Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên thực vật rừng tại vùng An Toàn Khu Định Hoá tỉnh Thái Nguyên, đề xuất giải pháp sử dụng và phát triển bền vững
Cơ quan chủ trì Đại học Khoa học
Cơ quan thực hiện Đại học Khoa học
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Sinh học
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Anh Hùng
Ngày bắt đầu 01/2011
Ngày kết thúc 01/2012

Tổng quan

Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên thực vật rừng tại vùng An Toàn Khu (ATK) Định Hoá tỉnh Thái Nguyên thực chất là công việc điều tra và đánh giá hiện trạng thảm thực vật tại đây, kết quả là đưa ra được danh sách và giá trị sử dụng của các nhóm tài nguyên thực vật. Từ đó làm căn cứ đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên thực vật trong khu vực nghiên cứu. Đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về thảm thực vật cũng như nghiên cứu về phát triển bền vững, có thể nêu ra một số các công trình sau:

1. Ngoài nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài trên thế giới, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

            Năm 1992: Tại Rio de Janeiro, Brasil là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất, tên chính thức là Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCED). Tại đây, các đại biểu tham gia đã thống nhất những nguyên tắc cơ bản và phát động một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững có tên Chương trình Nghị sự 21. Với sự tham gia của đại diện hơn 200 nước trên thế giới cùng một số các tổ chức phi chính phủ, hội nghị đã đưa ra bản Tuyên ngôn Rio về môi trường và phát triển cũng như thông qua một số văn kiện như hiệp định về sự đa dạng sinh học, bộ khung hiệp định về sự biến đổi khí hậu, quản lý, bảo tồn rừng tự nhiên.

            Năm 2002: Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững nhóm họp tại Johannesburg, Nam Phi là dịp cho các bên tham gia nhìn lại những việc đã làm trong suốt 10 năm qua theo phương hướng mà Tuyên ngôn Rio và Chương trình Nghị sự 21 đã vạch ra, tiếp tục tiến hành với một số mục tiêu được ưu tiên. Những mục tiêu này bao gồm xóa nghèo đói, phát triển những sản phẩm tái sinh hoặc thân thiện với môi trường nhằm thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm, bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hội nghị cũng đề cập tới chủ đề toàn cầu hóa gắn với các vấn đề liên quan tới sức khỏe và phát triển. Các đại diện của các quốc gia tham gia hội nghị cũng cam kết phát triển chiến lược về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia trước năm 2005.

            Theo Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển thì “phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”.

            Phát triển bền vững là mô hình phát triển trên cơ sở ứng dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu của con người thế hệ hiện nay mà không làm hại cho thế hệ mai sau.

            Phát triển bền vững là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế làm giảm sự khai thác tài nguyên cho phát triển kinh tế, sự suy thoái môi trường trong tương lai và làm giảm sự đói nghèo. Phát triển bền vững bao gồm sự thay đổi công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, công nghệ có hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc từ sản phẩm kinh tế - xã hội. Muốn vậy, phải giải quyết các mâu thuẫn như sản xuất - nhu cầu - tài nguyên thiên nhiên và phân phối, vốn đầu tư, cũng như công nghệ tiên tiến cho sản xuất.

Vậy để phát triển bền vững thì phải đảm bảo được cho các thế hệ tương lai thoả mãn được các nhu cầu của họ, trong đó không ngoại trừ việc thoả mãn những nhu cầu về tài nguyên rừng.

H.G.Champion (1936) khi nghiên cứu các kiểu rừng Ấn Độ - Miến Điện đã phân chia 4 kiểu thảm thực vật theo nhiệt độ đó là: Nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới và núi cao.

J.Beard (1938) đã đưa ra hệ thống phân loại gồm 3 cấp (quần hợp, quần hệ và loạt quần hệ). Ông cho rằng rừng nhiệt đới có 5 loạt quần hệ là: Loạt quần hệ rừng xanh từng mùa, loạt quần hệ khô thường xanh, loạt quần hệ miền núi, loạt quần hệ ngập từng mùa và loạt quần hệ  ngập quanh năm.

