Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Ảnh hưởng của phong tục, tập quán đến các hoạt động giáo dục quyền và bổn phận cho trẻ em Tày - Nùng tỉnh Thái Nguyên |
Cơ quan chủ trì | Đại học sư phạm |
Cơ quan thực hiện | Đại học sư phạm |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Giáo dục học - Tâm lý học |
Chủ nhiệm(*) | Nguyễn Thị Ngọc |
Ngày bắt đầu | 01/2012 |
Ngày kết thúc | 12/2013 |
Tổng quan
Những nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề giáo dục quyền và bổn phận trẻ em
1. Một số nghiên cứu trên thế giới về vấn đề giáo dục quyền và bổn phận cho trẻ em
Vấn đề quyền trẻ em được nghiên cứu bởi các tổ chức và cá nhân trong mối quan tâm chung về quyền con người bởi trẻ em cũng được xem là một con người độc lập, quyền trẻ em cũng là quyền con người có tính đến đặc điểm lứa tuổi.
Những nghiên cứu chính thức về quyền trẻ em được đẩy mạnh sau khi công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đời. Các vấn đề nghiên cứu tập trung xung quanh trẻ em cùng bàn luận về các quyền của trẻ em trên nhiều phương diện khác nhau.
Tác giả K’O Connor (1989) [101], tại nhà sách Lucent - San Diego, đã có công trình nghiên cứu về tình trạng trẻ em vô gia cư. Những khó khăn trong cuộc sống của trẻ không nơi trú ẩn đã cho thấy quyền cơ bản nhất là quyền sống còn của trẻ bị đe dọa nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em không gia đình, không có nơi sinh sống cố định diễn ra ở hầu khắp các quốc gia cho thấy vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế.
Năm 1997, tổ chức lao động thế giới ILO tại New York [102] đã đưa ra chương trình giáo dục lao động với nội dung bảo vệ trẻ em trong hoạt động lao động (Protecting chidren in the work of work). Chương trình khẳng định giáo dục lao động cho trẻ em là cần thiết nhưng cần bảo vệ trẻ em tránh khỏi lạm dụng phải lao động quá sức hoặc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
Ở Thụy Điển, Anh và một số nước Châu Âu, quyền trẻ em đã được đưa vào nhà trường để giáo dục học sinh. Ở Pêru, Ensanvado vấn đề giáo dục quyền được đưa vào dưới hình thức ngoại khoá. Ở Thái Lan và một số nước Đông Nam Á, vấn đề giáo dục quyền được đưa vào nhà trường dưới hình thức “trường học bạn hữu”, trong đó phát huy tính thân thiện và các mối quan hệ trong nhà trường để giáo dục các quyền trẻ em cho học sinh theo tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em [31].
Năm 2004, Tổ chức cứu trợ trẻ em của Liên hợp quốc đã xuất bản tài liệu bàn về giảng dạy quyền con người và tổ chức thực hành tại trường tiểu học có tên Teaching human rights: Practical activities primary an secondary schools [104] . Đây là tài liệu giúp học sinh tiểu học nhận biết những quyền con người cơ bản, đó cũng là những quyền mà trẻ em được hưởng.
Save the children với tư cách là một bộ phận của tổ chức cứu trợ trẻ em của Liên hợp quốc đã xuất bản cuốn sách bàn về vấn đề áp dụng quyền trẻ em vào nhà trường [62]. Cuốn sách được biên dịch và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2004 bởi NXB Chính trị Quốc gia. Tuy chỉ trình bày ngắn gọn trong 30 trang song những chỉ dẫn trong tài liệu đó đã giúp cho lãnh đạo ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo, gia đình và toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả vấn đề giáo dục các Q&BP trẻ em.
Giáo dục Q&BP trẻ em trên thế giới chủ yếu diễn ra trong các hoạt động song hành cùng với quá trình học tập tri thức trong nhà trường. Tại các quốc gia phát triển có nhiều chính sách phục vụ trực tiếp cho các đối tượng trẻ em như trẻ em nghèo trong các khu “ổ chuột”, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo…. Mặc dù công ước quốc tế có đề cập đến nội dung quyền của trẻ em dân tộc thiểu số song do đặc điểm dân cư khác nhau nên vấn đề giáo dục và thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em dân tộc thiểu số chưa được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu trên phạm vi toàn thế giới.
