Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Dạy học nghi thức lời nói trong môn Tiếng Việt cho học sinh các lớp đầu bậc tiểu học theo nguyên tắc giao tiếp
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Giáo dục học - Tâm lý học
Chủ nhiệm(*) Đặng T Lệ Tâm
Ngày bắt đầu 01/2011
Ngày kết thúc 12/2012

Tổng quan

Lịch sử ngôn ngữ học trước những năm 60 của thế kỷ trước chủ yếu nghiên cứu cấu trúc nội tại của ngôn ngữ. Chỉ những năm 60 trở lại đây, ngữ dụng học mới thực sự phát triển, những vấn đề liên quan đến nghi thức lời nói (NTLN), nghi thức giao tiếp mới bắt đầu nhận được sự quan tâm thực sự của các nhà ngôn ngữ học, giáo dục học. Một vài tài liệu tiêu biểu như: “Cách dùng NTLN tiếng Nga” của N.I.Phơrơnopxkaia N.I xuất bản năm 1987 hoặc tài liệu viết chung của A.A.Akisina và N.I.Phơrơnopxkaia là cuốn “Nghi thức lời nói Nga” xuất bản cùng năm 1987. Rải rác trên các tài liệu viết về hội thoại ngôn ngữ và nghiên cứu ngữ nghĩa của các tác giả Anh- Mỹ (như J.L.Austin,H.P.Grice, J.Lyons, R.Searls, Ư.J.Ball…) có thể thấy nhiều chương mục có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đề tài NTLN.

Với quan niệm tìm hiểu các thông tin về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển cao và các nước tương đồng với Việt Nam là một yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, nhóm các tác giả của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu sâu về giáo dục phổ thông của các nước Phần Lan, California - Mĩ, Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Trung Quốc, đồng thời tham khảo các nghiên cứu về giáo dục của một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Qua đó cho thấy, ở các nước đều rất chú trọng rèn luyện kĩ năng sử dụng NTLN trong giao tiếp cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Ví dụ, ở Hàn Quốc, chuẩn cần đạt kĩ năng nói đối với học sinh lớp 1 là:“Biết dùng các từ ngữ để giới thiệu một cách đơn giản về bản thân trong đời sống hàng ngày. Biết nói những câu chào đơn giản với bạn bè, với các thành viên trong gia đình, những người quen, các thầy cô giáo và những người khác trong đời sống hàng ngày”, đối với học sinh lớp 4 là “Sử dụng các từ ngữ dùng để thể hiện sự ủng hộ, sự từ chối, hoặc sự hòa giải, lưu tâm đến tình huống / hoàn cảnh của người nghe”[43]. Trung Quốc, Chính phủ yêu cầu đưa vào chương trình giáo dục cơ sở các tiết học về “cách cư xử văn minh”. Một trong số những bài học chính cho học sinh tiểu học là phải nói năng lịch sự, tuân thủ quy tắc giao thông, tôn trọng người già và cộng đồng người thiểu số. Trẻ lớn tuổi hơn sẽ được học về phép xã giao khi nói chuyện điện thoại, viết thư và cách trò chuyện lịch sự với cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài. Còn ở bang California - Mĩ, trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đã rất tự tin trong việc trình bày bằng lời nói những suy nghĩ, ý tưởng của mình trước người khác bởi các em đã được rèn luyện kĩ năng nghe và nói ngay từ những năm học đầu tiên và kĩ năng nói có mặt ở 3 trong 4 yêu cầu cần đạt của các lớp bậc Tiểu học: chiến lược nghe và nói, nghe hiểu, tổ chức và trình bày, thực hành nói. Trong chiến lược nghe và nói vấn đề ngữ điệu lại rất được quan tâm và chú ý. Học sinh phải biết kết hợp lời nói, điệu bộ, cử chỉ, động tác với việc trình bày suy nghĩ, ý tưởng của mình.

