Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học Kinh tế và QTKD
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Đàm Phương Lan
Ngày bắt đầu 03/2013
Ngày kết thúc 03/2015

Tổng quan

10.1. Ngoài nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài trên thế giới, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Có khá nhiều công trình nghiên cứu ngoài nước liên quan đến cơ cấu đầu tư và tác động của đầu tư tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế. Mỗi công trình nghiên cứu có mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu riêng. Dưới đây là tổng quan một số công trình tiêu biểu đã được nghiên cứu ở Thái Lan và Trung Quốc – hai nước có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam-  mà Việt Nam có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích về thu hút đầu tư hay chuyển dịch cơ cấu đầu tư góp phần cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh ở Việt Nam.

Tác giả Kee Hwee Wee trong bài nghiên cứu “Outward foreign direct investment by enterprises from Thailand” (2003) (Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các công ty Thái Lan) đã nhấn mạnh đến môi trường đầu tư và vai trò quan trọng trong việc cải thiện hình ảnh, củng cố lòng tin, tạo lập môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Từ đó, có tác động trực tiếp đến tính hấp dẫn của địa phương nơi có nhiều doanh nghiệp đang kêu gọi đầu tư.  Bài viết phân tích đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ và những nhân tố gây cản trở đến thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt là doanh nghiệp ở các địa phương. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư ở các địa phương, bài viết cũng đã đưa ra một số gợi ý thiết thực nhằm nâng cao tính hấp dẫn của địa phương trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu đầu tư để cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương.

Đề cập đến vai trò của các nhà hoạch định chính sách địa phương trong việc thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu đầu tư, đặc biệt là các vấn đề như lao động có chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, sự ổn định kinh tế, tính minh bạch, mối liên hệ giữa các nhà đầu tư với các cơ quan chức năng địa phương... đã được tác giả Wu Haiying trong bài viết “A Comprehensive Evaluation of Policy Recommendation to Foreign Direct Investment Environments in Western China” (Đánh giá toàn diện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở miền Tây Trung Quốc) phân tích rõ và đưa ra hàng loạt các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở miền Tây. Đồng thời bài viết cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các vùng, địa phương trong thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế của địa phương.

Công trình nghiên cứu của tác giả Kevin Honglin Zhang được xuất bản trong cuốn Kinh tế thế giới và Trung Quốc năm 2002 với tựa đề “Why Does China Receive So Much Foreign Direct Investment” (Tại sao Trung Quốc nhận được nhiều vốn FDI) đã đề cập đến thực trạng thu hút FDI của Trung Quốc và phân tích, đánh giá tác động của quy mô thị trường, chế độ tự do hoá đầu tư, môi trường cơ sở hạ tầng đến thu hút FDI ở Trung Quốc và các vùng miền. Ngoài ra tác giả còn nhấn mạnh đến vai trò của năng lực quản lý, điều hành của địa phương đối với khả năng thu hút đầu tư và quan hệ về chính sách giữa trung ương với địa phương đối với quá trình phát triển nói chung và khả năng thu hút đầu tư nói riêng.

Tác giả Atchaka Brimble trong bài “Strategy for Thai overseas investment promotion”, 2004 (Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Lan) cũng đề cập nhiều đến thực trạng môi trường đầu tư của Thái Lan như luật pháp, chính sách, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, sự gắn kết giữa các nhà đầu tư với chính quyền địa phương, ...Đồng  thời tác giả cũng đã nhấn mạnh đến những yếu tố rào cản trong môi trường đầu tư. Ngoài đề xuất các ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Thái Lan, tác giải đã tập trung vào tìm hiểu các vấn đề liên quan đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc nâng cao khả năng thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu đầu tư để tái cơ cấu và phát triển kinh tế cho địa phương; mặc dù điều kiện địa lý, tự nhiên, xuất phát điểm, vị trí kinh tế ở các địa phương là khác nhau.

Danh mục các công trình nghiên cứu có liên quan ở nước ngoài

10.2. Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Từ khi Luật đầu tư được ban hành tại Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến đầu tư, cơ cấu đầu tư và chuyển dịch cơ cấu đầu tư; tác động của đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế. Mỗi công trình nghiên cứu có mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu riêng. Liên quan đến chủ đề nghiên cứu của đề tài, những năm gần đây đã có một số công trình trong nước nghiên cứu và một số công trình đã được xuất bản. Dưới đây là tổng quan một số công trình tiêu biểu đã được nghiên cứu.