2. Một số nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề giáo dục quyền và bổn phận cho trẻ em
* Những nghiên cứu về giáo dục quyền và bổn phận trẻ em của cộng đồng
Những nghiên cứu về hoạt động giáo dục Q&BP được tiến hành thông qua các chương trình hành động vì trẻ em có tác dụng giáo dục cộng đồng đã được thực hiện. Trong các chương trình này có rất nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu đã quan tâm đưa ra các vấn đề về Q&BP của trẻ em, bàn luận và khởi thảo các công trình phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về các quyền của trẻ em cũng như những bổn phận mà trẻ phải thực hiện.
Vũ Ngọc Bình là tác giả tiên phong trong những nghiên cứu về quyền trẻ em và giáo dục các Q&BP trẻ em. Với rất nhiều cuốn sách viết về nội dung này như: “Những điều cần biết về quyền trẻ em” của NXB Chính trị Quốc gia năm 1997, [12]; “Giới thiệu Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em” của NXB Chính trị Quốc gia năm 2002, [13]. Ngoài các vấn đề bàn luận về nội dung Công ước, tình hình thực hiện quyền trẻ em trên thế giới, tác giả Vũ Ngọc Bình còn đề cập đến vấn đề giáo dục quyền trẻ em. Theo tác giả để có hiệu quả thiết thực, giáo dục Q&BP trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, giáo dục phải toàn diện tất cả các quyền trong Công ước.
Thứ hai, giáo dục phải liên tục và hướng vào tất cả các nhóm dân cư trong xã hội.
Thứ ba, không chỉ phổ biến kiến thức về quyền trẻ em mà còn giúp tạo ra trong tất cả mọi người nhận thức là trẻ em có quyền và tất cả các quyền đó không tách rời nhau.
Có rất nhiều tác giả với những bài viết trên các báo, các tạp chí với mục đích tăng cường nhận thức và hiểu biết của các lực lượng trong xã hội về nội dung bảo vệ các quyền trẻ em, phát huy vai trò của giáo dục cộng đồng để giáo dục Q&BP của trẻ em. Mỗi tác giả có cách tiếp cận và nghiên cứu khác nhau về vấn đề giáo dục Q&BP trẻ em phù hợp với lĩnh vực công tác, song nhìn chung các tác giả đều đề cập đến yêu cầu cần nâng cao hiểu biết của cộng động về vấn đề bảo vệ các quyền của trẻ em và đặt ra yêu cầu về nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em. Tiêu biểu cho nhóm tác giả này gồm có tác giả Hà Lan [44] - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Hà Ngọc Lân [45] - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Trần Quang Tiệp [74] -Tổng cục An ninh, Bộ Công an, tác giả Nguyễn Đức Trung [77]- tạp chí sân khấu tháng 6/ 2004…
Một xu hướng giáo dục và thực hiện quyền trẻ em trong thời kì mới được tác giả Nguyễn Trọng An [1] của trường cán bộ phụ nữ TW đề cập đến trong tập bài giảng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời kì mới - NXB Chính trị Quốc gia năm 2012. Trong tài liệu này, tác giả đã khái quát nên những vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trong xã hội hiện đại như: bạo lực, lạm dụng trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em, vấn đề dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe tâm trí cho trẻ em, trẻ em bị HIV… đặc biệt tác giả có đề cập đến nội dung tham vấn trẻ em. Những vấn đề được trình bày mang tính thời sự, đảm bảo quyền trẻ em trong xã hội hiện đại cần thiết phải quan tâm đến các nội dung được đề cập trong bài giảng trên.
Vấn đề giáo dục Q&BP trẻ em còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức như: quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) và một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam như: PLAN, Radda Barner…đã tiến hành các chương trình giáo dục Q&BP trẻ em cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em thông qua các hoạt động xã hội và công tác tuyên truyền. Một trong những hoạt động nổi bật để tăng cường giáo dục Q&BP trẻ em phải kể đến đó là việc mở các lớp tập huấn về quyền trẻ em cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục được khởi thảo bởi tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển Radda Bernen từ năm 2000 đến 2007. Thông qua các đợt tập huấn, giáo viên và những người làm công tác quản lí trong các cơ sở giáo dục được trang bị đầy đủ nhận thức về các quyền trẻ em đồng thời còn được rèn luyện các kỹ năng để tổ chức thành công các hoạt động giáo dục cho học sinh tại trường [21, 94].
Bộ GD&ĐT, trực tiếp là vụ giáo dục trung học cũng đã ban hành tài liệu bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên THCS giai đoạn 2004-2007 về giáo dục phòng chống ma túy và quyền trẻ em nhằm tăng cường nhận thức của các lực lượng giáo dục về Q&BP trẻ em [93].
