đúng đắn của xã hội và chính phủ về quyền thương lượng của tập thể.

  • Xoá bỏ Lao động cưỡng bức

Xóa bỏ lao động cưỡng bức là thiết chế sử dụng lao động trong xã hội hiện đại được các quốc gia thừa nhận và giám sát thi hành, tuy nhiên do hiểu biết của người lao động và việc tiếp cận thông tin không đầy đủ dẫn đến lao động cưỡng bức vẫn tồn tại ở một số nơi.

Để xóa bỏ lao động cưỡng bức cần phải nhấn mạnh vai trò của luật pháp và cơ chế pháp lý để loại bỏ lao động cưỡng bức. Để giải quyết vấn đề này theo cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhận dạng lao động cưỡng bức trong từng công việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Tìm ra và loại bỏ vi phạm quyền lao động, quyền con người.

  • Xoá bỏ  phân biệt đối xử việc làm

Phân biệt đối xử việc làm là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới, vi phạm nhân quyền và phân hóa xã hội. Phân biệt đối xử về việc làm  không những vi phạm những quyền con người cơ bản nhất mà còn gây ra hậu quả về kinh tế và xã hội. Sự phân biệt đối xử sẽ hạn chế các cơ hội của cá nhân và tập thể, lãng phí trí tuệ con người, tạo ra áp lực và sự bất bình đẳng trong xã hội.

  • Xoá bỏ lao động trẻ em

Xoá bỏ lao động trẻ em là yếu tố cấu thành việc làm bền vững vì đó là biểu hiện  của quyền con người. Ngoài ra trẻ em là thế hệ lao động tiếp nối, muốn phát triển việc làm bền vững phải xóa bỏ lao động trẻ em, bảo đảm cho trẻ em nhận được tri thức cần thiết để trở thành người có ích trong việc xây dựng và phát triển việc làm bền vững.

Tuy nhiên hiện nay có hơn 200 triệu trẻ em đang làm việc trên toàn thế giới trong đó rất nhiều là làm cả ngày. Số lao động này chưa được giáo dục đầy đủ, chưa đủ sức khỏe. Trong số 200 triệu trẻ em thì có 12,6 triệu - hoặc cứ 12 trẻ em thì có 1 trẻ em trên thế giới bị vứt bỏ tới những nơi lao động trẻ em nguy hiểm gây tổn hại tới sức khoẻ, tinh thần và sự phát triển trí tuệ[8].

2.2. Tạo việc làm và xúc tiến việc làm

Đây là một nội dung quan trọng trong việc làm bền vững, việc làm bền vững không chỉ tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội nói chung và người lao động nói riêng mà còn tạo ra việc làm mới và xúc tiến tạo việc làm.

 Về mặt kinh tế, tạo việc làm và xúc tiến việc làm góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế của  quốc gia nói chung.

Về mặt xã hội, tạo việc làm và xúc tiến việc làm góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, hạn chế các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh sự phát triển của từng vùng, hướng tới sự bình đẳng trong thu nhập  và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Thực tế cho thấy, bất cứ một quốc gia nào đều có nhu cầu sử dụng hợp lý nguồn lao động của mình để khai thác các nguồn lực và phát triển kinh tế. Sức lao động là một nguồn lực quan trọng, là một trong những yếu tố cơ bản trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Để khai thác tốt các nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng thì mọi chủ trương, đường lối, chính sách trong các lĩnh vực liên quan phải phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng nguồn lực đó. Ngược lại nếu hệ thống pháp lý, chủ trương chính sách không phù hợp thì việc khai thác nguồn lực có thể phản tác dụng thậm chí gây trở ngại, tổn thất cho nền kinh tế.

Tạo việc làm là đưa người lao động vào làm việc, tạo ra trạng thái phù hợp giữa sức lao động và tư liệu sản xuất, tạo ra hàng hoá và dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tạo việc làm không chỉ là nhu cầu chủ quan của người lao động mà còn là đòi hỏi khách quan của xã hội. Quá trình kết hợp sức lao động và điều kiện sản xuất  biểu hiện là quá trình làm việc của người lao động. Người lao động làm việc không chỉ tạo ra thu nhập cho riêng họ mà còn tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Khái niệm việc làm bền vững luôn gắn chặt với khả năng tạo việc làm và xúc tiến việc làm. Bởi vì tính bền vững chỉ được thể hiện khi việc làm được sản sinh ra nhiều hơn, thất nghiệp giảm đi, đời sống của người lao động tăng cao.

2.3. Bảo trợ xã hội. 

Bảo trợ xã hội là một loạt các chính sách, chương trình công và tư được xã hội thực thi để đáp lại nhu cầu nảy sinh trong những tình huống khác nhau để cân bằng sự thiếu hụt hoặc suy giảm đáng kể của thu nhập từ công việc; Mục tiêu của bảo trợ xã hội là các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế, trẻ em ... thông qua việc cung cấp cho mọi người sự chăm sóc về sức khoẻ, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu cơ bản khác.

Mục đích của bảo trợ xã hội là thúc đẩy chăm sóc con người và sự ủng hộ của xã hội trên quy mô rộng lớn. Do vậy bảo trợ xã hội trở nên cần thiết và không thể thiếu trong xã hội hoà bình và hiện đại. Xét về nhiều mặt bảo trợ xã hội góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế.