 “Luận cứ khoa học của việc CDCCKT theo hướng công nghiệp hoá nền kinh tế quốc dân” của tác giả Ngô Đình Giao (chủ biên) (1994) là một đề tài cấp Nhà nước (KX0305) với sự tham gia đông đảo của nhiều học giả. Đề tài này đề cập đến những quan niệm về công nghiệp hoá, cơ sở khoa học của việc thực hiện công nghiệp hoá, một số mô hình công nghiệp hoá (CNH), kinh nghiệm CNH ở một số nước, thực trạng CNH ở Việt Nam. Tài liệu này cũng đã nêu ra cơ sở lý luận và thực tiễn của CDCCKT, quan điểm và phương hướng xây dựng CCKT có hiệu quả ở Việt Nam, đánh giá thực trạng CCKT ở nước ta trong thời gian trước năm 1994, nghiên cứu phương hướng và biện pháp CDCCKT theo hướng CNH ở Việt Nam, nghiên cứu về CDCCKT theo lãnh thổ và những biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện CDCCKT thành công, đồng thời nghiên cứu thực tiễn ở một số địa phương. Tuy nhiên, đề tài này đề cập còn mờ nhạt vai trò của FDI đối với CDCCKT, điều này cũng có nguyên nhân lịch sử của nó, vì khi đề tài ra đời, đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam được 5 năm và mới bắt đầu có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nghiên cứu điều kiện thực tiễn ở một số địa phương của Việt Nam, nhưng tỉnh Thái Nguyên lại chưa được xem xét và nghiên cứu đến trong đề tài này.

CDCCKT trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới” của GS.TSKH. Lê Du Phong và PGS.TS. Nguyễn Thành Độ (1999) đề cập tới luận cứ khoa học của CDCCKT theo hướng hội nhập, thực trạng CDCCKT theo ngành ở nước ta những năm 1991-1997, thực trạng CDCCKT một số vùng, phương hướng và giải pháp CDCCKT nước ta theo hướng hội nhập với nền kinh tế khu vực và trên thế giới. Trong tài liệu này, vai trò của FDI với CDCCKT nói chung không được đề cập nhiều, đặc biệt là chưa đề cập và được áp dụng đối với một tỉnh như Thái Nguyên.

            “Cơ cấu các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ (chủ nhiệm đề tài KHXH.03.01) (2000) là một đề tài cấp Nhà nước có chất lượng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đầu ngành. Đề tài đã làm rõ những vấn đề lí luận và quan điểm về thành phần kinh tế, cơ cấu và vị trí các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển cơ cấu các thành phần kinh tế ở Việt Nam từ khi đổi mới đến năm 2000, từ đó góp phần tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và các giải pháp cho việc định hướng các chính sách đối với các thành phần kinh tế nhằm phát triển lực lượng sản xuất xã hội trong cơ cấu thành phần kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, CCKT theo ngành và vai trò của FDI với CDCCKT (trong đó có CCKT theo thành phần) chưa được đề cập một cách có hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện địa hoá ở Việt Nam giai đoạn 1988 - 2005” của tác giả Đỗ Thị Thuỷ (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2001) đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến FDI vào Việt Nam, nhất là giai đoạn 1997 - 2000 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong khu vực làm giảm sút FDI vào Việt Nam giai đoạn này. Trên cơ sở đánh giá và phân tích các nguyên nhân, tác giả đã nêu các giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam đến năm 2005 phục vụ CNH, HĐH đất nước. Luận án chưa đề cập đến thu hút FDI nhằm CDCCKT tại Việt Nam nói chung và cụ thể ở một tỉnh như Thái Nguyên nói riêng.

Mấy vấn đề về CDCCKT ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Quang Thái (2004) nêu quan niệm của tác giả về sự phát triển biện chứng trong tư duy kinh tế về CDCCKT với mười quan điểm và đánh giá CDCCKT theo ngành và vùng thời kì đổi mới, nêu ra một số vấn đề lí luận và thực tiễn đòi hỏi tập trung sức nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra CDCCKT theo ngành và đánh giá rằng tốc độ CDCCKT Việt Nam mười tám năm đã qua, nhanh hơn tốc độ CDCCKT của Đài Loan và Hàn Quốc trong thời kì đầu CNH vào những năm sáu mươi và bẩy mươi của thế kỉ hai mươi. Trong đề tài này, không thấy tác giả đề cập đến vai trò của chuyển dịch cơ cấu đầu tư đến CDCCKT.

