Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết
Tên Cơ sở cho việc giáo dục kĩ năng sống nhìn từ góc độ tâm lí học
Lĩnh vực Giáo dục học - Tâm lý học
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng
Nhà xuất bản / Tạp chí Tạp chí Giáo dục Số 284 Năm 2012
Số hiệu ISSN/ISBN
Tóm tắt nội dung

Các lý thuyết tâm lí học như: Thuyết học tập xã hội, thuyết vấn đề- hành vi, thuyết tâm lí kiến tạo, thuyết đa trí tuệ... cung cấp một phần cơ sở quan trọng cho việc giáo dục kĩ năng sống. Nó giúp cho chúng ta thấy được mục đích và những yêu cầu cơ bản về nội dung và phương pháp để giáo dục kĩ năng sống có hiệu quả. Có thể tóm tắt các ý nghĩa được rút ra từ các lý thuyết trên như sau:

*Mục đích của GDKNS: Giáo dục kĩ năng sống nhằm hướng tới việc ngăn chặn những hành vi nguy cơ và hình thành, xây dựng hành vi sống tích cực, thúc đẩy quá trình mang lại sức khoẻ và hạnh phúc cho con người. Do đó, việc GDKNS cần phải định hướng và hình thành cho trẻ những giá trị sống đúng đắn; nhận thức đúng về năng lực, sự phát triển của bản thân; rèn luyện khả năng đứng vững trước những lôi kéo, rủ rê của bạn bè và người xấu; cư xử đúng mực, giao tiếp có hiệu quả với những người xung quanh; Khả năng quan sát, phân tích, suy nghĩ, đánh giá  để đối phó và giải quyết được các tình huống khác nhau của đời sống xã hội một cách có hiệu quả…

* Yêu cầu về nội dung GDKNS: Phải đảm bảo tính thực tiễn và phù hợp. Tức là nội dung phải gắn liền với các vấn đề, tình huống cụ thể của cuộc sống hàng ngày, xung quanh các mối quan hệ của học sinh, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, môi trường văn hóa, học tập, giao tiếp nơi trẻ sinh sống.

* Yêu cầu về phương pháp GDKNS:

- Đảm bảo sự phù hợp: GDKNS phải phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, môi trường văn hóa, giáo dục của trẻ.

- Đảm bảo tính thống nhất: GDKNS phải tuân theo một quy trình nhất định, đảm bảo sự thống nhất, kết hợp chặt chẽ giữa tri thức, giá trị (lý do và cách thực hiện hành vi) với thái độ (mong muốn được thực hiện hành vi) và kĩ năng (thực hiện hành vi). Đồng thời, phải thường xuyên có sự kiểm tra và đánh giá việc hiểu, mong muốn thực hiện hành vi của trẻ với việc thực hiện hành vi đó.

- Đảm bảo sự tương tác: Bên cạnh việc hướng dẫn bằng lời nói, GDKNS phải tạo điều kiện cho trẻ quan sát, đóng vai, tạo ra sự tương tác giữa những người học với nhau và với các cá nhân khác trong xã hội.

- Đảm bảo tính kế thừa và phát triển: GDKNS phải tạo ra cơ hội để trẻ bộc lộ được vốn kinh nghiệm, những hiểu biết đã có của bản thân xung quanh việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, từ đó trẻ biết chọn lọc, kế thừa những hiểu biết, kinh nghiệm đúng và điều chỉnh những hiểu biết sai để xây dựng, hình thành nên những kiến thức mới.

- Đảm bảo tính thực tiễn, trải nghiệm: GDKNS phải tạo điều kiện cho trẻ được tham gia thực hành, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực hàng ngày, tức là tạo điều kiện để trẻ học qua việc làm thực.

- Đảm bảo sự phong phú, sinh động: GDKNS phải đa dạng hóa các phương pháp và hình thức học tập để người học được kích thích và huy động nhiều loại trí tuệ khác nhau, đồng thời có thể phát huy được thế mạnh, sở trường của mỗi cá nhân.

Tải file Cơ sở cho việc giáo dục kĩ năng sống nhìn từ góc độ tâm lí học tại đây