Maurand (1943) nghiên cứu về thảm thực vật Đông Dương đã chia thành 3 vùng: Bắc Đông Dương, Nam Đông Dương và vùng trung gian, đồng thời ông đã liệt kê 8 kiểu quần lạc trong các vùng đó.

Rimakrishman (1981-1992) nghiên cứu thảm thực vật sau nương rãy ở vùng Tây bắc Ấn Độ đã khẳng định: Chỉ số đa dạng loài rất thấp, chỉ số loài ưu thế đạt cao nhất ở pha đầu của diễn thế và giảm dần theo thời gian bỏ hoá.

Long chun và cộng sự (1993) nghiên cứu về đa dạng thực vật ở hệ sinh thái nương rãy tại Xishuang Bana tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã nhận xét: Khi nương rãy bỏ hoá được 3 năm thì có 17 họ, 21 chi, 21 loài; bỏ hoá được 19 năm thì có 60 họ, 134 chi và 167 loài.

Hội nghị quốc tế về các vùng rừng lớn trên thế giới diễn ra ngày 11/03/2010 tại Pháp. Tại hội nghị này, các bên tham gia thảo luận về các giải pháp chống tình trạng phá rừng trên thế giới, trong đó có việc triển khai khoản tài trợ 3,5 tỷ USD mà 6 nước (gồm Pháp, Australia, Nhật Bản, Anh, Na Uy và Mỹ) đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ nạn phá rừng tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen diễn ra vào tháng 12/2009.

            Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi các nước giàu và các nước phát triển cùng nhau gánh vác nhiệm vụ chống phá rừng trên thế giới với mục tiêu giảm nạn phá rừng còn 50% vào năm 2020 và xoá bỏ tình trạng phá rừng vào năm 2030. Ông Sarkozy nhấn mạnh rằng việc chống phá rừng phải gắn với việc đảm bảo đời sống của người dân ở các nước nghèo. Tổng thống Sarkozy nói: “Thật phi lý nếu phải lựa chọn giữa việc bảo vệ rừng và sự nghèo đói của người dân sống ở các khu rừng và những vùng lân cận. Tôi hy vọng sẽ có một nghiên cứu về tác động tích cực và tiêu cực của chương trình chống phá rừng đối với vấn đề an ninh lương thực để từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm dung hoà hai nhiệm vụ chống phá rừng và an ninh lương thực.”

Để nâng cao nhận thức về bảo tồn cũng như tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, Liên Hợp Quốc đã chính thức tuyên bố năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng, với mục tiêu chính là thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng; đồng thời tăng cường cam kết chính trị lâu dài giữa các quốc gia dựa trên “Tuyên bố Rio” (1992), các nguyên tắc trong Chương trình nghị sự 21 về công tác chống phá rừng.

            Cụ thể, thông qua các hoạt động trong Năm Quốc tế về rừng tại các quốc gia và khu vực, Liên Hợp Quốc mong muốn mật độ che phủ rừng trên toàn thế giới sẽ gia tăng đáng kể thông qua quản lý rừng bền vững, bao gồm bảo vệ, phục hồi trồng rừng và tái trồng rừng, cùng những nỗ lực ngăn chặn suy thoái rừng. Đồng thời, giảm những tác động kinh tế, xã hội và môi trường đến rừng bằng cách cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng.

2. Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Việt Nam cũng đã cam kết và bắt tay vào hành động với Dự án VIE/01/021 "Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam "Bắt đầu vào tháng 11/2001 và kết thúc vào tháng 12/2005 nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam.

Để chào đón năm Quốc tế về rừng 2011, vào ngày 24/09/2010, Chính phủ Việt Nam cũng đã ra “Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”. Theo Nghị định này thì những các cơ quan nhà nước; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi kinh doanh được hưởng lợi từ môi trường rừng đều phải trả tiền cho bên cung ứng (các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư có rừng).

