Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Giải pháp phát triển môi trường làm việc cho giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Giáo dục học - Tâm lý học
Chủ nhiệm(*) Phạm Hồng Quang
Ngày bắt đầu 01/2014
Ngày kết thúc 12/2015

Tổng quan

Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Hướng thứ nhất: Môi trường làm việc được khai thác dưới góc độ môi trường giáo dục và văn hóa nhà trường

PGS.TS Phạm Hồng Quang, NXBGD năm 2006 Môi trường Giáo dục, tác giả phân tích môi trường giáo dục gồm môi trường trong nhà trường và môi trường ngoài nhà trường, cả hai môi trường đó đều ảnh hưởng tới môi trường dạy học của giáo viên và môi trường học tập của học sinh, tác giả đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tích cực và những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường dạy học, giáo dục. Đồng thời đề xuất các biện pháp phát triển môi trường văn hóa giáo dục nhà trường.

  Lê Thị Ngoãn (ĐHSP- ĐHTN năm 2010)  nghiên cứu: Biện pháp xây dựng văn hóa nhà trường ở trường Cao Đẳng Công Nghiệp Nam Định, tác giả khai thác môi trường dưới dạng xây dựng văn hóa nhà trường ở trường chuyên nghiệp.

 Nhân Thị Nga (2010) Nghiên cứu: Xây dựng văn hóa học tập ở trường THPT Ngọc Hà tỉnh Hà Giang, tác giả khai thác các biện pháp phát triển môi trường học tập của học sinh gắn liền với các biện pháp phát triển môi trường dạy học.

Vũ Nhật Quang (2010) nghiên cứu: Biện pháp chỉ đạo xây dựng môi trường học tập thân thiện ở các trường Tiểu học Huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh.

Nông Thị Hiếu (2011) nghiên cứu:  Xây dựng môi trường học tập thân thiện ở trường tiểu học huyện Hòa An – tỉnh Cao Bằng.

Phạm Duy Hưng (2011) nghiên cứu: Xây dựng môi trường học tập thân thiện ở trường tiểu học vùng khó khăn tỉnh Băc Cạn.

Lưu Văn Mùi (2012) nghiên cứu: Xây dựng văn hóa nhà trường ở các trường THPT huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh

Môi trường dạy học và học tập ở đây được nghiên cứu theo cách tiếp cận văn hóa trường học bao gồm cả các yếu tố hữu hình và yếu tố vô hình, nó là điều kiện tạo nên chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Hướng thứ hai: Môi trường làm việc được khai thác dưới góc độ mối quan hệ tương tác giữa các thành viên trong nhà trường và trong tổ chức.

Tác giả Lưu Thị Yến - Viện Y học LĐ và VSMT đã nghiên cứu “Đánh giá môi trường làm việc công ty điện thoại, điện báo bưu điện tỉnh và đề xuất giải pháp cải thiện”. Môi trường làm việc được khai thác dưới góc độ cơ quan làm việc của đơn vị sự nghiệp ngoài nhà trường. Cùng với hướng nghiên cứu đó còn có rất nhiều đề tài khác không thuộc ngành giáo dục nghiên cứu về môi trường làm việc trong các tổ chức và đề xuất các biện pháp xây dựng văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong tổ chức để tạo môi trường làm việc cho cán bộ,nhân viên.

Tác giả Lê Thị Mai nghiên cứu về “Quan hệ tương tác và vai trò nhóm không chính thức trong môi trường làm việc” đã chỉ ra vai trò của quan hệ tương tác giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, tập thể trong tạo môi trường làm việc cho mỗi thành viên trong tập thể đó.

Nguyễn Thị Thu Hà (2010) Tạo môi trường làm việc thân thiện nhằm thu hút nguồn nhân lực KH & CN về công nghệ sinh học trong y học (Nghiên cứu trường hợp Học viện Quân y) đã chỉ ra thực trạng môi trường làm việc và những biện pháp tạo môi trường làm việc nhằm thu hút nguồn nhân lực KH&CN trong Y học nhằm nâng cao năng lực, nguồn lực cho  Quân Y.

