Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên |
Cơ quan chủ trì | Đại học Kinh tế và QTKD |
Cơ quan thực hiện | Đại học Kinh tế và QTKD |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Kinh tế học |
Chủ nhiệm(*) | Nguyễn Phương Thảo |
Ngày bắt đầu | 03/2012 |
Ngày kết thúc | 04/2014 |
Tổng quan
Thông tin của kế toán quản trị đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, đồng thời phục vụ việc kiểm soát, đánh giá doanh nghiệp đó. Thông tin mà kế toán quản trị cần nắm bắt bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính.Trước khi tập hợp thông tin kế toán quản trị phải biết rõ mục đích của thông tin đó.
Về sự phát triển của kế toán quản trị, các nghiên cứu cho thấy kế toán quản trị xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào những năm đầu của thế kỉ XIX. Sự phát triển mạnh cả về quy mô và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu cho các nhà quản trị phải kiểm soát và đánh giá được hoạt động của chúng. Một trong các doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị đầu tiên ở Mỹ là công ty dệt Lyman Mills. Trong ngành luyện kim, kế toán quản trị cũng được áp dụng từ rất sớm. Andrew Carnegie - một doanh nhân lớn của thế kỉ XIX đã áp dụng kế toán quản trị để quản lý doanh nghiệp của mình từ năm 1872. Dựa trên ý tưởng sử dụng chi phí như nhau thì phải tạo ra được lợi nhuận bằng nhau, ông ta đã chia doanh nghiệp của mình ra thành nhiều bộ phận để theo dõi và hạch toán. Carnegie sử dụng báo cáo hàng tháng về chi phí vật tư và nhân công sử dụng ở từng bộ phận để kiểm soát và đánh giá hoạt động của chúng. Việc kiểm soát chất lượng và cơ cấu vật liệu cũng được thực hiện trong quá trình sản xuất. Bằng cách này, Carnegie đã giảm được chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh, phát huy hết các khả năng sản xuất và đưa ra được giá bán hợp lý.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này các nhà quản trị mới chỉ kiểm soát được các chi phí sản xuất trực tiếp. Các phương pháp phân bổ chi phí chung cho các sản phẩm và các thông tin về sử dụng tài sản cố định vẫn bị bỏ qua. Cho đến năm 1887, trong cuốn "Factory Accounts" hai tác giả người Anh là Grake và Fell mới đề cập đến việc phân tích chi phí trực tiếp và phân bổ chi phí sản xuất chung cho các sản phẩm. Năm 1908, hai tác giả người Mỹ là A. Hamilton Church và John Whitmore tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các phương pháp kế toán và phân bổ chi phí. Nhờ kết quả nghiên cứu này mà phương pháp chi phí tiêu chuẩn được hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ của kế toán quản trị ở Hoa Kỳ trong giai đoạn này là nguyên nhân xuất hiện Hiệp hội quốc gia các nhà kế toán chi phí Mỹ (National Association of Cost Accountants) vào năm 1919. Đây là tổ chức nghề nghiệp để giúp các thành viên cùng nhau thảo luận giải quyết các vấn đề kế toán phức tạp mà họ gặp phải trong thực tế.
Kế toán quản trị tiếp tục phát triển mạnh vào những năm đầu của thế kỷ XX mà Pierre du Pont, Donaldson Brown và Alfred Sloan là những người đóng góp nhiều cho sự phát triển của kế toán quản trị trong giai đoạn này. Nhờ áp dụng cơ chế phân quyền, công ty tạo điều kiện cho các nhà quản trị phát huy hết năng lực và sự chủ động sáng tạo của họ trong điều kiện được trực tiếp tiếp cận với thông tin do kế toán quản trị cung cấp để ra các quyết định phù hợp và kịp thời.
Ở Châu Á, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, cùng với sự phát triển của các trường phái quản trị theo kiểu Nhật Bản, kế toán quản trị cũng được hình thành để phục vụ cho nhu cầu thông tin của các nhà quản trị doanh nghiệp. Các phương pháp kế toán quản trị theo kiểu Nhật Bản được nói nhiều đến là Target costing và Kaizen costing.
Target costing (tạm dịch là quản trị chi phí theo mục tiêu) là phương pháp quản trị chi phí được sử dụng nhằm đạt được lợi nhuận đã đặt ra. Với mỗi loại sản phẩm, để đạt được mức lợi nhuận mong muốn họ phải tìm cách giảm chi phí đến mức mong muốn trong giai đoạn nghiên cứu, thiết kế và cung ứng vật tư. Phương pháp Target costing được áp dụng ở Nhật Bản trong nhiều năm nay. Theo một nghiên cứu của Đại học Kobe ở Nhật Bản: 100% các doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông, 75% doanh nghiệp sản xuất thiết bị chính xác, 88% các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện và 83% các doanh nghiệp chế tạo máy ở Nhật Bản áp dụng phương pháp này. Người Nhật tin rằng kết quả thu được từ việc áp dụng Target costing còn tốt hơn nếu họ đầu tư nhiều vào giai đoạn nghiên cứu phát triển và thiết kế bằng cách chuyển bớt chi phí sản xuất sang giai đoạn này.