Bảo trợ xã hội được thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Bảo trợ xã hội là sự phản hồi, hỗ trợ và đáp ứng của xã hội đối với các mất mát rủi ro của các cá nhân trong cộng đồng. Bảo trợ xã hội hướng tới mục tiêu mọi người đều được hưởng các nhu cầu tối thiểu dựa trên các quyền cơ bản của con người. Các nhu cầu này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như khả năng tiếp cận việc làm và thu nhập, phương kế sinh nhai, dịch vụ giáo dục và y tế, dinh dưỡng và nhà ở.

-  Bảo trợ xã hội nhằm tương trợ nhóm yếu thế trong xã hội bao gồm cả nhóm yếu thế hoàn toàn (người già)  và yếu thế một phần để họ duy trì các điều kiện sống tối thiểu theo mặt bằng xã hội.

- Thực thi các hoạt động bảo trợ xã hội đòi hỏi sự triển khai đồng bộ các chính sách từ cấp trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội (các hiệp hội, công đoàn, các tổ chức phi chính phủ), các cá nhân trong cộng đồng.

- Bảo trợ xã hội bao gồm trợ giúp xã hội và bảo hiểm xã hội:

+ Trợ giúp xã hội là các hoạt động công nhằm hỗ trợ các điều kiện cần thiết để  nhóm yếu thế một phần nhận được sự trợ giúp vượt qua hoàn cảnh khó khăn tạm thời mắc phải.

+ Bảo hiểm xã hội là sự trợ giúp về mặt an toàn xã hội, có nguồn tài chính xuất phát từ sự đóng góp của người tham gia bảo hiểm dựa trên các nguyên tắc bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội là hình thức để người tham gia kết hợp nguồn lực của bản thân với nguồn lực của các cá nhân khác có cùng nguyện vọng tham gia bảo hiểm trong cộng đồng.

2.4. Đối thoại xã hội. 

Đối thoại xã hội là công cụ để xây dựng sự đồng thuận và thực hiện các chính sách thông qua việc thúc đẩy sự tham gia và trao quyền cho các cá nhân tham gia và các tổ chức đại diện.

Theo ILO thì đối thoại xã hội bao gồm tất cả các hình thức thương lượng, tham vấn, đàm phán, tư vấn, trao đổi thông tin giữa hai bên hoặc ba bên gồm: đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động về những vấn đề cùng quan tâm để đưa ra sự đồng thuận chung.

Đối thoại xã hội có thể được thực hiện giữa cả ba bên, nhà quản lý là bên trung gian trong quá trình đối thoại. Ngoài ra có thể là quan hệ giữa 2 bên giữa người lao động và người sử dụng lao động (hoặc công đoàn và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động)  mà có hoặc không có sự tham gia của nhà quản lý.

Mục tiêu chính của đối thoại xã hội là thúc đẩy đồng thuận và sự tham gia dân chủ của các bên liên quan. Các cơ cấu đối thoại và quá trình đối thoại nếu thành công có khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội quan trọng, tăng cường vai trò của quản lý của chính phủ, đảm bảo quan hệ lao động và xã hội hài hòa và ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiệu quả của đối thoại xã hội phụ thuộc vào sự tôn trọng quyền cơ bản của tự do hiệp hội và thương lượng tập thể.

Đối thoại xã hội có thể được sử dụng để thu hút sự tham gia của các chủ thể xã hội trong việc xác định tầm nhìn và xây dựng chính sách và chương trình để thực hiện các chiến lược việc làm tổng hợp.

          Hình 1: Các yếu tố cấu thành việc làm bền vững

 

 



 

 

 

 











 

BẢO TRỢ

 XÃ HỘI

 


ĐỐI THOẠI

 XÃ HỘI

 




TẠO VIỆC LÀM

VÀ XÚC TIẾN

VIỆC LÀM

 
 

 

 

 

 

 

 

 

Tóm lại: Việc làm bền vững cho người lao động là mục tiêu của xã hội hiện đại. Kinh nghiệm ở các nước phát triển thì phát triển doanh nghiệp được xem như giải pháp trọng tâm trong việc xây dựng “việc làm bền vững”.

 Đối với các nước đang phát triển, hướng tới “việc làm bền vững” là cơ sở để thoát khỏi tình trạng nghèo đói.

Xây dựng các tiêu chí ràng buộc liên quan hướng tới đạt được “việc làm bền vững” là việc làm mà xã hội mong đợi với các điều kiện làm việc thỏa đáng, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, trẻ em được học hành và không có tình trạng lao động trẻ em, xóa bỏ bất bình đẳng giới tạo điều kiện cho phụ nữ có khả năng lựa chọn và tự quyết định cuộc sống của mình, phát triển kỹ năng của con người để tăng khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường và tạo ra sự thích nghi trong cuộc sống thay đổi, bắt kịp với công nghệ mới và đón nhận các thành quả lao động chính đáng, xây dựng tiếng nói ở nơi làm việc và trong cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Hải Vân (2008) Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và Chiến lược phát triển việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

2. Viện Khoa học lao động xã hội (2010) Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009/10

3.  Ginette Forgues (2007) Local Strategies for Decent Work

4. Overseas Development institutes (2007) Rural employment andmigration in search of decend work

5. Unessco(1998) Học để cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp

6. Http://en.wikipedia.org/wiki/Decent_work Wikipedia

7. Http://www.antoanlaodong.gov.vn

8. Http://www.ilo.org

Tải file VIỆC LÀM BỀN VỮNG TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY tại đây