Mông Thị Hường (2013) nghiên cứu môi trường dạy học tích cực và phát triển môi trường dạy học tích cực ở trường ĐHKTCN Thái Nguyên, đề tài chỉ ra những yếu tố tạo thành môi trường dạy học tích cực và những biện pháp phát triển môi trường dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Tính cấp thiết

Môi trường làm việc là một khái niệm rộng bao gồm tất cả những gì có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển, nâng cao năng lực công tác của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức (bao gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài). Môi trường làm việc đối với cán bộ, công chức ( được tiếp cận là môi trường bên trong) bao gồm cơ sở vật chất, tinh thần, chế độ chính sách, mối quan hệ giữa lãnh đạo đối với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Môi trường làm việc tốt là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cán bộ, công chức cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực tế cho thấy không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị có môi trường làm việc không tốt dẫn đến những hậu quả có thể nhìn thấy được như: chất lượng, hiệu quả làm việc kém; mất đoàn kết nội bộ; thậm chí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan đơn vị khác….

Để xây dựng một môi trường làm việc tốt, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là đối với người phụ trách phải xác định đây là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu song song với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đối với nhà trường xây dựng môi trường làm việc cho giáo viên là một nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Môi trường làm việc liên quan đến công việc đơn vị phải bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất như phòng làm việc, bàn, ghế, điện thoại, máy vi tính… và các văn phòng phẩm khác phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của người giáo viên và cán bộ quản lý. Tùy theo điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị để trang bị cho cán bộ, công chức nhưng phải đảm bảo các yếu tố của một cơ quan, công sở và là một đơn vị trường học.

Để tạo môi trường làm việc điều quan trọng hơn là nhà quản lý phải phát huy năng lực của cán bộ, công chức là thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và pháp luật về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tạo ra môi trường thân thiện, hợp tác chia sẻ giữa các thành viên trong tổ chức, giúp cho mỗi thành viên tìm được niềm vui trong công việc, tự hào về tổ chức, nhà trường, mong muốn được làm việc và công hiến cho cơ quan, đơn vị.

Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới môi trường làm việc của giáo viên, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, trông rộng, là người công tâm, có tâm huyết với công việc, có đầu óc tổ chức để có thể xây dựng đơn vị vững mạnh. Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên gồm nhiều nội dung, song nội dung quan trọng hơn cả là việc tổ chức, phân công, bố trí công việc hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực công tác của mỗi cán bộ, giáo viên, đó chính là “nghệ thuật dùng người”. Có thể nói, đội ngũ cán bộ cũng như những bộ phận trong cơ thể con người, nếu ta sắp xếp, phân công không đúng chỗ sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động lộn xộn, không thống nhất, đưa lại những hậu quả khó lường.

Bên cạnh đó, yếu tố về tâm lý của người lãnh đạo cũng hết sức quan trọng; đòi hỏi người lãnh đạo phải biết lắng nghe, biết kìm chế trong mọi hoàn cảnh; luôn giữ được mối quan hệ mật thiết đối với nhân viên, tạo động lực cho họ chuyên tâm với nghề… Nhà quản lý không nên tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa nhân viên và thủ trưởng. Ngoài các yếu tố nói trên, người lãnh đạo cần có những nhận xét, đánh giá kịp thời đối với cán bộ, công chức; có khen, có chê… Nội dung đánh giá phải hết sức đúng đắn, khách quan tạo một tâm lý thoải mái, khuyến khích cán bộ, công chức cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, gắn bó với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Ngoài ra người lãnh đạo cần quan tâm đến đời sống, hoàn cảnh của mỗi cán bộ, giáo viên trong đơn vị và hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn.