Cùng với Target costing, Kaizen costing là phương pháp giảm chi phí do Yashuhiro Monden phát triển trên cơ sở phương pháp quản trị Kaizen. Đây là phương pháp quản trị với phương châm "cải thiện từng bước nhỏ". Mục tiêu của Kaizen costing là doanh nghiệp phải liên tục giảm được chi phí. Để thực hiện mục tiêu này các nhà quản trị phải thường xuyên phân tích sự thay đổi chi phí thực tế và không ngừng cải tiến hệ thống sản xuất ngày càng tốt hơn. Thực hiện khẩu hiệu "không ngày nào không có cải tiến" các doanh nghiệp áp dụng Kaizen thường xuyên cải tiến quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bố trí lao động hợp lí, nâng cao năng suất lao động của công nhân viên, giảm thất thoát vật tư và giảm chi phí sản xuất. Do đặt ra các mục tiêu nhỏ dễ thực hiện nên Kaizen đã trở thành phương pháp quản trị được áp dụng rộng rãi và trở thành bí quyết thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngày nay phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu như: Toyota, Ford, IBM, Bosch, Opel, VW, Mercedes-Benz, ...
Kế toán quản trị ở một số nước khu vực Đông Nam Á còn non trẻ, manh mún, lệ thuộc và hỗn hợp các khuynh hướng khác nhau. Các nước khu vực Đông Nam Á hầu như có nền kinh tế thị trường mới phát triển. Doanh nghiệp ở các nước này có thể chia làm hai loại: một là những doanh nghiệp nhỏ bé, manh mún trong nước; hai là những chi nhánh của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia từ nước ngoài. Từ đó, hoạt động và tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đa sắc thái nên kế toán quản trị rất đa dạng; một phần được chuyển giao, chịu ảnh hưởng từ mô hình kế toán quản trị của các công ty mẹ ở nước ngoài rất hiện đại; một phần được các doanh nghiệp trong nước xây dựng, cập nhật theo nền tảng hoạt động quản lý của họ như khá lạc hậu và có những doanh nghiệp hoàn toàn không quan tâm đến kế toán quản trị. Thực trạng đó dẫn đến kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất ở các nước khu vực Đông Nam Á tồn tại đa dạng về khuynh hướng, nội dung, trình độ.
Kế toán quản trị trên thế giới nổi lên hai khuynh hướng đặc trưng:
- Khuynh hướng cung cấp thông tin hữu ích cho quyết định quản lý ở những nước đề cao đến vai trò cá nhân và ít có sự can thiệp gián tiếp của nhà nước.
- Khuynh hướng cung cấp thông tin tăng cường kiểm soát, kiểm soát nội bộ, kiểm soát định hướng ở những nước đề cao tính an toàn, tính tập thể, và thường có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước bằng luật pháp. Tuy hai khuynh hướng khác nhau nhưng nhận thức, chức năng, đặc điểm, nội dung, phương pháp kỹ thuật của không kế toán quản trị khác biệt đáng kể.
Kế toán quản trị đã trải qua nhiều giai đoạn với những nội dung trọng tâm, trình độ khác nhau. Ngày nay, nội dung Kế toán quản trị được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp nhất là ở các nước mới phát triển kinh tế thị trường, là hệ thống kế toán quản trị hỗn hợp với nhiều nội dung, trình độ khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là những nội dung kế toán quản trị liên quan đến thiết lập thông tin để hoạch định, kiểm soát tài chính, thông tin để giảm những tổn thất nguồn lực kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thông tin để sử dụng hiệu quả nguồn lực kinh tế trong quy trình tạo ra giá trị.
Với các nước đề cao vai trò nhà quản lý doanh nghiệp, ít có sự can thiệp hoặc can thiệp gián tiếp bằng luật pháp của nhà nước vào chính sách kế toán như Anh, Mỹ, Kế toán quản trị có xu hướng được xây dựng thành bộ phận thuộc Ban giám đốc, là công cụ riêng của nhà quản lý; ngược lại, với những doanh nghiệp sản xuất ở các nước đề cao tính an toàn, tính tập thể, có sự can thiệp của Nhà nước trực tiếp bằng luật pháp vào chính sách kế toán như các nước Đông Âu, Nhật, kế toán quản trị có xu hướng được xây dựng thành bộ phận kế toán, là một chuyên ngành khoa học kinh tế độc lập.