            “Đầu tư trực tiếp nước ngoài và ảnh hưởng của nó đến CDCCKT ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hải Phòng” của tác giả Đào Văn Hiệp (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2005) đã phân tích và đề cập đến đầu tư nước ngoài và CDCCKT ngành ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài và tác động của FDI đến CDCCKT ngành ở Hải Phòng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phương hướng và giải pháp thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài thúc đẩy CDCCKT ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hải Phòng. Tuy nhiên, đề tài này chưa đề cập đến FDI với chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phần, cơ cấu kinh tế vùng và cơ cấu lại nền kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; mô hình ảnh hưởng, tác động và mối quan hệ giữa đầu tư với cân đối cơ cấu kinh tế ngành, thành phần và vùng của Việt Nam trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế ở Việt Nam” của tác giả Tống Quốc Đạt (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2005) đã làm rõ vấn đề lý luận cơ bản về FDI và cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế; hệ thống những thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong thời kì từ khi ban hành luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (1987) đến nay nhằm thu hút FDI theo ngành kinh tế; đánh giá thực trạng hoạt động FDI theo ngành kinh tế của Việt Nam đến năm 2005. Trên cơ sở đó, luận án đã đưa ra một số quan điểm, định hướng về việc thu hút FDI hướng tới việc điều chỉnh CCKT theo ngành thông qua việc khẳng định vai trò của FDI với tư cách là một bộ phận của nền KTQD và những giải pháp chủ yếu định hướng thu hút FDI để CCKT theo ngành phù hợp với yêu cầu CNH, HĐH ở Việt Nam thời gian tới. Luận án này chưa đề cập nhiều về tác động của cơ cấu đầu tư (gồm cả FDI) đến CDCCKT hay cơ cấu lại nền kinh tế theo thành phần, theo vùng trong xu thế hội nhập KTQT, luận án nghiên cứu ở thời điểm trước năm 2005, khi chưa thống nhất chung một Luật đầu tư cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đặc biệt phạm vi nghiên cứu của đề tài ở tầm cả nước mà chưa xem xét cụ thể theo điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện thu hút và chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế ở một tỉnh như Thái Nguyên.    

Công trình nghiên cứu tiếp theo là công trình của Lê Xuân Bá và Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006) về “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Công trình này đã sử dụng mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến một số ngành kinh tế được lựa chọn ở Việt Nam và đã phát hiện ra một số vấn đề cụ thể khá quan trọng về tác động tràn của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đề tài đã đưa ra kiến nghị quan trọng là tạo cơ hội cho việc xuất hiện tác động tràn và tăng khả năng hấp thụ của các tác động tràn tích cực của FDI đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, những vấn đề về vai trò và tác động của cơ cấu FDI đến CDCCKT chưa được nghiên cứu sâu, đầy đủ và có tính hệ thống, đặc biệt chưa đề cập đến vấn đề này đối với tỉnh Thái Nguyên.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên” của tác giả Nguyễn Tiến Long (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2011). Luận án đã nghiên cứu từ những phạm trù cơ bản như CCKT, CDCCKT để khái quát lý luận về tác động của FDI tới CDCCKT. Luận án phân tích, đánh giá thực trạng tác động của FDI tới CDCCKT của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1993 - 2009. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất đựợc các quan điểm, định hướng cùng với những giải pháp chủ yếu thu hút FDI hướng vào CDCCKT của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030. Những giải pháp này góp phần đưa CCKT của tỉnh Thái Nguyên chuyển dịch nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vấn đề tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư đến cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh chưa được nghiên cứu sâu sắc.

Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX.01: "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài – vị trí vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Bích Đạt chủ nhiệm. Đề tài đã nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và vai trò của nó trong quá trình chuyển nền kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài những thành tựu nổi bật trong thu hút FDI của Việt Nam từ khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành, đề tài còn chỉ ra  các nguyên nhân  chủ yếu làm hạn chế luồng vốn đầu tư vào Việt Nam như: Sự bất cập về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, vấn đề quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, sự thiếu thống nhất trong quản lý Nhà nước giữa trung ương và địa phương....Ngoài ra, đề tài cũng định hướng việc thu hút FDI vào các vùng và lãnh thổ tùy theo lợi thế so sánh giữa các địa phương. Địa phương nào có điều kiện hạ tầng kỹ thuật tốt hơn, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực có chất lượng...thì sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư. Điều đó được thể hiện trong trường hợp điều kiện tự nhiên giống nhau, nếu địa phương nào có chính sách thông thoáng hơn, tổ chức các hoạt động dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn. Tuy nhiên, đề tài không đề cập đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu đầu tư đến cơ cấu lại nền kinh tế.

Công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tuấn (2005) “Đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển kinh tế ở Việt Nam”đã  phân tích thực trạng thu hút FDI và vai trò của nó đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đề tài cũng đã đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam và các giải pháp điều chỉnh, khắc phục theo hướng tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn. Các giải pháp được tác giả nhấn mạnh chủ yếu là chính sách ưu đãi trong xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế, phí và tiếp tục cải cách hành chính. Tuy nhiên, những giải pháp này không cụ thể về chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho các tỉnh, địa phương trong cả nước như tỉnh Thái Nguyên.