Có rất nhiều các công nghiên cứu về thảm thực vật rừng ở Việt Nam, tập trung nghiên cứu chủ yếu về thực trạng các thảm thực vật, quy luật phát triển của nó, từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ, phục hồi rừng. Có thể liệt kê một số công trình tiêu biểu sau:

Trần Văn Con (2001), “Nghiên cứu cấu trúc rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và khả năng ứng dụng trong kinh doanh rừng tự nhiên”, Nghiên cứu rừng tự nhiên, NXB Thống kê, Hà Nội.

Lê Ngọc Công, Hoàng Chung (1998), “Ảnh hưởng của thảm thực vật rừng đến mốt số tính chất lý, hoá học của đất Thái Nguyên”, Thông báo khoa học Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Lâm Phúc Cố (1994), “Vấn đề phục hồi rừng đầu nguồn tại sông Đà”, Tạp chí lâm nghiệp.

Vũ Tiến Hinh (1991), “Về đặc điểm tái sinh của rừng tự nhiên”, Tạp chí Lâm nghiệp.

Nguyễn Thế Hưng (2003), “Sự biến động về mật độ và tổ thành loài tái sinh trong các trạng thái thực bì ở Quảng Ninh”, Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trần Đình Lý, Đỗ Hữu Thư (1995), “Phục hồi rừng bằng khoanh nuôi ở Việt Nam”, Tuyển tập các công trình nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Trần Đình Lý (1995), Nghiên cứu xác định diện tích và hệ thống biện pháp kỹ thuật cho việc khoanh nuôi phục hồi rừng, Báo cáo đề tài KN.03.11, Viện Sinh thái và tài nguyên Sinh vật, Hà Nội.

Lê Đồng Tấn (2000), Nghiên cứu quá trình phục hồi tự nhiên một số quần xã thực vật sau nương rẫy tại Sơn La phục vụ cho việc khoanh nuôi, Luận án tiến sỹ Sinh học, Hà Nội.

Ma Ngọc Mai (2007), Luận án tiến sĩ sinh học: Nghiên cứu quá trình diễn thế đi lên của thảm thực vật ở trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) và vùng lân cận

Đề tài cấp Nhà nước (2003) mà chủ trì đề tài là PGS.TS Lê Cao Thăng "Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng trung tâm ATK". Đề tài đã nêu được thực trạng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và xã hội vùng trung tâm ATK Định Hóa, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Nguyễn Anh Tài (2007), "Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên" đã chỉ ra thực trạng nghành nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương còn yếu kém, chưa phát triển từ đó đã đề xuất phát triển nghề tiểu thu công nghiệp góp phần giải quyết công ăn việc làm, nhằm nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Dương Quỳnh Phương (2007), khi nghiên cứu "Tác động của cộng động các dân tộc đến nguồn tài nguyên đất, rừng ở tỉnh Thái Nguyên: đánh giá và định hướng phát triển bền vững" đã cho thấy: Trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên đất - rừng vì mục đích phát triển bền vững, cộng đồng các dân tộc khó có thể thành công nếu thiếu một hệ thống chính sách khả thi cho vùng miền núi và dân tộc, phù hợp với chiến lược chung của cả nước và khu vực.

Phạm Thị  Hoài (2008) đã “Nghiên cứu thực trạng rừng trồng sản xuất của huyện Định Hoá – Thái Nguyên và đề xuất các giải pháp phát triển”

Các nghiên cứu khoa học trên đều là những cơ sở khoa học giúp chúng tôi thực hiện đề tài của mình. Nhưng trước hết, theo chúng tôi, để phát triển nguồn tài nguyên thực vật rừng vùng ATK Định Hoá bền vững cần tìm hiểu thực trạng về nguồn tài nguyên, từ đó đề xuất giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên thực vật rừng, góp phần vào phát triển bền vững nói chung và phát triển hệ sinh thái rừng ATK nói riêng.

