Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Nghiên cứu thực trạng sử dụng trò chơi dân gian trong giáo dục học sinh các trường tiểu học khu vực miền núi
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Giáo dục học - Tâm lý học
Chủ nhiệm(*) Hà Thị Kim Linh
Ngày bắt đầu 01/2008
Ngày kết thúc 12/2009

Tổng quan

1. Những nghiên cứu trên thế giới

1.1. Nghiên cứu về trò chơi và sử dụng trò chơi trong giáo dục học sinh.

 * Nghiên cứu về bản chất của hoạt động chơi

Xác định bản chất hoạt động chơi là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu về lĩnh vực hoạt động vui chơi, đặc biệt là trò chơi con trẻ. Những năm 30 của thế kỉ  XX các nhà tâm lí học, giáo dục học Xô Viết đã đưa ra một cái nhìn mới về bản chất tâm lí người nói chung và hoạt động chơi nói riêng. Bằng những lập luận khoa học, họ đã chứng minh sự xuất hiện của trò chơi như hình thức cụ thể của hoạt động chơi, gắn liền với lao động ở giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người. Các nhà khoa học giai đoạn này đã làm sáng tỏ nguồn gốc xã hội của trò chơi, hoạt động chơi của con người gắn liền với lao động ở những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người. Nội dung trò chơi phản ánh cuộc sống xã hội của con người, trên cơ sở đó làm rõ bản chất xã hội của trò chơi nói chung và hoạt động chơi nói riêng.

Vào những năm 40, các cộng sự và học trò của L.X.Vưgôtxki, Đ.B.Elcônhin, A.V. Zaparogiet, A.N.Leonchiep,... đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu về hoạt động chơi của học sinh nhỏ. điển hình là những công trình nghiên cứu của L.X.Xlavina; L.A.Gersezon;.... tiến hành dựa trên quan điểm duy vật biện chứng, bắt đầu từ những hoạt động có thực của trẻ để từ đó hiểu những biến đổi tương ứng trong ý thức của trẻ và sau đó tìm hiểu những ảnh hưởng trở lại của sự thay đổi ý thức đối với sự phát triển tiếp theo của hoạt động. Từ đó các nhà khoa học đi đến kết luận: hoạt động chơi không nảy sinh một cách tự phát mà do những ảnh hưởng có ý thức hoặc không ý thức từ phía người lớn, bạn bè xung quanh trong đó giao tiếp xã hội đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển hoạt động chơi của trẻ.

* Nghiên cứu về chức năng giáo dục của trò chơi:

Đối với trẻ nhỏ thì trò chơi là phương tiện và đồng thời cũng là con đường để đứa trẻ lĩnh hội tri thức và khám phá thế giới xung quanh nó, những luận điểm này mãi cho đến những năm 30 của thế kỉ XX mới được các nhà khoa học làm sáng tỏ. Trong những công trình nghiên cứu của mình,  L.X Vưgôtxki đã lí giải và phân tích vai trò của hoạt động chơi nhất là dưới dạng các trò chơi mô phỏng, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của mình ông đã chỉ ra: chính những trò chơi mô phỏng tạo ra vùng  "cận phát triển", là điều kiện đầu tiên thuận lợi nhất cho sự hình thành và phát triển nhân cách,  "hoàn cảnh chơi"  mang tính tưởng tượng là con đường dẫn tới trừu tượng hoá; việc thực hiện các qui tắc chơi là trường học rèn luyện các phẩm chất ý chí, phẩm chất đạo đức. Từ những luận điểm trên đây tiếp tục cho những hướng nghiên cứu mới đặc biệt là nghiên cứu sử dụng trò chơi nhằm mục đích giáo dục trẻ về nhiều mặt. Nhiều công trình nghiên cứu theo hướng nghiên cứu này được ra đời như "Giáo dục trẻ trong trò chơi" của Đ.B Menđgieritxkaia, ...