Công trình nghiên cứu  ‘Những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong  quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài  ở Việt Nam” do GS.TS. Đỗ Đức Bình – Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm đã hệ thống hoá những vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài, những vấn đề kinh tế- xã hội nảy sinh và đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng thu hút và quản lý FDI tại Việt Nam. Đề tài chỉ ra những vấn đề kinh tế- xã hội nảy sinh trong quá trình thu hút FDI vào Việt Nam cũng như phạm vi và mức độ ảnh hưởng của nó trong phát triển kinh tế ở Việt Nam nói chung và thúc đẩy thu hút FDI nói riêng. Đề tài cũng nhấn mạnh đến những hạn chế trong việc thu hút FDI vào Việt Nam như vấn đề về khoa học công nghê,  môi trường đầu tư, hệ thống luật pháp, chính sách, nguồn nhân lực...,tạo cơ sở tìm ra các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy dòng vốn đầu tư này di chuyển hợp lý hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên làm thế nào để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng và chuyển dịch cơ cấu đầu tư nói chung một cách đồng bộ ở một địa phương tương tự tỉnh Thái Nguyên, và chỉ ra các hạn chế của nó đều không được đề cập đến trong đề tài nghiên cứu.

Công trình “Thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTOcủa TS. Đinh Văn Ân và TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, xuất bản năm 2008. Công trình này đã điều tra khảo sát 140 doanh nghiệp FDI về vấn đề thực hiện dự án FDI sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Bên cạnh việc phân tích các kết quả thu hút và thực hiện dự án FDI ở Việt Nam, tác giả còn phân tích tình hình thực hiện dự án ở một số ngành cụ thể và những định hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế. Đề tài không đề cập đến tình hình thu hút và chuyển dịch cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp ở các vùng, miền trong cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI ở các tỉnh miền núi – trung du phía Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ : “Một số giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam’’ do TS. Đặng Thu Hương làm chủ nhiệm cũng tập trung phân tích và đánh giá thực trạng thu hút và thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam phân theo địa bàn đầu tư, hình thức đầu tư, lĩnh vực đầu tư và đối tác đầu tư. Đề tài cũng nhấn mạnh đến các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thu hút và thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam; phân tích những nguyên nhân gây cản trở cho việc thu hút và thực hiện dự án FDI. Trên cơ sở đó đề tài đưa ra các giải pháp cụ thể về công tác qui hoạch, công nghiệp hỗ trợ, chính sách luật pháp, quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính...Tuy nhiên, cũng giống như nhiều đề tài khác, đề tài này không đề cập đến những giải pháp cụ thể cho tỉnh Thái Nguyên.

Tóm lại, liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài, có rất nhiều công trình, tạp chí, sách, báo, luận án tiến sĩ, thạc sĩ.... trong và ngoài nước đã nghiên cứu và xuất bản. Tuy nhiên, những công trình này chủ yếu là phân tích, đánh giá thực trạng thu hút FDI của Việt Nam và một số địa phương trong cả nước;  phân tích những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của nó, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể theo hướng tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chưa có công trình trong nước và ngoài nước nào nghiên cứu một cách toàn diện  về việc đổi mới cơ chế chính sách của các tỉnh miền núi – trung du phía Bắc của Việt Nam để tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển kinh tế xã hội bền vững tại các tỉnh này.

10.3. Danh mục các công trình đã công bố thuộc lĩnh vực của đề tài của chủ nhiệm và những thành viên tham gia nghiên cứu (họ và tên tác giả; bài báo; ấn phẩm; các yếu tố về xuất bản)

a) Của chủ nhiệm và những người tham gia thực hiện đề tài

            [1] Nguyễn Tiến Long (2009), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế”, Đề tài KH&CN cấp Bộ Mã: B2007 – TN 06 -01, nghiệm thu năm 2007, kết quả: Khá;

            [2] Nguyễn Tiến Long (2012), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, sách Chuyên khảo, Nxb Lao Động, Hà Nội – 2012;

            [3] Đàm Phương Lan, Nguyễn Tiến Long (2012), “Một số ý kiến về chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới góc độ hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Tạp chí Thông tin Kinh tế và QTKD – trường Đại học Kinh tế và QTKD thuộc ĐH Thái Nguyên, số 02/2012;  

            [4] Nguyễn Tiến Long (2009), “China’experiences and solutions to prevent price dumping of Vietnamese exported goods after WTO integration”, Emerging Issues in the Sustainable Economic Growth of Vietnam: International Experiences and Solutions, NXB Thống kê - Hà Nội;

            [5] Nguyễn Tiến Long (2009), “Some main solutions to prevent Vietnamese economic recession”, Kỷ yếu  hội thảo quốc tế: Hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục Việt Nam – Hàn Quốc, triển vọng và giải pháp;

            [6] Nguyễn Tiến Long (2010), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam: Hiện trạng và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí KH & CN, Đại học Thái Nguyên, Tập 70 - Số 8;

            [7] Nguyễn Tiến Long (2011), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sỹ kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân.