Tính cấp thiết

Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với các quốc gia. Trên thực tế, giá trị của rừng không chỉ là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ nhiều chức năng sinh thái quan trọng, tham gia vào quá trình điều hoà khí hậu, hạn chế tác hại của lũ lụt, hạn hán, bảo vệ đất… Ngoài ra, rừng còn có giá trị tạo nên các cảnh quan du lịch, nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng tài nguyên của con người ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển. Để giải quyết được mâu thuẫn này, song vẫn thoả mãn nhu cầu của con người một cách bền vững, cần phải sử dụng nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả, đặc biệt là tài nguyên rừng. Tuy nhiên, rừng đang bị con người khai thác quá mức, khiến thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, môi trường và khí hậu thay đổi, đe doạ sự sống trên khắp Trái đất.

Ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, mỗi năm 130.000km² rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm, và với đà này, trong tương lai không xa, mỗi ngày chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiểu quả... cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới. Liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới cho biết, 20% lượng phát thải khí nhà kính hiện nay là do phá rừng.

Ở Việt Nam, độ che phủ rừng đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng tự nhiên còn lại bị hạ thấp quá mức báo động. Năm 1943, với diện tích gần 15 triệu ha, rừng có độ che phủ 43% diện tích đất tự nhiên. Nhưng 30 năm chiến tranh với nhiều nguyên nhân khác nhau, đã làm cho diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng, đến năm 1993 chỉ còn lại 9,5 triệu ha, che phủ 28% diện tích đất tự nhiên.  

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các cộng đồng dân cư nhận đất, nhận rừng để trồng, bảo vệ, khoanh nuôi và ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, các nghị định, chỉ thị về quản lý cháy rừng; thành lập, củng cố lực lượng kiểm lâm, xây dựng mạng lưới dự báo cháy rừng rộng khắp ở các tỉnh. Tuy nhiên, sự đầu tư vốn ở nhiều địa phương còn rất hạn chế nên tình trạng mất rừng vẫn diễn ra thường xuyên.

Huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên là một huyện miền núi, thuộc phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Rừng ATK Định Hoá là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích lịch sử cách mạng ATK - Định Hoá. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 52.272,23ha, trong đó điện tích đất Lâm Nghiệp 31.288,00 ha, chiếm 59,9% diện tích đất tự nhiên. Trong tổng số 24.791,9ha đất có rừng thì diện tích rừng tự nhiên là 17.150,1ha (chiếm 69,1% diện tích đất có rừng) và diện tích rừng trồng là 7.641,8 ha (chiếm 30,8 diện tích đất có rừng). Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 6.491,6ha. Nếu chia theo chức năng của rừng thì trong toàn huyện có 03 loại rừng: Rừng đặc dụng là 7.222,62 ha; Rừng phòng hộ là 8.899,50 ha; Rừng sản xuất là 8.669,78 ha. Như vậy Rừng sản xuất ở Định Hóa cũng khá phát triển chiếm khoảng gần 35%, diện tích đất trống còn nhiều và đây cũng là cơ hội và tiềm năng cho phát triển rừng. Để phục hồi rừng, hàng loạt các dự án trồng rừng như chương trình 661, 327, PAM đã được triển khai nhưng hậu quả đem lại thực sự còn chưa cao, diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng thì không tăng.

Với những lý do trên, chúng tôi chọn Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Thái Nguyên: “Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên thực vật rừng tại vùng An Toàn Khu Định Hoá tỉnh Thái Nguyên, đề xuất giải pháp sử dụng và phát triển bền vững”.

Mục tiêu

- Phân loại các kiểu thảm thực vật tại khu vực ATK

- Điều tra hiện trạng nguồn tài nguyên thực vật trên cơ sở đó lập danh lục và phân loại giá trị sử dụng của các nhóm tài nguyên thực vật tại khu vực nghiên cứu.

- Đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên thực vật trong khu vực nghiên cứu.

Nội dung

- Nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khu vực ATK.

- Dựa theo khung phân loại của UNESCO (1973), để phân loại và đánh giá hiện trạng các kiểu thảm thực vật

- Điều tra thống kê và lập danh lục các loài thực vật.

- Nghiên cứu xác định các nhóm tài nguyên thực vật.

- Điều tra đánh giá hiện trạng tình hình khai thác và sử dụng các nhóm tài nguyên thực vật.