 * Về vấn đề phân loại trò chơi:

J.Piagie bắt đầu học thuyết phát triển trí tuệ  dựa trên những hình mẫu về trò chơi mà ông quan sát được ở 3 đứa con của mình trong cuốn “Play, Dreams and Imitation in childhood” ( 1945). Theo J. Piagie các trò chơi lần luợt xuất hiện trong đời sống cá thể trò chơi – hành động chức năng; trò chơi tượng trưng; trò chơi với các qui luật. Sự phát triển của trò chơi theo cách mà J. Piagie chỉ ra được xem là cách phân loại phổ biến trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ. Các giai đoạn phát triển trò chơi của trẻ nhỏ được S.Smilanski bổ sung và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu cũng như trong thực tiễn công tác giáo dục trẻ nhỏ ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

1.2. Nghiên cứu về tổ chức HĐGDNGLL

Nghiên cứu về hoạt động GDNGLL đã được Ilina đề cập đến hoạt động ngoại khóa với tư cách là một trong các con đường giáo dục đạo đức, giáo dục lao động, giáo dục thẩm mĩ, thực hiện nhiệm vụ giáo dục bổ trợ cho các hình thức giáo dục khác trong nhà trường XHCN [22, tr.137].

2. Những nghiên cứu  trong nước

2.1. Nghiên cứu về trò chơi ở Việt Nam:

Nghiên cứu về trò chơi và vai trò của trò chơi đối với sự phát triển của học sinh nhỏ được một số nhà khoa học trong nước đề cập đến dưới góc độ nghiên cứu tâm lí học và giáo dục học: PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết trong tác phẩm  "Trò chơi của trẻ em" đã giới thiệu về khái niệm chơi, đồ chơi và vai trò của đồ chơi, sự phân loại các trò chơi và tác dụng giáo dục của trò chơi đối với sự phát triển toàn diện của trẻ lứa tuổi mẫu giáo; tập trung nghiên cứu khai thác trò chơi với tư cách là một phương pháp, phương tiện phát triển trí tuệ cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo có các tác giả: Nguyền Thị Hoà; Nguyễn Thị Thu Hiền; Vũ Thị Ngân [17, 18, 24]

Nghiên cứu vận dụng trò chơi vào công tác giáo dục học sinh trong nhà trường  tiểu học được các nhà khoa học trong nước tập trung nghiên cứu với tư cách là phương pháp và hình thức dạy học có tác giả Lưu Thu Thuỷ  và Nguyễn Hữu Hợp đề cập đến trò chơi với tư cách là một trong các phương pháp dạy học môn Đạo đức trong nhà trường tiểu học được thể hiện trong cuốn " Đạo đức và phương pháp giáo dục Đạo đức" .

- Nghiên cứu TCDG và TCDG trong công tác giáo dục học sinh:

Nằm trong hệ thống phân loại của trò chơi cóTCDG, thực tế TCDG tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau nhưng trong hệ thống phân loại thì mỗi loại trò chơi được phân biệt bởi những dấu hiệu đặc trưng riêng, dựa trên cách tiếp cận khác nhau về phân loại trò chơi.

