Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Thiết kế và chế tạo siêu vật liệu metamaterials có dải tần số làm việc rộng
Cơ quan chủ trì Đại học Khoa học
Cơ quan thực hiện Đại học Khoa học
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Vật Lý
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Thị Hiền
Ngày bắt đầu 01/2015
Ngày kết thúc 12/2016

Tổng quan

Một trong những thách thức thú vị của khoa học vật liệu hiện đại là thiết kế và chế tạo vật liệu có những tính chất mà có thể điều khiển được theo yêu cầu. Trong lĩnh vực photonics điều này đã trở thành hiện thực với sự ra đời của tinh thể photonics, đặc biệt là siêu vật liệu metamaterials. Siêu vật liệu metamaterials là những vật liệu nhân tạo, được hình thành từ các cấu trúc cơ bản, đóng vai trò như những “nguyên tử” trong vật liệu. Những “nguyên tử” này được sắp xếp với nhau một cách tuần hoàn hoặc không tuần hoàn, gồm hai thành phần chính đó là thành phần điện và thành phần từ. Các cấu trúc này được thiết kế để tạo ra những tương tác theo mong muốn với trường ngoài. Dựa trên ý tưởng ban đầu, siêu vật liệu metamaterials là sự kết hợp hoàn hảo của hai thành phần điện và từ tạo nên vật liệu đồng thời có độ từ thẩm và độ điện thẩm âm (µ < 0, e < 0) trên cùng một dải tần số. Từ đó dẫn đến những tính chất điện từ và quang học bất thường, trong đó có sự nghịch đảo của định luật Snell, sự nghịch đảo trong dịch chuyển Doppler, và sự nghịch đảo của phát xạ Cherenkov , đặc biệt 3 véc tơ của sóng điện từ: k, H, và E tuân theo qui tắc tam diện nghịch (left-handed metamaterials).

Một trong những điều thú vị và quan trọng nhất của siêu vật liệu metamaterials là cấu trúc của nó có thể được thiết kế và chế tạo để hoạt động trên các dải tần số khác nhau, từ microwave [1] cho tới THz [2-4], hay hồng ngoại gần [5,6] và thậm chí tới vùng ánh sáng nhìn thấy [7-9]. Khả năng hoạt động linh hoạt trong các vùng tần số khác nhau, đặc biệt là vùng THz (the so-called terahertz gap), giúp cho siêu vật liệu có thể thay thế vật liệu tự nhiên trong những ứng dụng mà tại đó vật liệu tự nhiên chưa đáp ứng được.

Có thể kể ra rất nhiều những ứng dụng kì diệu của siêu vật liệu này đã được các nhà khoa học nghiên cứu bằng lý thuyết và chứng minh bằng thực nghiệm.  Một ví dụ thú vị nhất chắc chắn phải kể đến đó là siêu thấu kính (perfect lens) [10]. Siêu thấu kính được đề xuất bởi Pendry liên quan tới khả năng của một loại thấu kính có khả năng vượt qua giới hạn quang học cổ điển. Một ứng dụng đặc biệt khác không thể không nhắc tới đó là “áo khoác tàng hình” được đề xuất và kiểm chứng bởi Schurig và đồng nghiệp năm 2006 [11, 12] tại tần số sóng Rada và rất gần đây (năm 2011) đã được Shuang Zhang [13,14], Baile Zhang [15] và cộng sự tìm thấy ở vùng ánh sáng nhìn thấy. Bằng cách điều khiển khéo léo tính chất điện từ của lớp vỏ siêu vật liệu, đường đi của sóng điện từ trong lớp vỏ này có thể bị bẻ cong một cách hoàn hảo. Theo nguyên lý đó, một lớp vỏ siêu vật liệu có thể dẫn sóng điện từ đi vòng quanh một vật thể, biến nó trở thành “tàng hình” một cách thực sự. Ngoài những ứng dụng kì diệu rõ ràng kể trên, siêu vật liệu còn tỏ ra rất tiềm năng trong các lĩnh vực khác như bộ lọc tần số [16], cộng hưởng [17], antennas [18], siêu hấp thụ [19,20], và cảm biến sinh học [21] v v.

