Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Nghiên cứu tính đa dạng nguồn gen cây thuốc được sử dụng trong cộng đồng dân tộc Dao ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên |
Cơ quan chủ trì | Đại học Thái Nguyên |
Cơ quan thực hiện | Đại học Khoa học |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Sinh học |
Chủ nhiệm(*) | Lê Thị Thanh Hương |
Ngày bắt đầu | 01/2012 |
Ngày kết thúc | 12/2013 |
Tổng quan
Trải qua nhiều thế kỷ, cây thuốc giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của các cộng đồng người trên khắp thế giới. Các kinh nghiệm dân gian về sử dụng cây thuốc chữa bệnh được nghiên cứu ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển của từng quốc gia. Và từ đó, mỗi châu lục mỗi dân tộc hình thành nên nền dược thảo mang nét đặc trưng riêng:
- Dược thảo ở châu Âu rất đa dạng và phần lớn dựa trên nền tảng của y học truyền thống cổ điển. Thầy thuốc người Hy Lạp có tên là Dioscorides đã viết một cuốn sách “De material Medica” thống kê 600 loại thảo mộc; Nicholas Culpeper xuất bản cuốn dược thảo “The English Physitian”…
- Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời. Ở Trung Quốc, Lý Thời Trân (thế kỷ 16) đã thống kê được 12.000 vị thuốc trong tập "Bản thảo cương mục". Năm 1977 trong cuốn “Từ điển bách khoa về các phương thuốc cổ truyền Trung Quốc” thống kê 5.757 mục từ, đa số là thảo mộc. Cuốn sách "Cây thuốc Trung Quốc" xuất bản năm 1985 đã liệt kê hầu hết các loài cây cỏ chữa bệnh có ở Trung Quốc từ trước tới nay. Ở Ấn Độ, nền y học cổ truyền - y học Ayurveda đã phát triển mạnh, nhiều tri thức bản địa đã được nghiên cứu, đánh giá và ứng dụng có hiệu quả, theo thống kê có khoảng 2.000 loài cây cỏ có công dụng làm thuốc…
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm, gắn liền với tên tuổi của các danh y nổi tiếng như: Tuệ Tĩnh hay Nguyễn Bá Tĩnh (thế kỷ XIV) với bộ “Nam dược thần hiệu” gồm 11 quyển với 496 vị thuốc nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc thực vật; Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1721 - 1792) với bộ “Lĩnh Nam bản thảo” tổng hợp được 2854 vị thuốc chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian. Thời kỳ Pháp thuộc, các nhà nghiên cứu phương Tây như Crévost, Pétélot đã xuất bản bộ “Catalogue des produits de L’lndochine” (1928 - 1935) và bộ “Les plantes de médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam”, gồm 4 tập đã thống kê 1482 vị thuốc thảo mộc trên ba nước Đông Dương. Sau khi miền Bắc được giải phóng năm 1954, các nhà khoa học Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc sưu tầm, nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc, với nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu như:
- Vũ Văn Chuyên, 1966, Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc. Nxb Y học, Hà Nội.
- Đỗ Tất Lợi, 1986, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
- Phạm Hoàng Hộ, 1991-1993, Cây cỏ Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
- Võ Văn Chi, 1996, Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nxb Y học, Hà Nội.
- Trần Đình Lý, 1997, 1900 loài cây có ích ở Việt Nam. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn, 2001, Cây thuốc của đồng bào Thái ở Con Cuông, Nghệ An. Nxb Nông nghiệp, HN.
- Viện Dược liệu, 2003, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nxb Giáo dục.
- Bộ Khoa học và Công nghệ, 2007, Sách đỏ Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
Tính cấp thiết
Trong những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu về tính đa dạng nguồn gen cây thuốc được tiến hành, nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn những cây thuốc quý, bảo tồn vốn tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số sinh sống trên mọi miền của đất nước Việt Nam. Và những tri thức dân gian trong việc điều trị và chữa bệnh của dân tộc Dao luôn được mọi người chú ý bởi vốn tri thức của họ rất đặc biệt và phong phú. Tại Thái Nguyên, người Dao phân bố chủ yếu ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ... và có sự phân bố không đồng đều tại các xã trong huyện. Trong đó, tại huyện Đồng Hỷ có xã Hợp Tiến là một xã miền núi, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và là nơi có đồng bào dân tộc Dao tập trung đông nhất. Tuy nhiên, những kinh nghiệm quý báu đó đang dần bị mai một, đồng thời nguồn gen cây thuốc nơi đây đang đứng trước nhiều nguy cơ bị suy giảm. Điều này cho thấy cần phải thực hiện công tác nghiên cứu và qua đó làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững trong tương lai.
Mục tiêu
- Xây dựng được danh lục các loài cây thuốc được đồng bào dân tộc Dao ở Đồng Hỷ - Thái Nguyên sử dụng để chữa bệnh theo kinh nghiệm truyền thống.
- Đánh được giá tính đa dạng nguồn gen cây thuốc bản địa được người Dao ở Đồng Hỷ - tỉnh Thái Nguyên sử dụng.
- Thống kê những cây thuốc thuộc diện quý hiếm cần bảo tồn hiện có ở khu vực nghiên cứu.
- Sàng lọc sơ bộ được một số nguồn cây thuốc có chứa hợp chất coumarin.
Thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn từ dịch chiết chứa coumarin của một số cây thuốc.