TCDG và tổ chức cho học sinh chơi các TCDG có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách con người. TCDG trước hết thể hiện nét văn hoá dân tộc, phản ánh đời sống sinh hoạt của một cộng đồng người trong lịch sử phát triển, hơn nữa nó mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Từ trước đến nay việc nghiên cứu về TCDG, sử dụng TCDG đã thu hút các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu tuy nhiên chủ yếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực sưu tầm và giới thiệu. Tác giả Lê Anh Thơ trong công trình nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu sử dụng một số trò chơi vận động dân gian trong giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 3 -  5 tuổi" đã đề cập đến vấn đề sử dụng TCDG như là phương tiện phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo trên cơ sở nghiên cứu, triển khai thực nghiệm một số TCDG vận động phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo giai đoạn 3 – 5 tuổi;  Tác giả Lê Thị Ninh với công trình "Thử cải tiến một số trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo" theo hướng nghiên cứu cải tiến cách thức tác động trong sử dụng một số TCDG đối với trẻ nhỏ kích thích hứng thú hoạt động ở trẻ. Tác giả Nguyễn Thị Vân Hương với bài viết "Tổ chức trò chơi dân gian nhằm giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học" đã đề cập tới công tác giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học thông qua tổ chức, sử dụng các TCDG [22]; ở khía cạnh tiếp cận văn hoá dân gian tác giả Đỗ Thị Hoà đã mạnh dạn đưa ra một cách nhìn về vai trò của TCDG và việc bảo tồn loại hình trò chơi này trong giai đoạn hiện nay "Một vài kiến nghị về việc bảo tồn các trò chơi dân gian trẻ em trong nhà trường hiện nay", Tạp chí văn hoá dân gian, số 6, năm 2004). Cùng với xu thế phát triển của kinh tế xã hội, văn hoá và đặc biệt là sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, trẻ nhỏ ngày nay còn được tiếp cận với những trò chơi điện tử hiện đại. Ở những khu vực kinh tế phát triển, khu đô thị, thành phố các TCDG đang mất dần vị thế bởi sự thế chỗ của các trò chơi điện tử. Một số các em học sinh có thể ngồi bên máy vi tính hàng giờ đồng hồ, thậm chí nhiều giờ đồng hồ liền để chơi các trò chơi điện tử hiện đại [10]. TCDG đang dần mất đi vai trò và vị thế trong xã hội hiện đại, biểu hiện rõ nét nhất của vấn đề này là sự hiện diện của số đông học sinh tại các quán net ngoài cổng trường ngoài giờ học, thậm chí một số không ít các em trốn học để có thời gian chơi game.

2.2.  Nghiên cứu về tổ chức HĐGDNGLL

Các nhà giáo dục khi đi nghiên cứu các nhiệm vụ giáo dục đã nhận thấy rằng giáo dục thông qua hệ thống giáo dục quốc dân không chỉ là quá trình giáo dục được diễn ra trong không gian lớp học, trong mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh, trên thực tế bất kì một loại hình hoạt động nào, một tác động sư phạm nhất định từ phía giáo dục nhà trường đều nhằm mục đích giúp thế hệ trẻ chiếm lĩnh một đối tượng văn hóa vật chất hoặc tinh thần.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa môn Tự nhiên – Xã hội lớp 3 nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục môi trường cho học sinh đã được tác giả Nguyễn Thị Thu Hường đề cập đến trong luận văn thạc sĩ của mình [21]. Hay như tiếp cận đổi mới hoạt động ngoại khóa như là phương pháp dạy học môn Đạo đức ở tiểu học được tác giả Vũ Minh Tuấn tiếp cận nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ [34].

Tổ chức HĐGDNGLL trong trường tiểu học được tiếp cận nghiên cứu trên phương diện tổ chức hoạt động, hình thức tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục nhân cách học sinh, nhiệm vụ giáo dục bậc học. Tác giả Huỳnh Thị Thu Hằng trong công trình khoa học “ Giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học thông qua HĐGDNGLL” đã tiếp cận HĐGDNGLL với tư cách là con đường thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học.

Tính cấp thiết

Hiện nay thế giới đang diễn ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, văn hoá, khoa học,... trong đó sự giao thoa giữa các nền văn hoá giữa các nước trong khu vực và trên thế giới là một tất yếu. Đại hội Đảng VIII khẳng định "Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội,. ...phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội". Điều này được cụ thể hoá trong xác định mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của nước ta trong giai đoạn hiện nay, Đảng và nhà nước khẳng định “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại" [7]