Kế toán quản trị có hệ thống và định hướng phát triển tốt khi định hình mô hình kế toán quản trị, nghĩa là định hình khái niệm, giả thiết, nguyên lý, phương pháp của tiến trình thiết lập nền tảng kế toán, từ đó quyết định ghi chép, tính toán, báo cáo một thực thể hoạt động doanh nghiệp như: nền tảng hình thành nhu cầu quản lý được hình thành từ nền tảng này, chức năng, đặc điểm, phương pháp kỹ thuật, nội dung và biểu hiện nội dung kế toán quản trị bằng những báo cáo.
Thực tiễn Kế toán quản trị một số nước trên thế giới phản ánh những nguyên tắc chung cần tuân thủ và đặc thù riêng cần được xem xét lựa chọn thích hợp khi xây dựng Kế toán quản trị.
Nghiên cứu sự phát triển của kế toán quản trị cho thấy, kế toán quản trị hình thành và phát triển xuất phát từ nhu cầu thông tin quản trị doanh nghiệp. Môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp mở rộng, phát triển thị trường, giảm chi phí để nâng cao lợi nhuận. Kế toán quản trị là công cụ hữu hiệu cho phép các nhà quản trị kiểm soát quá trình sản xuất, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận.
Tính cấp thiết
Sự ra đời của kim loại thép đóng góp phần lớn vào quá trình phát triển của loài người. Kể từ khi công nghệ luyện thép đạt đến tầm cao mới là lúc kết cấu của thép trở nên vững chắc hơn, thép đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các công trình xây dựng cầu đường, nhà cửa và dần thay thế các nguyên liệu xây dựng khác như đá và gỗ bởi đặc tính vững chắc và dễ tạo hình của thép. Hơn nữa, thép cũng là nguyên vật liệu chính cho các ngành công nghiệp khác như đóng tàu, phương tiện vận chuyển, xây dựng nhà máy và sản xuất máy móc thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống con người. Nhận biết được tầm quan trọng của ngành thép, hầu hết các quốc gia đã dành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển ngành thép. Bởi thép được coi là nguyên vật liệu liệu cho các ngành công nghiệp khác. Với mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam coi ngành sản xuất thép là ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế, đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm thép của các ngành công nghiệp khác và tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ dành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào ngành thép nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn và nhân lực còn rỗi của các ngành, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Tỉnh Thái Nguyên, nơi xuất hiện mẻ gang đầu tiên của ngành Thép Việt Nam, đã trở thành cái nôi phát triển của ngành công nghiệp thép. Công ty Gang thép Thái Nguyên là công ty thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam được thành lập theo quyết định số 83/CCNg-TC ngày 23/02/1993 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, tiền thân của Công ty Gang thép Thái Nguyên ngày nay (TISCO), được thành lập ngày 04/06/1959, là một trong những công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị thứ XIV của BCH trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1958). Đây là khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. Sau quãng đường phát triển, đến nay Công ty đã đạt được nhưng thành tựu đáng kể. Năm 2010, riêng công ty đã nộp cho Ngân sách Nhà nước 52 tỷ, tăng 9% so với năm trước.
Cùng với sự lớn mạnh của Công ty Gang thép Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện cũng đã có trên 20 công ty, doanh nghiệp với số vốn lớn tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh thép, đó là chưa tính đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên lĩnh vực này. Phải nói đến như Công ty Cổ phẩn Thái Hưng, Công ty Luyện cán thép Gia Sàng, Công ty Cán thép Thái Trung, Công ty cổ phần cơ khí Gang thép, Công ty cổ phần thép Toàn Thắng…, hay công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài Nasteelvina.
Với qui mô phát triển về mặt lượng một cách nhanh chóng, nhưng các công ty Thép trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức độ phát triển tương đối thấp so với một số tỉnh thành và các nước trong khu vực. Mặc dù Nhà nước ta có chủ trương bảo hộ hợp lý, nhưng trong giai đoạn phát triển hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trên địa bàn phải có những đầu tư và phát triển mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thép khác. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, các biện pháp Marketing, các kênh phân phối trung gian. Chính vì vậy, thông tin về các chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp nhà quản trị kiểm soát chi phí để vừa có thể đưa ra các sản phẩm với giá rẻ, vừa có ngân sách để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm sản xuất, lựa chọn các biện pháp Marketing tối ưu, từ đó tối ưu hóa được lợi nhuận.
Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp chính là hệ thống kế toán chi phí. Kế toán chi phí luôn luôn tồn tại trong mỗi tổ chức, tuy nhiên tác dụng cung cấp thông tin cho các đối tượng khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào việc xây dựng và khai thác hệ thống kế toán chi phí đó. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới đã xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện đại nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản trị nội bộ để trợ giúp họ trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên, hệ thống kế toán chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ tập trung vào kế toán tài chính (để lập báo cáo tài chính là chủ yếu). Hệ thống kế toán chi phí hướng vào việc cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập kế hoạch, kiểm soát và đánh giá việc lập kế hoạch trong nội bộ doanh nghiệp còn rất hạn chế. Hệ thống kế toán quản trị còn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy tính hữu ích của thông tin của kế toán chưa được khai thác triệt. Hệ thống kế toán chi phí hiện nay không thể cung cấp các thông tin phù hợp, kịp thời và tin cậy cho việc ra các quyết định kinh doanh của các nhà quản trị doanh nghiệp. Với hệ thống kế toán chi phí này, các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh khó nâng cao được hiệu quả hoạt động, nâng cao được năng lực cạnh tranh để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ trong nước, khu vực và trên thế giới.
Điều này cho thấy ngành sản xuất thép trên địa bàn tỉnh là một trong các ngành cần khẩn trương xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động kinh doanh của mình. Chính vì lý do đó, đề tài “Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” được lựa chọn để thực hiện
Mục tiêu
* Mục tiêu chung
Cùng với việc hệ thống hoá cở sở lý luận và thực tiễn về mô hình kế toán quản trị chi phí phục vụ hiệu quả cho quản trị nội bộ, đề tài sẽ phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống kế toán chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất những giải pháp và xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép theo hướng hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện đại, có thể cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản trị trong việc ra quyết định kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt
* Mục tiêu cụ thể
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình kế toán quản trị chi phí trong quản trị doanh nghiệp.
- Đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Đề xuất phương hướng và giải pháp về mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Xây dựng mô hình hiệu quả về kế toán quản trị chi phí trong một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nội dung
Mở đầu
Tính cấp thiết của đề tài
Tổng quan tình hình nghiên cứu
Mục đích và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Chương 1: Cơ sở khoa học về kế toán quản trị chi phí trong quản trị doanh nghiệp
1.1. Bản chất của kế toán quản trị chi phí
1.2. Vai trò của kế toán quản trị chi phí trong quản trị doanh nghiệp
1.3. Mô hình lý thuyết cơ bản của kế toán quản trị chi phí
1.4. Kinh nghiệm tổ chức mô hình kế toán quản trị chi phí ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam
Chương 2: Thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
2.1. Những đặc điểm của ngành sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
2.2. Thực trạng hệ thống kế toán chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
2.3. Đánh giá thực trạng kế toán chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh
Chương 3: Phương hướng và giải pháp xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.1. Sự cần thiết xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.2. Yêu cầu của việc xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.3. Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.4. Điều kiện cơ bản để thực hiện mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Kết luận
PP nghiên cứu
Định hướng tư duy trong nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Các phương pháp cụ thể tiến hành nghiên cứu bao gồm:
* Phương pháp thu thập thông tin
- Đối với thông tin thứ cấp: chủ yếu được thu thập từ tài liệu đã công bố ở các thư viện, các trường đại học, các tổ chức, cơ quan liên quan trong và ngoài nước. Chủ yếu như Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, thư viện Đại học Kinh tế quốc dân, thư viện Học viện tài chính, thư viện Đại học Thương mại, thư viện trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái nguyên, các Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Nhân văn, Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt các trang Website chuyên ngành trong và ngoài nước.
- Đối với thông tin mới được thu thập qua điều tra, bằng phiếu điều tra doanh nghiệp, phỏng vấn những người liên quan, quan sát, mô tả...
* Phương pháp phân tích đánh giá
- Phương pháp phân tích: Những vấn đề lớn, phức tạp được phân tích để tạo thành vấn đề nhỏ và đơn giản. Từ đó đánh giá và nhận xét đúng đắn.
- Phương pháp so sánh: so sánh giữa các thời kỳ để biết mức độ tăng trưởng, phát triển. So sánh giữa các doanh nghiệp, giữa các lĩnh vực để xem xét mức độ hiệu quả.
- Phương pháp hội nghị, hội thảo: Tổ chức hội nghị, hội thảo theo các chuyên đề để có sự thảo luận, tranh luận của các chuyên gia nhằm làm nổi rõ vấn đề nghiên cứu, các khía cạnh cần giải quyết của đề tài, từ đó có được đánh giá đúng đắn.
- Phương pháp hạch toán kế toán: chủ yếu sử dụng phương pháp tổng hợp, cân đối thông qua các báo cáo tài chính
- Các phương pháp xử lý số liệu thống kê trong kinh tế.
Hiệu quả KTXH
B¸o c¸o khoa học về mô hình kế toán quản trị chi phí để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép có thể ứng dụng trong việc thiết lập hệ thống thông tin phục vụ quản lý, nhằm tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Đồng thời là tài liệu tham khảo cho học viên cao học, sinh viên ngành kế toán, quản trị kinh doanh khi thực hiện các nghiên cứu liên quan đến kế toán quản trị.
ĐV sử dụng
Các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trường đại học Kinh tế &quản trị kinh doanh.
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)