Nội dung
- Điều tra thu thập:
+ Thông qua sự giới thiệu, hướng dẫn của các ông lang, bà mế và các thầy thuốc y học cổ truyền người dân tộc Dao ở địa bàn nghiên cứu để nhận biết, ghi chép, chụp ảnh và thu thập mẫu của tất cả những cây thuốc đã biết bởi cộng đồng dân tộc này.
+ Thu thập về công dụng, cách sử dụng các cây thuốc đó theo kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng dân tộc Dao tại một số địa điểm ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
+ Thu thập các bài thuốc theo kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng dân tộc Dao ở Đồng Hỷ.
- Phân tích, tổng hợp, đánh giá:
+ Xác định tên khoa học và xây dựng danh lục cây thuốc: Xác định tên khoa học của tất cả các loài cây thuốc đã thu thập được. Xây dựng Danh lục cây thuốc của cộng đồng dân tộc Dao ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Mỗi loài gồm các thông tin về tên gọi (phổ thông, dân tộc, latinh, họ thực vật); công dụng (bộ phận dùng, cách dùng). Danh lục được xây dựng theo vần ABC tên phổ thông và tên khoa học.
+ Xây dựng Danh lục các loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam đã ghi nhận được (hiện có) tại khu vực nghiên cứu. Mỗi loài gồm các thông tin: tên gọi (phổ thông, dân tộc, latinh, họ thực vật); công dụng làm thuốc; các mức độ được ghi nhận trong (Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam, Nghị định 32/2006/NĐ-CP).
+ Phân tích, đánh giá tính đa dạng nguồn gen cây thuốc được sử dụng trong cộng đồng dân tộc Dao ở Đồng Hỷ – Thái Nguyên.
- Sàng lọc các nguồn cây thuốc chứa hợp chất coumarin: Các cây thuốc được nghi ngờ có chứa hợp chất coumarin – một hợp chất quý dùng để sản xuất thuốc sẽ được sàng lọc bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng với các phương pháp hiện màu đặc trưng cho loại hợp chất này.
- Thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn từ dịch chiết chứa coumarin: Dịch chiết chứa coumarin của một số cây thuốc sẽ được đánh giá khả năng kháng lại một số vi sinh vật gây bệnh gồm E.coli, Bacillus subtilis, Pseudomonas aeruginosa (Trực khuẩn mủ xanh) và Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng) bằng phương pháp xác định vòng kháng khuẩn trên đĩa Petri.
PP nghiên cứu
- Phương pháp điều tra thực địa: Điều tra phỏng vấn thu thập cây thuốc và cách sử dụng cây thuốc trong cộng đồng sử dụng theo phương pháp điều tra mở, dựa trên các tiêu chí trong: Phiếu điều tra cây thuốc trong cộng đồng và phiếu điều tra bài thuốc dân gian (Viện Dược liệu - Bộ Y tế). Điều tra theo tuyến trên thực địa để thu thập được đầy đủ nhất số loài cây thuốc hiện có ở khu vực nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập và xử lý mẫu vật ngoài thực địa: Mẫu vật được thu hái đầy đủ theo danh lục đã phỏng vấn và theo sự chỉ dẫn của các thầy thuốc bản địa. Sử dụng máy ảnh để ghi lại hình ảnh của các loài cây thuốc.
- Phương pháp xử lý, phân tích và phân loại mẫu vật: Các mẫu vật được thu thập bổ sung trong quá trình thực địa được mang về phân tích và xử lý trong phòng thí nghiệm. Tiến hành xác định tên khoa học của cây thuốc theo phương pháp hình thái truyền thống, kết hợp với kinh nghiệm của các chuyên gia về thực vật và các bộ thực vật chí chuyên ngành. Tiến hành lập Danh lục cây thuốc ở khu vực nghiên cứu.
- Phương pháp đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc: dựa trên phương pháp đánh giá của Nguyễn Nghĩa Thìn (2005).
- Phương pháp đánh giá mức độ nguy cấp của các loài cây thuốc: dựa trên Sách đỏ Việt Nam - phần Thực vật (2007); Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam (Nguyễn Tập, 2007); Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
- Phương pháp định tính coumarin: Định tính bằng phản ứng đóng mở vòng lacton và định tính bằng phương pháp sắc kí lớp mỏng Silicagel GF254 của hãng MERCK.
Phương pháp xác định hoạt tính kháng khuẩn: tiến hành đánh giá tính hiệu quả của dịch chiết cây thuốc chứa coumarin trên 4 chủng vi khuẩn gây bệnh Escherichia coli VTCC-B-883, Bacillus subtilis VTCC-B-888, Pseudomonas aeruginosa VTCC-B-481 (Trực khuẩn mủ xanh), Staphylococcus aureus ATCC 25923 (Tụ cầu vàng) bằng phương pháp khuếch tán trong thạch.
Hiệu quả KTXH
- Hiệu quả về giáo dục: Nghiên cứu về đa dạng nguồn gen cây thuốc của đồng bào dân tộc Dao ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết để góp phần tồn đa dạng sinh học, bảo tồn những kinh nghiệm cổ truyền quý báu của cha ông.
- Hiệu quả về đào tạo: phục vụ 1 luận án tiến sỹ, đào tạo 1 sinh viên nghiên cứu khoa học và 2 sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp đại học.
- Hiệu quả về kinh tế: cung cấp số liệu cụ thể giúp cho việc xây dựng các vùng dược liệu phục vụ cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và các chế phẩm sinh học từ cây thuốc. Phục vụ cho người dân bản địa tiến tới phục vụ mục đích thương mại, góp phần phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc huyện Đồng Hỷ.
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)