Giáo dục trang bị cho thế hệ trẻ một hệ thống giá trị, năng lực và khả năng phù hợp với sự phát triển của một xã hội hiện đại đồng thời đảm bảo phát huy những giá trị truyền thống của người Việt Nam, điều này đã được khẳng định trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đồng thời là nhiệm vụ, nội dung công tác giáo dục thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề giáo dục năng lực, phẩm chất đạo đức của con người mới, đặc biệt là nét văn hoá mang bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ trong xu thế phát triển toàn cầu hiện nay là vô cùng quan trọng, cần thiết đồng thời là sứ mạng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà được khẳng định trong  mục tiêu giáo dục  "đào tạo con người phát triển toàn diện, có  đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc” [8]

  Nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, giáo dục phổ thông giữ vai trò nền tảng "Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hoá của một nước, là sức mạnh tương lai của một dân tộc" ( NQ Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng về CCGD). Vị trí quan trọng ấy của giáo dục phổ thông "trước hết đặt vào giáo dục tiểu học. Bởi vì giáo dục tiểu học là cơ sở, là nền móng để trên đó xây dựng nên nền tảng văn  hoá của đất nước" [19, tr.12]. Giáo dục học sinh trong nhà trường tiểu học thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục lao động cho học sinh nhằm hình thành ở các em những cơ sở ban đầu cho sự phát triển nhân cách con người toàn diện hướng đến thực hiện mục tiêu của bậc học nhằm " Phát triển những đặc tính tự nhiên tốt đẹp của trẻ em, hình thành ở học sinh lòng ham hiểu biết và những đức tính, kĩ năng cơ bản đầu tiên để tạo hứng thú học tập và học tập tốt". 

 Sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh là một quá trình diễn ra dưới các tác động giáo dục và dạy học được tổ chức và thực hiện ở nhà trường, gia đình và xã hội; là quá trình bắt đầu đối với mỗi người ngay khi họ tham gia vào xã hội loài người. Học sinh lứa tuổi tiểu học là một giai đoạn cụ thể tham gia vào quá trình xã hội hoá cá nhân với tư cách là thành viên xã hội trong đó hoạt động vui chơi là một nhu cầu không thể thiếu đối với các em bởi nó cần thiết cho sự phát tiển tâm lí, thể lực, nhân cách các em. Tổ chức cho học sinh tiểu học tham gia vào các loại hình trò chơi có mục đích, có kế hoạch giữ vai trò to lớn trong thực hiện mục tiêu giáo dục của bậc học nói chung, mục tiêu phát triển nhân cách nói riêng.

Ngày nay trong công tác giáo dục học sinh tiểu học trò chơi đã được đưa vào vận dụng trên phương diện phương pháp dạy học – phương pháp dạy học thông qua trò chơi như sử dụng phương pháp dạy học bằng trò chơi trong dạy học môn Đạo đức, Tự  nhiên và xã hội, Toán,... Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ điện tử, tin học,... làm xuất hiện một số trò chơi hiện đại, trò chơi điện tử có tác dụng mạnh mẽ và trực tiếp đến nhu cầu vui chơi của trẻ, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ cùng với đó là sự mất dần vai trò và vị thế của các trò chơi dân gian trong đời sống trẻ thơ trong giai đoạn hiện nay.

Trò chơi dân gian (TCDG) phản ánh nét văn hoá cộng đồng của dân tộc, khu vực hoặc vùng miền vì thế việc tổ chức cho các em học sinh nhỏ chơi các TCDG là một trong những cách thức giáo dục, hình thành nét nhân cách mang bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ "giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, ... tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc.." ngày 17/11/2008 Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định về ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam là ngày 19/ 04 hàng năm.