* Những nghiên cứu về giáo dục quyền và bổn phận trẻ em trong gia đình
Có thể nói, vai trò của giáo dục gia đình còn mờ nhạt trong các hoạt động giáo dục quyền và bổn phận cho trẻ em lứa tuổi tiểu học. Vấn đề này mới được một số ít các tác giả đề cập đến trong đó có tác giả Trịnh Hòa Bình [11]. Thông qua bài viết “Sự hiểu biết giữa gia đình và trẻ em về vấn đề quyền trẻ em hiện nay” trong mục xã hội học thực nghiệm của tạp chí Xã hội học số 4 năm 2005, tác giả đã đưa ra kết quả của cuộc điều tra về kiến thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về quyền trẻ em rất đáng phải lưu tâm. Tác giả đã đưa ra phân tích với luận điểm để đảm bảo các quyền của trẻ em và yêu cầu hợp lí về trách nhiệm của trẻ cần bắt đầu từ sự hiểu biết của cha mẹ đối với con cái trong gia đình. Tuy nhiên dấu gạch nối này cần phải được định hướng lại cho phù hợp hơn, phần lớn kết quả điều tra thể hiện cha mẹ coi trọng việc cung cấp cho con cái một đời sống vật chất đảm bảo nhiều hơn việc chăm sóc cho đời sống tinh thần của đứa trẻ. Như vậy liệu có đủ để đánh giá việc đảm bảo các quyền của trẻ em, hay biết cách đòi hỏi trách nhiệm phù với với con mình?
Bàn luận về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình còn được đề cập đến trong cuốn sách “Chăm sóc, giáo dục trẻ em” tại NXB Văn hóa dân tộc của hai tác giả là Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Lan [19]. Cuốn sách xuất bản có nội dung phổ biến đến độc giả những điều cần biết về quyền, bổn phận và nghĩa vụ của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong cuốn sách này, các tác giả cũng đã dành sự quan tâm bàn về vấn đề trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
* Những nghiên cứu về giáo dục quyền và bổn phận trẻ em trong nhà trường
Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại, giáo dục nhà trường phát huy được vai trò rõ nét nhất trong các hoạt động giáo dục quyền và bổn phận trẻ em. Chương trình giáo dục trong trường tiểu học được xây dựng dựa trên những nghiên cứu của một số tác giả trong đó tiêu biểu nhất là Lưu Thu Thủy đã xây dựng nội dung các bài học Đạo đức đề cập đến các quyền và bổn phận trẻ em một cách cụ thể tiếp cận theo công ước quốc tế và các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam. Giáo dục nhà trường còn lồng ghép nội dung giáo dục quyền và bổn phận trẻ em thông qua các hoạt động giáo dục NGLL. Công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà tại một số trường tiểu học tại Hà Nội đã chứng minh rằng “hoạt động giáo dục NGLL có ưu thế trong giáo dục quyền và bổn phận trẻ em vì nó tạo ra cơ hội giúp người học trải nghiệm các quyền và bổn phận cùng như thể nghiệm thực hiện các quyền đó trong hoạt động”
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề giáo dục quyền và bổn phận trẻ em song chưa có một công trình nghiên cứu nào dành riêng cho trẻ em người dân tộc thiểu số trong đó có nhóm trẻ em dân tộc Tày - Nùng.
3. Phong tục, tập quán của người Tày - Nùng tỉnh Thái Nguyên và ý nghĩa giáo dục quyền và bổn phận trẻ em
Thực tiễn sinh sống, học tập và công tác tại Thái Nguyên, được tiếp xúc với cộng đồng người dân tộc Tày - Nùng của khu vực, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều những nét văn hóa đặc trưng và có giá trị có thể khai thác và sử dụng trong giáo dục quyền và bổn phận trẻ em. Một trong những nét văn hóa có ưu thế nổi bật là những phong tục, tập quán trong đời sống sinh hoạt. Phong tục của người Tày, người Nùng tỉnh Thái Nguyên rất đa dạng, có nhiều dị bản tuy nhiên đều dựa trên những môtip truyền thống nên có thể khái quát và lựa chọn cho mục đích nghiên cứu trong đề tài. Chúng tôi đã tập hợp được một số công trình nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu trong các xu hướng sau:
Xu hướng thứ nhất là những nghiên cứu chung về văn hóa của người Tày - Nùng: Tác giả Lã Văn Lô - Hà Văn Thư (1984) đã có những nghiên cứu về văn hóa Tày - Nùng được công bố trong cuốn “Văn hóa Tày - Nùng”, nhà xuất bản Văn hóa - Hà Nội có đề cập đến một số tục lệ như cưới xin, sinh đẻ, ma chay, cúng giỗ, ăn sinh nhật, làm nhà, ăn mừng nhà mới.