Trong nhà trường phổ thông nói chung và trường tiểu học nói riêng môi trường làm việc là điều kiện cần thiết để giáo viên phát huy động lực của cá nhân, chuyên tâm với nghề, hết lòng vì hoạt động dạy học và giáo dục học sinh. Môi trường làm việc tốt giúp giáo viên khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Môi trường làm việc của giáo viên được tạo bởi từ nhiều nhân tố khác nhau bao gồm nhân tố vật chất, nhân tố tính thần và nhân tố xã hội. Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn khi nhân tố vật chất hạn chế, đòi hỏi các nhân tố tinh thần và nhân tố xã hội cần phát huy tạo động lực cho giáo viên phát triển hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục được giao. Thực tế cho thấy môi trường làm việc của giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía bắc hiện nay còn nhiều hạn chế đó là hạn chế về vị trí địa lý, hạn chế về cơ sở vật chất trường học, hạn chế do ảnh hưởng của môi trường kinh tế, văn hóa chính trị xã hội của vùng miền, bên cạnh đó còn có những nơi, do thiếu hiểu biết cán bộ quản lý chưa có sự quan tâm tới giáo viên, vô hình dung tạo áp lực, gây ức chế cho đồng nghiệp qua cung cách quản lý và cách ứng xử hàng ngày làm giảm sự nhiệt huyết của giáo viên trong công việc. Nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng môi trường làm việc của giáo viên và tìm ra các giải pháp phát triển môi trường tạo động lực cho giáo viên tiểu học phát triển chuyên tâm với nghề là việc làm cần thiết hiện nay

Mục tiêu

Trên cơ sở phân tích lý luận về môi trường làm việc của giáo viên tiểu học, đánh giá đúng thực trạng môi trường làm việc của giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc và đề xuất các giải pháp phát triển môi trường làm việc cho giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc

Nội dung

- Xây dựng khung lý thuyết môi trường làm việc  tạo động lực làm việc cho giáo viên tiểu học.

- Nghiên cứu thực trạng môi trường làm việc của GV tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc.

- Đề xuất các giải pháp phát triển môi trường làm việc nhằm tạo động lực làm việc cho giáo viên.

Tải file Giải pháp phát triển môi trường làm việc cho giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam tại đây

PP nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hoá các tài liệu về môi trường làm việc của giáo viên và chế độ chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn để thao tác hoá hệ thống lý luận của đề tài.

Tiến hành các phương pháp điều tra bằng alkét, phương pháp quan sát, nghiên cứu sản phẩm, phỏng vấn để khảo sát thực trạng môi trường làm việc của giáo viên tiểu học vùng khó khăn khu vực miền núi phía Bắc.

Phương pháp xin ý kiến chuyên gia, phương pháp khảo nghiệm để khẳng định tính khả thi của các biện pháp phát triển môi trường làm việc của  giáo viên vùng khó khăn.

Ngoài ra đề tài còn sử dụng một số phương pháp bổ trợ để xử lý các kết quả nghiên cứu

Hiệu quả KTXH

Các giải pháp phát triển môi trường làm việc cho giáo viên tiểu học vùng khó khăn được áp dụng trong quản lý giáo dục vùng khó khăn nhằm tạo động lực làm việc cho giáo viên, giúp giáo viên tiểu học vùng khó khăn chuyên tâm với nghề, gắn bó với giáo dục miền núi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Sở Giáo dục – Đào tạo Cao Bằng Lục Thị Lê
2 Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ninh Cầm Thanh Hải
3 Sở Giáo dục – Đào tạo Bắc Kạn Nông Trường Hải
4 Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Thị Thúy
5 Trường Cao đẳng Cộng đồng Tuyên Quang Nguyễn Thị Cúc
STT Tên người tham gia
1 Dương Thị Nga
2 Nguyễn Thị Mẫn
3 Nguyễn Văn Hộ
4 Đồng Thị Thanh
5 Ngô Giang Nam

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*