Vì những tính chất độc đáo và khả năng ứng dụng to lớn của siêu vật liệu, gần đây, tạp chí Materials Today đã xếp siêu vật liệu vào 1 trong 10 lĩnh vực có tác động mạnh mẽ làm thay đổi nền khoa học thế giới trong 50 năm trở lại đây. Thực tế, số lượng các nhà khoa học nghiên cứu về siêu vật liệu và số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được công bố liên quan đến siêu vật liệu đã tăng đột biến.

Cho đến thời điểm này những hiểu biết cơ bản về siêu vật liệu đã được chứng minh không những bằng lý thuyết mà còn bằng thực nghiệm một cách độc lập bởi nhiều nhóm khoa học trên thế giới. Một số phòng thí nghiệm trên thế giới đã chế tạo thành công siêu vật liệu hoạt động ở những dải tần số khác nhau từ GHz [1] tới THz, thậm trí hoạt động ở vùng tần số cao hơn [7-9]. Những nghiên cứu về siêu vật liệu vẫn ngày một nhiều và những ảnh hưởng to lớn của nó đối với khoa học thế giới có thể sẽ rất khó tưởng tượng. Vì tính chất của siêu vật liệu rất phụ thuộc vào hình dạng cấu trúc, do vậy bên cạnh những ứng dụng độc đáo như siêu thấu kính, tàng hình, sen sơ sinh học…, gần đây một tính chất thú vị khác nữa của siêu vật liệu đã được phát hiện đó là khả năng siêu hấp thụ và không phản xạ của loại vật liệu này [22,23]. Với tính chất đặc biệt này, siêu vật liệu hứa hẹn sẽ có thêm nhiều ứng dụng khác nữa trong thực tế như: thiết bị khoa học, y tế, pin năng lượng và đặc biệt trong lĩnh vực quân sự (thay đổi hướng đi của sóng điện từ, tàng hình ảnh nhiệt, tác chiến đêm). Để khai thác khả năng ứng dụng tính chất đặt biệt của vật liệu này, các nhà khoa học trên thế giới ngày càng tập trung nghiên cứu một cách mạnh mẽ. 

Tính cấp thiết

Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng vật liệu mới và năng lượng mới. Ngày nay việc nghiên cứu vật liệu để tìm ra các loại vật liệu tốt hơn, rẻ hơn thay thế cho các vật liệu truyền thống đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Nghiên cứu vật liệu mới còn nhằm mục đích chế tạo ra những vật liệu có tính chất khác biệt, tốt hơn nhiều so với vật liệu trong tự nhiên, có tiềm năng ứng dụng lớn. Những năm gần đây (từ năm 2000), siêu vật liệu (metamaterials - MMs) nổi lên như một lĩnh vực rất tiềm năng trong nghiên cứu vật liệu mới. MMs với định nghĩa là “vật liệu có cấu trúc nhân tạo được sắp xếp tuần hoàn bởi những phần tử cơ bản có cấu trúc nhân tạo” với mục đích đạt được những tính chất điện từ bất thường không tồn tại trong tự nhiên và có những tính chất độc đáo và tiềm năng ứng dụng cực kì to lớn.