Ở Việt Nam, vấn đề giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh nói chung và giáo dục rèn luyện NTLN nói riêng đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu. Những tài liệu nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến phương pháp dạy học NTLN ở nhà trường phổ thông theo chúng tôi còn ít. Tìm hiểu tình hình nghiên cứu về vấn đề dạy học NTLN, đến nay chúng tôi được biết đến cuốn sách “Một số vấn đề về dạy hội thoại cho học sinh tiểu học” của tác giả  Nguyễn Trí. Tác giả đã cố gắng chọn lọc những kiến thức cơ bản, tối thiểu về hội thoại dựa theo chương trình môn Tiếng Việt tiểu học ban hành năm 2001 và 2006 và lựa chọn cách trình bày các kiến thức dựa trên sự phân tích một số dẫn chứng cụ thể để người mới tiếp cận lí thuyết hội thoại dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giới thiệu các kiểu bài tập dạy học luyện nói trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học, trong đó có kiểu bài tập rèn NTLN cho học sinh. Trên cơ sở xác định mục đích, cấu trúc các kiểu bài tập đó, tác giả đề xuất ý kiến: đóng vai là phương pháp đặc trưng dạy các bài tập hội thoại nói chung và dạy học NTLN nói riêng cho học sinh tiểu học.

Tác giả Phan Phương Dung với đề tài luận án “Các phương tiện ngôn ngữ biểu hiện tính lễ phép trong giao tiếp tiếng Việt” đã nghiên cứu một cách có hệ thống các phương tiện ngôn ngữ biểu thị tính lễ phép và đã đưa ra một số mẫu bài tập dạy lời nói văn hóa cho học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở. Trong bài viết “Về vấn đề dạy lời nói văn hoá trong giao tiếp ngôn ngữ cho học sinh qua môn Tiếng Việt” [12] đã đề cập một cách cụ thể các phương tiện từ ngữ biểu đạt tính lễ phép trong giao tiếp và việc ứng dụng từ ngữ biểu đạt tính lễ phép trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học.

Nguyễn Quang Ninh đã bàn đến việc rèn kĩ năng nói theo hướng giao tiếp trong công trình “Một số vấn đề dạy học ngôn bản nói và viết ở tiểu học theo hướng giao tiếp”. Từ lý thuyết hội thoại, tác giả đã rút ra một số vấn đề quan trọng, để học sinh làm một bài tập làm văn nói tốt, người giáo viên cần phải chú ý tới một số điểm sau: phải chuẩn bị tốt nội dung bài nói, phải tạo được nhu cầu về hội thoại cho học sinh và phải tạo được hoàn cảnh giao tiếp tốt.

Trong đề tài KH&CN“Một số biện pháp nâng cao hiệu quả rèn kĩ năng nói cho học sinh tiểu học ở môn Tiếng Việt” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (mã số V2007-06), tác giả Trần Thị Hiền Lương đã xác định được các biện pháp dạy học rèn kĩ năng nói cho học sinh xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi học sinh tiểu học, từ lý luận dạy học hiện đại, theo hướng tăng cường thực hành, luyện tập. Trong đề tài này, tác giả đã đưa ra các biện pháp rèn luyện kĩ năng nói như rèn kĩ năng phát âm, rèn kĩ năng nói độc thoại, nói hội thoại trong đó có kĩ năng sử dụng NTLN cho học sinh tiểu học.

Xét về phạm vi tìm hiểu, các công trình nghiên cứu của các tác giả kể trên đã bàn đến mục tiêu, nội dung, biện pháp phát triển NTLN hoặc rèn kĩ năng sử dụng NTLN cho học sinh song các NTLN và cách sử dụng các NTLN ấy mới chỉ được nói một cách khái quát ở chương cuối của các công trình hoặc chỉ được đề cập có giới hạn về một vài khuôn mẫu trong các bài viết mà chưa được đặt thành một vấn đề lớn để hình thành nên một công trình nghiên cứu về rèn luyện NTLN cho học sinh một cách hoàn chỉnh. Do vậy, việc nghiên cứu để tìm biện pháp nâng cao hiệu quả kĩ năng sử dụng NTLN cho học sinh tiểu học là một việc làm cần thiết, nhằm hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình dạy học nội dung mới này.

Tính cấp thiết

1.1. Hoạt động giao tiếp là hoạt động đặc trưng của con người, có quan hệ trực tiếp nhất đến việc hình thành và phát triển ngôn ngữ nói chung. Vì vậy, việc rèn luyện kĩ năng sử dụng các lời nói trong giao tiếp sẽ giúp học sinh sử dụng đúng tiếng Việt và giao tiếp tốt hơn là một việc cần thiết.