            [8] Bùi Thuý Vân (2011), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng Đồng Bằng Bắc bộ, Luận án Tiến sỹ kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân.

            [9] Trần Chí Thiện (2007), Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đề tài cấp Tỉnh mã số KT-04-06, Thái Nguyên.

            [12] Tống Quốc Đạt (2005), Cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

            [13] Đỗ Đức Bình (2005), Những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong  quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ.

            [14] Đỗ Đức Bình (2006), Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Châu Mỹ vào Hà Nội, Nhà xuất bản Xây dựng.

b) Của những người khác

            [16] Bùi Thúy Vân (2005),  Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn Hà Nội”, Luận văn thạc sỹ kinh tế.

            [17] UBND tỉnh Thái Nguyên (2005), Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên.

            [18] UBND tỉnh Thái Nguyên (2010), Xây dựng luận cứ khoa học phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 phục vụ đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, Thái Nguyên.

            [19] Văn kiện Đại Hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII (2005), lần thứ XVIII (2010), Thái Nguyên.

            [20] Mac-Dougall, G.D.A (1960), Benefit and Costs of Private Investments from abroad: A theorical Approach, Economic Record.

            [21] Dunning (1996), H.J and R.Narula, FDI and Government: Analysts for Economic Restructuring, London and New York, Routledge.

            [22] At Kearney (2003), FDI Confidence Index: Global Business Policy Council

            [23] Atchaka Brimble (2004), Strategy for Thai overseas investment promotion

            [24] Dennis J. Encarnation (1995), Regional Competition for FDI? Asia and the Global Operations of Multinational Corporation.

            [25] Hiroto Tsuge and Frank L. Bartels (2003), FDI Promotion Strategies of Developing Coutries: A look at the Spatial Distribution of the Automotive Industry.

            [26] Jacques Morisset (2003), Does a Coutry Need a Promotion Agency to attract FDI.

            [27] Japan Bank for International Construction (JBIC) (2002), FDI and Development: Where Do We Stand.

            [28] Japan External Trade Organizatioin (JETRO) (2003), the 13th survey of investment – related cost comparison in major cities and regions in Asia.

            [29] Joong Wan Cho (2005), FDI Determinants, Trends in Flows and Promotion Policies.

            [30] Kevin H. Zhang (2000), Why Is US Direct Investment in China So Small?.  Contemporary Economic Policy, 18(1), p.82-94.

            [31] KPPOD (2006), Investment Attractiveness of 200 Districts/ Municipalities in Indonesia. PCI- KPPOD WORKSHOP.

            [32] KPPOD (2006), Rating of Investment Attractiveness among 214 regencies and Cities of Indonesia. PCI- KPPOD WORKSHOP.

            [33] Michael Mortimore (2006), Targeting Winner – Can FDI Policy Help Developing countries industrialize?

Tính cấp thiết

Cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng có một vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã coi cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài, đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, với thế mạnh của ngành công nghiệp và lĩnh vực du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện tại cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn chưa phù hợp và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Việc cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020. Mặt khác, có nhiều nhân tố tác động tới việc cơ cấu lại nền kinh tế và để cơ cấu lại nền kinh tế đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó cần phải chú ý đến tái cơ cấu đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu và tiến tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, nhưng chuyển dịch cơ cấu đầu tư còn bất cập và chưa phù hợp; một số lĩnh vực, ngành nghề cần có vốn đầu tư để tạo sự đột phá trong cơ cấu lại nền kinh tế lại không có vốn hoặc hiệu quả đầu tư rất thấp.

Vì vậy, xem xét tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư (gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) trong các ngành kinh tế, trong vùng kinh tế và trong các thành phần kinh tế… tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết. Trên cơ sở đánh giá tác động dựa trên phương pháp phân tích định tính và định lượng, thiết lập mô hình tương quan, hàm hồi quy để xác định mức độ tác động của mức độ chuyển dịch cơ cấu đầu tư đến cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên để từ đó xây dựng chiến lược, các phương án và giải pháp chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên theo hướng phù hợp đến năm 2020.                  

Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

            Đánh giá được tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư (gồm cả đầu tư tư nhân và đầu tư công) tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.