Tập thể tác giả Viện Dân tộc học - Viện khoa học xã hội Việt Nam, (1992) đã xuất bản cuốn “Các dân tộc Tày - Nùng ở Việt Nam” trong đó các tác giả đã khái quát sự phong phú của văn hóa Tày - Nùng về mọi mặt. Các phong tục, tập quán được đề cập chi tiết tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn để nhóm nghiên cứu thiết kế nội dung giáo dục quyền và bổn phận phù hợp.
Tác giả Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn trong cuốn “Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (1968), nhà xuất bản khoa học, xã hội và nhân văn đã phân tích những nét đặc sắc và rất riêng của các phong tục trong đời sống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục một số nội dung quyền và bổn phận cho trẻ em. Chẳng hạn như trong xã hội người Tày, Nùng, người già và trẻ em được đặc biệt coi trọng. Thường thì, trong bữa cơm gia đình, khi thịt một con gà hay con vịt, trẻ con được phần cho chiếc đùi (coòng), người già được phần buồng gan. Phụ nữ mới sinh được chăm sóc đặc biệt với cơm nếp và thịt gà nấu nghệ. Những ứng xử đơn giản trong đời sống sinh hoạt giúp trẻ em cảm nhận thấy sự yêu thương chăm sóc của gia đình, hình thành tình cảm và trách nhiệm đối với gia đình. Đó chính là cơ sở để giáo dục các quyền được sống cùng gia đình, bổn phận yêu thương chăm sóc người thân cho trẻ em.
Ngoài những tác giả nói trên, nghiên cứu về văn hóa Tày - Nùng còn có nhiều tác giả khác như: Hà Đình Thành; Hoàng Nam, Triều Ân, Nguyễn Thị Yên... hầu hết các công trình nghiên cứu trên đều đề cập đến các phong tục, tập quán của dân tộc Tày - Nùng với những đặc trưng rất riêng của cộng đồng đó.
Xu hướng thứ hai là những nghiên cứu tập trung về phong tục, tập quán
Nghiên cứu khái quát về phong tục gồm có các tác giả như Đặng Văn Lung, Nguyễn Sông Thao, Hoàng Văn Trụ trong cuốn “Phong tục, tập quán các dân tộc Việt Nam” (1997), nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Nhóm tác giả này đã khái quát các phong tục gồm có phong tục chữa bệnh; phong tục trước khi đánh nhau giữa hai bộ tộc; phong tục yêu đương cưới xin, hồi môn, tặng phẩm; phong tục chôn cất, chia của, thừa kế gia sản; phong tục chứng nhận tuổi trưởng thành; phong tục thờ cúng; phong tục sinh đẻ, kiêng khem, khai sinh, tên tuổi; phong tục cư xử; phong tục gia nhập nghề nghiệp, thờ thần, tín ngưỡng; phong tục ca hát, kể chuyện...
Tác giả Vàng Thung Chúng (2003) nghiên cứu sâu vào các phong tục, tập quán của người Nùng Dín ở Tùng Lâu (Lào Cai) với những khái quát về phong tục, tập quán và các sinh hoạt văn hóa in sâu trong kí ức của tác giả. Đó là dấu ấn về miền quê “sơn thủy hữu tình” với những dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Nhóm tác giả Hoàng Quyết - Tuấn Dũng lại tập trung sâu hơn vào những nghiên cứu về phong tục, tập quán của người Tày ở Việt Bắc. Các tác giả đã khái quát được hệ thống các phong tục, tập quán cụ thể đặc trưng của cộng đồng. Mặc dù đã có sự đồng hóa với phong tục của người Kinh song các phong tục của người Tày vẫn có những nét đặc trưng không thể trộn lẫn. Đó là những phong tục tập quán về sinh hoạt; phong tục, tập quán về lễ cưới; phong tục về sinh đẻ; quan hệ xã hội; ma chay; ngày tết và lễ hội. Nếu khai thác được các nội dung phù hợp phong tục của cộng đồng sẽ là phương tiện giáo dục hiệu quả giúp trẻ em biết được nhiều quyền và bổn phận của bản thân.
Với những công trình nghiên cứu đa dạng về văn hóa của người Tày - Nùng kết hợp với nghiên cứu điền dã tại địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy khả năng khai thác các phong tục, tập quán vào giáo dục các quyền và bổn phận trẻ em thông qua giáo dục gia đình và cộng đồng là tối ưu. Đây cũng là một trong những cách thức tổ chức hoạt động giáo dục thực hiện nguyên lí giáo dục học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn và tăng cường hiệu quả phối hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
Tính cấp thiết
Mục tiêu
Nội dung
PP nghiên cứu
Hiệu quả KTXH
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)