Hiện nay có nhiều hướng nghiên cứu khác nhau về MMs. Loại MMs được nghiên cứu đầu tiên và nhiều nhất là MMs chiết suất âm (negative refractive index). MMs chiết suất âm được chế tạo thành công lần đầu tiên năm 2000 bởi Smith [1], tính chất của nó được tiên đoán về mặt lý thuyết vào năm 1968 bởi Veselago [2]. MMs chiết suất âm có nhiều tính chất vật lý thú vị như: tia khúc xạ và tia tới nằm ở cùng một phía so với pháp tuyến, ba vectơ  của sóng điện từ lan truyền trong môi trường này tạo thành tam diện nghịch, vectơ Poynting  và vectơ sóng  ngược chiều nhau, hiệu ứng Doppler bị đảo ngược ... Bên cạnh MMs có chiết suất âm, MMs hấp thụ hoàn hảo sóng điện từ cũng đang là một hướng được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Ngoài những tính chất đặc biệt kể trên, rất nhiều ứng dụng khác nhau của vật liệu MMs đã được đề xuất và được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của vật liệu này là siêu thấu kính được đề xuất bởi Pendry vào năm 2000 [3], sau đó đã được Zhang và các cộng sự chế tạo thành công năm 2005 [4]. Gần đây, một ứng dụng độc đáo khác nữa là sử dụng vật liệu metamaterials như là “áo choàng” để che chắn sóng điện từ (electromagnetic cloaking), được đề xuất và kiểm chứng bởi Schurig và cộng sự năm 2006 [5]. Bằng việc điều chỉnh các tham số hiệu dụng µε một cách hợp lý, đường đi của các tia sáng bị uốn cong khi truyền trong vật liệu đồng thời không bị phản xạ cũng như tán xạ. Do vậy, vật liệu này hứa hẹn sẽ được dùng để chế tạo vật liệu tàng hình. Bên cạnh đó, một loạt các ứng dụng quan trọng khác cũng đã được các nhà khoa học đề xuất và tập trung đi sâu nghiên cứu như bộ lọc tần số, bộ cộng hưởng, sensor... Vì những tính chất đặc biệt và khả năng ứng dụng to lớn này, vật liệu có chiết suất âm ngày càng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu một cách mạnh mẽ. Nghiên cứu về MMs những năm gần đây trên thế giới cực kì sôi động và thu được nhiều kết quả thú vị. Hiện nay MMs có thể được thiết kế và chế tạo để hoạt động trên các dải tần số mong muốn khác nhau, từ microwave tới vùng ánh sáng nhìn thấy [7-10].

Ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Vũ Đình Lãm, Viện Khoa học Vật liệu -Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nhóm tiên phong nghiên cứu về MMs đã thu được khá nhiều kết quả và đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế [11-14]. Ngoài ra nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh thuộc Khoa Vật lý - Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một nhóm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để đưa MMs vào ứng dụng trong thực tế, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách thỏa đáng như: nghiên cứu bản chất sự tương tác của siêu vật liệu với trường điện từ, tìm kiếm cấu trúc có dải tần số làm việc rộng, khả năng điều khiển tính chất của siêu vật liệu bằng các tác động ngoại vi, siêu vật liệu làm việc ở vùng tần số cao...Đề tài sẽ đi sâu nghiên cứu để giải quyết một trong những vấn đề này.

Mục tiêu

- Xây dựng chương trình tính toán các tham số hiệu dụng của siêu vật liệu (độ từ thẩm µ, độ điện thẩm ε, chiết suất n, trở kháng z).

- Thiết kế và chế tạo siêu vật liệu - metamaterials có dải tần số làm việc rộng.

Nội dung

Nội dung 1: Xây dựng chương trình tính toán các tham số hiệu dụng

-         Tìm hiểu thuật toán đề xuất bởi Chen.

-         Dựa trên thuật toán của Chen xây dựng chương trình tính toán các tham số hiệu dụng ( độ từ thẩm µ, độ điện thẩm ε, chiết suất n, trở kháng z).

-         Kiểm tra độ chính xác của chương trình sau khi xây dựng được.

Nội dụng 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc và các tham số cấu trúc lên tính chất điện từ của vật liệu

-         Nghiên cứu ảnh hưởng của các dạng cấu trúc khác nhau lên tính chất điện từ của vật liệu.

-         Tìm kiếm vật liệu MMs có cấu trúc đơn giản, đối xứng cao.

-         Nghiên cứu ảnh hưởng của tham số cấu trúc lên tính chất của vật liệu.

Nội dung 3: Tối ưu hóa cấu trúc nhằm mở rộng dải tần số hoạt động của siêu vật liệu

-         Tìm kiếm cấu trúc có vùng tần số làm việc rộng (broadband).

-         Nghiên cứu ảnh hưởng của các tham số cấu trúc đến việc mở rộng vùng tần số hoạt động của MMs.

-         Tối ưu hóa các tham số cấu trúc để thu được dải tần hoạt động là rộng nhất.

Tải file Thiết kế và chế tạo siêu vật liệu metamaterials có dải tần số làm việc rộng tại đây

PP nghiên cứu

Đề tài sẽ được tiến hành dựa trên sự kết hợp giữa lý thuyết, mô hình hóa và thực nghiệm.

Hiệu quả KTXH

Có thể dùng ngụy trang trong quân sự..

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*