            Từ đó, đề xuất các giải pháp đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.  

2. Nhiệm vụ cụ thể

- Khái lược các lý thuyết về tác động của cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương;

- Phân tích, đánh giá tác động, xác định mô hình chuyển dịch cơ cấu đầu tư hợp lý cho cơ cấu lại nền kinh tế của Thái Nguyên;

- Sử dụng phân tích định lượng, phân tích tương quan, sử dụng hàm hồi quy để xác định được mức độ tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên; dự báo được mô hình cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên sau khi đã cơ cấu lại nền kinh tế;

- Đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.       

Nội dung

Nội dung nghiên cứu

Ngoài lời mở đầu, mục lục, danh mực chữ viết tắt, phần phụ lục và tài liêu tham khảo; đề tài được nghiên cứu với kết cấu 4 chương, như sau:

- Phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới việc cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên theo cơ cấu đầu tư.

- Định hướng, đề xuất các giải pháp đồng bộ chuyển dịch cơ cấu đầu tư để cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. 

            CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU ĐẦU TƯ TỚI CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

Mục đích: Hệ thống hóa và bổ sung mới những vấn đề lý luận về cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương; gồm các mục sau:

1.1. Cơ cấu đầu tư

1.1.1. Khái niệm cơ cấu đầu tư

1.1.2. Vai trò của cơ cấu đầu tư

1.1.3. Phân loại cơ cấu đầu tư

1.1.4. Những nhân tố hình thành cơ cấu đầu tư

1.1.5. Những chỉ tiêu đánh giá cơ cấu đầu tư

1.2. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư

1.2.1. Khái niệm về chuyển dịch cơ cấu đầu tư

1.2.2. Các cách thức chuyển dịch cơ cấu đầu tư

1.2.3. Những nhân tố tác động tới chuyển dịch cơ cấu đầu tư

1.2.4. Sự cần thiết phải chuyển dịch cơ cấu đầu tư

1.3. Tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương

1.3.1. Khái niệm về cơ cấu lại nền kinh tế

1.3.2. Tính tất yếu của cơ cấu lại nền kinh tế

1.3.3. Các nhân tố tác động tới cơ cấu lại nền kinh tế

1.3.4. Các hình thức cơ cấu lại nền kinh tế

1.3.5. Mối quan hệ hai chiều giữa chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế

1.4. Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của một số địa phương và quốc gia khác

 CHƯƠNG 2: XÂY DỰNG MÔ HÌNH, PHƯƠNG PHÁP VÀ HỆ THỐNG CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU ĐẦU TƯ TỚI CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Mục đích: Xây dựng các chỉ tiêu nghiên cứu và mô hình nghiên cứu; các giả thuyết nghiên cứu cho đề tài, gồm các mục sau:

2.1. Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá mức độ chuyển dịch cơ cấu đầu tư

2.2. Mô hình đánh giá tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế

2.2.1. Mô hình định tính

2.2.2. Mô hình phân tích định lượng

2.3. Các giả thuyết nghiên cứu cho đề tài

2.4. Phương pháp, công cụ kiểm định giả thuyết của đề tài

CHƯƠNG 3: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU ĐẦU TƯ TỚI CƠ CẤU KINH TẾ CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2002 - 2012

Mục đích: Phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu đầu tư; xác định mức độ tác động của các nhân tố (thông qua hệ số tương quan); xây dựng mô hình hồi quy thực tế để xác định mức độ tác động mang tính định lượng; kiểm định giả thuyết của mô hình; gồm các mục sau:

3.1. Những lợi thế và khó khăn của các tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế

3.2. Các văn bản luật pháp và chính sách của Việt Nam và của tỉnh Thái Nguyên đối với việc cơ cấu lại nền kinh tế

3.3. Tổng quan về chuyển dịch cơ cấu đầu tư của tỉnh Thái Nguyên

3.4. Phân tích thực trạng cơ cấu đầu tư và cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên

3.5. Đánh giá tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (sử dụng phương pháp phân tích định lượng)

3.6. Kiểm định các giả thuyết của mô hình chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế

3.7. Đánh giá chung về tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên

CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM VÀ HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU ĐẦU TƯ NHẰM CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN, ĐẾN NĂM 2020

Mục đích: Trên cơ sở dự báo mô hình chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu kinh tế, đề xuất các giải pháp phù hợp chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nội dung gồm có:

4.1. Dự báo mô hình và các phương án chuyển dịch cơ cấu đầu tư của tỉnh Thái Nguyên

4.2. Lộ trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

4.3. Những quan điểm và định hướng chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên

4.4. Những giải pháp chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

4.5. Đề xuất và kiến nghị các điều kiện áp dụng các giải pháp có hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên           