Hiện nay việc nghiên cứu nhằm xây dựng và phát triển hệ thống các phương pháp, biện pháp tác động đồng bộ, hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh các trường tiểu học đã và đang thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường tiểu học được thực hiện thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học trong và ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên còn rất ít những công trình nghiên cứu khoa học đề cập và khai thác mang tính hệ thống về các trò chơi dân gian trong giáo dục học sinh lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là những nghiên cứu về ảnh hưởng của trò chơi dân gian đối với việc hình thành nét nhân cách mang bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ. Thực tế, việc sử dụng các TCDG trong nhà trường chỉ được khai thác tập trung với tư cách là một trong các phương pháp phát triển vận động cho trẻ nhỏ. Xuất phát từ những vấn đề trên chúng tôi chọn đề tài “Nghiên cứu thực trạng sử dụng trò chơi dân gian trong giáo dục học sinh các trường tiểu học khu vực miền núi”.

Mục tiêu

 Tìm hiểu thực trạng sử dụng trò chơi dân gian trong công tác giáo dục học sinh tại một số trường tiểu học khu vực miền núi, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng TCDG trong trường tiểu học.

Nội dung

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1 Một số vấn đề lí luận về trò chơi dân gian

1.1.1 Những khái niệm cơ bản

1.1.2 Trò chơi dân gian Việt Nam

1.1.2.1 Đặc điểm TCDG

1.1.2.2 Phân loại TCDG

1.1.2.3 TCDG đối với học sinh tiểu học

1.2 Tổ chức HĐGDNGLL cho học sinh tiểu học lớp 3, lớp 4

1.2.1 Khái niệm HĐGDNGLL

1.2.2 Vị trí, vai trò của HĐGDNGLL ở trường tiểu học

1.2.3 Nhiệm vụ, nội dung của HĐGDNGLL ở trường tiểu học

1.2.4 Hình thức tổ chức HĐGDGLL ở trường tiểu học

1.3 Sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL cho học sinh

1.3.1 Đặc điểm của học sinh tiểu học lớp 3, 4

1.3.2 TCDG và sự phát triển nhân cách học sinh tiểu học

1.3.3 Ưu thế của TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL

1.3.4 Sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDGLL

1.4 Tiểu kết

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG TCDG TRONG

2.1 Mục đích, nội dung, phương pháp và đối tượng khảo sát

2.2 Kết quả nghiên cứu thực trạng

2.2.1 Thực trạng nhận thức về sử dụng TCDG trong trường tiểu học

2.2.1.1 Nhận thức về TCDG

2.2.1.2 Nhận thức về HĐGDNGLL

2.2.1.3 Nhận thức sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL trong trường tiểu học

2.2.2 Thực trạng sử dụng TCG trong tổ chức HĐGDNGLL cho học sinh tiểu học

2.2.2.1 Thực trạng tổ chức TCDG

2.2.2.2 Hình thức vận dụng TCDG

2.2.2.3 Thực trạng tổ chức TCDG theo chủ điểm giáo dục

2.2.2.4 Khó khăn trong sử dụng TCDG thực hiện HĐGDNGLL

3. Biện pháp sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL ở trường tiểu học

3.1 Những căn cứ xây dựng biện pháp sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL ở trường tiểu học

3.2 Biện pháp sử dụng TCDG trong tổ chức HĐGDNGLL trong trường tiểu học

3.2.1 Nhóm biện pháp nâng cao cơ sở vật chất trong sử dụngTCDG

3.2.2 Nhóm biện pháp bồi dưỡng GV tiểu học

3.2.3 Nhóm biện pháp xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức vận dụng TCDG trong HĐGDNGLL

2.3.3 Tổ chức khảo nghiệm các BP sử dụng TCDG

2.4 Tiểu kết

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 

1. Kết luận

2. Khuyến nghị

Tải file Nghiên cứu thực trạng sử dụng trò chơi dân gian trong giáo dục học sinh các trường tiểu học khu vực miền núi tại đây

PP nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết

- Phân tích, so sánh, hệ thống hoá các vấn đề lí luận từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến sử dụng trò chơi và trò chơi dân gian, các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động GDNGLL trong trường tiểu học.