1.2. Ngôn ngữ là một mặt của văn hoá, là nơi tàng trữ văn hoá và là biểu hiện văn hoá của cá nhân, gia đình và của toàn xã hội. Trong ngôn ngữ, có một nhóm hành vi ở lời bao hàm trong nó hàm lượng cao các giá trị văn hóa về mặt ứng xử ngôn ngữ. Chúng gắn với từng nền văn hóa, từng dân tộc và từng địa phương và được chuẩn hóa thành các nghi thức lời nói (NTLN) của một thứ tiếng. Luyện tập các NTLN, học sinh được học các giá trị văn hóa ẩn tàng trong đó để các em có thể hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Qua việc dạy học các NTLN tiếng Việt, các em hiểu rõ văn hóa ứng xử của người Việt để học hỏi và làm theo. Đây là một vấn đề mới mẻ nhưng cũng nhiều khó khăn cho việc dạy tiếng Việt nói chung và dạy NTLN nói riêng.

1.3. Dạy NTLN có điều kiện tích hợp với dạy văn hóa ứng xử, dạy đạo đức, dạy kĩ năng sống… là những vấn đề đang được ngành giáo dục và xã hội quan tâm. Với những thành tựu khoa học kĩ thuật, khoảng cách giữa các dân tộc, quốc gia và con người ngày càng thu hẹp. Giao tiếp văn hóa của mọi dân tộc đều có đặc điểm chung là mở rộng, du nhập lẫn nhau nhưng mặt trái của việc cởi mở, hội nhập này dễ dẫn đến văn hóa giao tiếp, cử chỉ, cách xưng hô cũng ảnh hưởng, pha trộn, vay mượn của nhau - nhất là trong giới trẻ - đã làm mất đi những nét văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Tâm lí, giáo dục của dân tộc, của thế hệ đang đứng trước những thử thách to lớn. Sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh và các thứ tiếng, xưng hô chào hỏi thế nào cho đúng bản sắc dân tộc hay cho có văn hóa - là vấn đề nhà trường bắt buộc phải quan tâm. Chính vì vậy, việc dạy sử dụng các NTLN chính là góp phần gìn giữ một trong những nét văn hóa truyền thống trong giao tiếp của dân tộc ta.

1.4. Ở nhà trường phổ thông, mục tiêu hàng đầu của môn Tiếng Việt là “Phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) ở học sinh trên cơ sở những tri thức căn bản, nhằm từng bước giúp các em làm chủ được công cụ ngôn ngữ để học tập trong nhà trường và giao tiếp một cách đúng đắn, mạch lạc, tự nhiên, tự tin”. Việc rèn kĩ năng nói cho học sinh tiểu học nói chung và rèn luyện sử dụng các NTLN được chương trình và sách giáo khoa hiện hành quan tâm  nhiều hơn so với các chương trình và sách giáo khoa trước đây. Vì là lần đầu tiên NTLN được dạy ở nhà trường theo chương trình và có tính hệ thống nên các giáo viên tiểu học sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, với vốn ngôn ngữ tiếp nhận được trước khi đến trường còn ít ỏi, học sinh tiểu học rất khó khăn khi học nội dung này.

Xuất phát từ những lí do trên, với đề tài Dạy học nghi thức lời nói trong môn Tiếng Việt cho học sinh các lớp đầu bậc tiểu học theo nguyên tắc giao tiếp, qua việc nghiên cứu cơ sở lí thuyết và đánh giá thực trạng việc dạy học môn Tiếng Việt, đề tài hy vọng đề xuất được phương pháp dạy học nhằm rèn luyện kĩ năng sử dụng NTLN tiếng Việt cho học sinh tiểu học trong quá trình tạo lập và lĩnh hội ngôn bản hội thoại theo nguyên tắc giao tiếp, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt ở tiểu học nói riêng và ở nhà trường phổ thông nói chung.

Mục tiêu

Nội dung

PP nghiên cứu

Hiệu quả KTXH

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*