Tải file Tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 tại đây

PP nghiên cứu

14. CÁCH TIẾP CẬN, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

14.1. Cách tiếp cận

Trong quá trình nghiên cứu, đề tài sử dụng hai cách tiếp cận chủ yếu:

Một là, cách tiếp cận hệ thống: Theo đó, trên cơ sở các lý thuyết về cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương, các nhân tố tác động tới việc cơ cấu lại nền kinh tế (đã trình bầy chi tiết ở phần tổng quan); tác giả đã xây dựng khung phân tích và mô hình hệ thống phân tích để thấy được các nhân tố tác động tới chuyển dịch cơ cấu đầu tư và tác động của nó tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, những nguyên nhân chủ yếu làm cho chuyển dịch cơ cấu đầu tư chưa đáp ứng được mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đúng hướng. Trên cơ sở đó, làm tiền đề cho phân tích thực tiễn đối với cơ cấu lại nền kinh tế cho tỉnh.      

Hai là, cách tiếp cận thực tiễn: Theo đó, từ những vấn đề thực tiễn về cơ cấu đầu tư, chuyển dịch cơ cấu đầu tư và các nhân tố tác động tới chuyển dịch cơ cấu đầu tư đặt trong mối quan hệ với cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh để khái quát thành những kết luận có tính quy luật và hệ thống. Tiếp theo, từ những vấn đề khái quát tác động của các nhân tố tới chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, đề tài phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng trong từng điều kiện cụ thể.

Như vậy, đề tài đã đã sử dụng tổng hợp cả hai cách tiếp cận từ những vấn đề cụ thể đến khái quát và từ những vấn đề khái quát đến cụ thể. Tiếp cận từ những số liệu thứ cấp và số điều tra sơ cấp của nhóm nghiên cứu.

14.2. Phương pháp nghiên cứu

            Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu lấy phương pháp luận biện chứng duy vật làm cơ sở phương pháp luận cho nghiên cứu. Trên cơ sở đó, sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm các phương pháp cụ thể sau:

14.2.1. Phương pháp thu thập thông tin

a. Thông tin thứ cấp

Trong nghiên cứu này, thông tin thứ cấp được thu thập từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thống kê và các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên và các huyện như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường; phòng Nông nghiệp, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Thống kê của các huyện, thị, thành. Sử dụng các báo cáo thống kê định kỳ và điều tra chuyên môn. Tài liệu phục vụ nghiên cứu gồm có:

- Các văn bản, tài liệu của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan đến vấn đề đầu tư, cơ cấu kinh; nền kinh tế xanh;

- Niên giám thống kê 1995-2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011(Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên);

- Báo cáo tổng hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các huyện, thị, thành từ năm 2000 đến 2011;

       - Các chương trình, dự án liên quan đến tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) của tỉnh Thái Nguyên. (UBND tỉnh Thái Nguyên);

- Các tài liệu, số liệu từ các ấn phẩm và các website có liên quan.

b. Thông tin sơ cấp

       Được thu thập bằng phương pháp điều tra chọn mẫu (kích cỡ mẫu đảm bảo quy luật thống kê), phương pháp PR,...  Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra các đối tượng liên quan như: các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế của tỉnh, chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính thuộc tỉnh; các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế.

14.2.2. Phương pháp diễn dịch trong suy luận

       Đề tài tiếp cận nghiên từ những cái khái quát đến cái cụ thể. Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu khái quát về đầu tư, chuyển dịch cơ cấu đầu tư với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng trong từng điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Nguyên, có so sánh với các địa phương khác trong cả nước.

14.2.3. Phương pháp quy nạp trong suy luận

       Đề tài tiếp cận nghiên từ những cái cụ thể đến cái khái quát. Theo đó, đầu tư; chuyển dịch cơ cấu đầu tư với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, đề tài sử dụng cách tiếp cận từ những vấn đề cụ thể thực tiễn về tình hình chuyển dịch cơ cấu đầu tư với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên để đưa ra những đánh giá khái quát thành những kết luận có tính quy luật và hệ thống. 

14.2.4. Phương pháp định lượng và định tính

       Tác giả và nhóm nghiên cứu có sử dụng việc lượng hóa các mối quan hệ tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên bằng các chỉ số; các biến độc lập và biến phụ thuộc, sử dụng mô hình tương quan, hàm hồi quy để phân tích. Từ đó, đưa ra những nhận định và những kết luận có tính chất định tính cho các vấn đề liên quan.