- Nghiên cứu các văn bản và chỉ thị giáo dục về tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học trong trường tiểu học, nghiên cứu chương trình giáo dục của bậc tiểu học, xác định cơ sở pháp lý của việc đề xuất các biện pháp sử dụng TCDG trong nhà trường tiểu học hiện nay  

2. Nhóm các phương pháp nghiên cứu thực tiễn

- Phương pháp điều tra bằng anket nhăm khảo sát ý kiến của giáo viên tiểu học, cán bộ quản lý, các em học sinh tiểu học về thực trạng quá trình sử dụng TCDG trong tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh tiểu học, những vấn đề liên quan đến sử dụng TCDG, tổ chức HĐGDNGLL và biện pháp tổ chức HĐGDNGLL trong trường tiểu học.

- Quan sát và ghi chép có biên bản nhận xét đánh giá đối với những hoạt động có sử dụng TCDG, trong tổ chức các HĐGDNGLL, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.

- Đàm thoại với GV và HS để tìm hiểu tìm hiểu những những nội dung liên quan đến sử dụng TCDG trong quá trình tổ chức hoạt động GDNGLL cho các em học sinh tiểu học.

- Lấy ý kiến tham góp của các chuyên gia thông qua tổ chức hội thảo nội bộ đề tài về các nội dung nghiên cứu của đề tài, lấy ý kiến chuyên gia đối với bộ công cụ khảo sát.

- Tổ chức khảo nghiệm về tính khả thi của các biện biện pháp sử dụng TCDG trong tổ chức hoạt động GDNGLL trong nhà trường tiểu học.

- Nghiên cứu sản phẩm: Nghiên cứu kế hoạch tổ chức HĐGDNGLL của giáo viên, nghiên cứu kế hoạch tổ chức cho học sinh chơi TCDG; Nghiên cứu văn bản, kế hoạch của nhà trường về công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức HĐGDNGLL, việc tổ chức các TCDG trong nhàtrường.

- Sử dụng phương pháp thống kê toán học để xử lý kết quả khảo sát thực trạng đề tài, xử lý kết quả khảo nghiệm các biện pháp mà đề tài đã xây dựng.

Hiệu quả KTXH

Những nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra về mặt khoa học và thực tiễn  sự ảnh hưởng nhất định của trò chơi dân gian đến sự phát triển nhân cách học sinh nhỏ. Nhận diện trò chơi dân gian trong xã hội hiện đại, vai trò của nó đối với sự hình thành và phát triển nhân cách văn hóa.

- Những kết quả nghiên cứu về mặt lý thuyết đã bổ sung thêm hệ thống lý luận về trò chơi nói chung, trò chơi dân gian nói riêng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy các học phần cho sinh viên.

 

ĐV sử dụng

Những kết quả nghiên cứu về mặt lý luận cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc nghiên cứu về trò chơi dân gian nói riêng, phục vụ việc giảng dạy và học tập của sinh viên khoa Tâm lý giáo dục, sinh viên khoa Đào tạo giáo viên mầm non, làm tài liệu tham khảo cho sinh viên tiểu học về tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường tiểu học.

          Những nghiên thực tiễn góp phần cung cấp cho các nhà nghiên cứu cơ sở thực tiễn về trò chơi dân gian đối với học sinh nhỏ hiện nay, thực trạng tổ chức các trò chơi dân gian trong trường tiểu học phục vụ công tác nghiên cứu, triển khai tổ chức trò chơi dân gian ở cấp độ sâu, rộng.

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia
1 Nguyễn Thị Kim An
2 Lê Công Thành
3 Nguyễn Thị Mẫn
4 Lê Thùy Linh
5 Ngô Giang Nam

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(2)

cac tro choi dan gian hien dai

cac tro choi ay duoc dung vao nhung viec nao ?

(09/12/2012 15:02:02)
 
trang su tai ba

toi muon choi tro choi trang su tai ba nhung ma toi vo hoai khong duoc

(10/11/2012 10:03:38)
 

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*