- Đề xuất giải pháp sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thực vật.

Tải file Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên thực vật rừng tại vùng An Toàn Khu Định Hoá tỉnh Thái Nguyên, đề xuất giải pháp sử dụng và phát triển bền vững tại đây

PP nghiên cứu

1. Cách tiếp cận

- Đề tài đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành tại địa phương, các hộ gia đình được giao quản lý bảo vệ rừng trong công tác điều tra thu thập số liệu.

- Kế thừa các số liệu thống kê đã có, bổ sung và cập nhật những thông tin cần thiết. Sử dụng phương pháp điều tra có sự tham gia của người dân thông qua phỏng vấn người dân, cán bộ lãnh đạo các cấp, các cán bộ lâm nghiệp tại địa phương…

- Thực hiện các đợt điều tra để thu thập số liệu ngoài thực địa, phân tích xử lý số liệu.

2. Phương pháp điều tra

+ Phương pháp tuyến điều tra (TĐT) và ô tiêu chuẩn (OTC)

- Tuyến điều tra: Căn cứ vào bản đồ khu vực, xác định các TĐT có hướng vuông góc với đường đồng mức, chiều rộng quan sát là 4m. Khoảng cách các tuyến dao động từ 50-100m tùy thuộc vào địa hình của từng quần xã. Dọc theo TĐT bố trí các OTC và ODB để thu thập số liệu.

- Ô tiêu chuẩn: Diện tích các OTC là 400m2 (20m x 20m) đối với các trạng thái rừng và cây bụi. ODB được bố trí ở các góc và dọc theo 2 đường chéo của OTC, sao cho tổng diện tích các ODB phải đạt ít nhất 1/3 diện tích OTC. Trong OTC và ODB tiến hành xác định tên khoa học của các loài cây (những loài chưa biết tên thì thu thập mẫu về định loại).

+ Phương pháp phân tích mẫu thực vật

- Xác định tên khoa học các loài thực vật theo tài liệu của tác giả Phạm Hoàng Hộ (1993), Danh lục các loài thực vật Việt Nam (2003, 2005).

- Xác định dạng sống, giá trị sử dụng của các loài thực vật dựa theo tài liệu “Tên cây rừng Việt Nam” và “1900 loài cây có ích ở Việt Nam”.

- Xác định những loài thực vật quý hiếm dựa vào các tài liệu Sách Đỏ Việt Nam 2007 - Phần Thực vật; Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam trong Cẩm nang cây thuốc cần bảo vệ.

+ Phân loại thảm thực vật: Dựa theo khung phân loại của UNESCO (1973) để phân loại các thảm thực vật.

+ Phương pháp điều tra trong cộng đồng dân cư: Mỗi thôn điều tra tiến hành làm việc với một nhóm từ 5 đến 6 người dân có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao. Tiến hành thảo luận, phân tích thuận lợi khó khăn, đề xuất các giải pháp quản lý phát triển rừng.

+ Phương pháp chuyên gia: Tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của khoảng 30 người gồm các cán bộ lâm nghiệp, các nhà Khoa học, nhà quản lý địa phương, nhằm đánh giá kết quả điều tra và góp ý hoàn thiện các giải pháp đề xuất.

3. Phương pháp xử lý số liệu

- Sử dụng các phần mềm trong máy tính để hệ thống và tính toán kết quả nghiên cứu.

- Tính toán kết quả nghiên cứu được thực hiện theo các phương pháp toán học có sử dụng phương pháp thống kê trong sinh học.

Hiệu quả KTXH

Các giải pháp mà đề tài nêu ra, cần phải có sự chỉ đạo thật sát sao của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành và sự nhận thức đầy đủ của người dân về sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Nếu thành công sẽ góp phần nâng cao chất lương cuộc sống cho nhân dân và bảo vệ được môi trường sinh thái (một tài sản quý giá cho các thế hệ tương lai).

ĐV sử dụng

Khu vực ATK Định Hóa, Thái Nguyên

Thư viện trường ĐH Khoa học

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*