14.2.5. Phương pháp phương pháp đồ thị và phương pháp bảng thống kê để tổng hợp

       Đề tài sử dụng hệ thống các loại đồ thị toán học (đồ thị hình cột, đồ thị hình táo, đồ thị tổng hợp, …) và những bảng thống kê số liệu theo chiều dọc và chiều ngang mô tả hiện trạng cơ cấu đầu tư, CCKT và tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên theo thời gian (khoảng trên 10 năm), từ đó tổng hợp đánh giá sự tác động của cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong những điều kiện thời gian cụ thể (giai đoạn 2012-2020).   

14.2.6. Phương pháp số bình quân, số tương đối, phân tích tương quan, phương pháp dãy số thời gian và phương pháp chỉ số để phân tích

       Đề tài sử dụng các phương pháp này dựa trên nguồn số liệu về cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế cùng với tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, đưa ra những phân tích chính xác hiện trạng, xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan để làm cơ sở cho đánh giá tác động của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Phương pháp số bình quân tốc độ chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong từng giai đoạn, mức độ cơ cấu lại nền kinh tế và một số chỉ tiêu liên quan được tính bình quân theo thời gian đã sử dụng cho cơ sở phân tích của đề tài. Tác giả luận và nhóm nghiên cứu đề tài sử dụng phương pháp số tương đối (tỷ lệ phần trăm) để xem xét sự thay đổi về cơ cấu đầu tư trong nội bộ từng ngành, từng thành phần kinh tế; từng đối tác đầu tư; từng khu vực trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên; cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hình thức đầu tư, theo quốc gia đi đầu tư, theo lĩnh vực đầu tư, theo địa bàn và chủ thể tiếp nhận vốn đầu tư của tỉnh. Đề tài ứng dụng phương pháp phân tích tương quan giữa mức độ chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Đề tài sử dụng phương pháp dãy số thời gian từ năm 1990 đến 2011 để đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, từ đó có sự suy luận và dự báo được sự tác động trong thời gian tới. Ngoài ra, đề tài còn sử dụng một số chỉ số phân tích, chỉ số tăng trưởng, các chỉ số về cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế… để phân tích hiện trạng chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.         

14.2.7. Phương pháp lôgíc

       Dựa trên cơ sở lý luận về kinh nghiệm của các địa phương trong nước được hệ thống hóa; tác giả và nhóm nghiên cứu phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu đầu tư và tác đọng của chuyển dịch cơ cấu đầu tư tới tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Từ đó rút ra những đánh giá cụ thể, đưa ra những quan điểm, định hướng và đề xuất những giải pháp hữu hiệu chuyển dịch cơ cấu đầu tư nhằm tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên theo hướng nền kinh tế xanh.     

14.2.8. Sử dụng các công cụ toán kinh tế, các phương pháp dự báo kinh tế, ứng dụng các phần mềm tin học (SPSS version15, Excel,...) và các công cụ của máy tính để xử lí dữ liệu và các công cụ tìm kiếm thông tin như là mạng Internet, các tài liệu tại các diễn đàn... Từ đó, rút ra kết luận cho các vấn đề cần nghiên cứu của đề tài.    

14.2.9. Phương pháp phân tích cây vấn đề

       Sử dụng phương pháp này để trình bày mối quan hệ nhân quả khi phân tích thực trạng và phân tích những giải pháp đề xuất.

Hiệu quả KTXH

  • Hiệu quả đối với giáo dục đào tạo

Qua việc thực hiện đề tài này, trình độ về lý luận và thực tiễn của đội ngũ giảng viên của Đại học Kinh tế và QTKD thuộc ĐH Thái Nguyên và những người tham gia nghiên cứu đề tài sẽ được nâng cao. Đồng thời, thông qua quá trình phối hợp nghiên cứu giữa trường Đại học Kinh tế và QTKD – ĐH Thái Nguyên  với tỉnh Thái Nguyên, sẽ thúc đẩy giao lưu và trao đổi khoa học giữa Nhà trường và đội ngũ cán bộ của địa phương. Kết quả nghiên cứu sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo có quan tâm. Đề tài giúp nâng cao năng lực nghiên cứu của học viên cao học và sinh viên đại học.

Báo cáo của đề tài là tài liệu tham khảo tốt cho các Nhà nghiên cứu, học viên cao học và sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu có liên quan.

  • Hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội

Đề tài kỳ vọng sẽ có những đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Thái Nguyên, có được một cơ cấu đầu tư phù hợp với cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, phát huy nguồn lực và lợi thế so sánh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên được nhanh và bền vững.

Các tài liệu liên quan về quá trình thực hiện đề tài là cơ hội để giúp cho các đối tác quan tâm có thêm thông tin chuẩn xác hơn về các chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*